Kinh nghiệm “tự cứu” của doanh nghiệp bất động sản
Thị trường bất động sản (BĐS) đang gặp khó khăn vì thiếu vốn. Rất nhiều doanh nghiệp đã bị “đào thải” khỏi cuộc chơi nhiều rủi ro. Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh này, nhiều đơn vị vẫn trụ vững với thị trường khi họ tìm ra được cho mình những hướng đi mới.
Vẫn là giải pháp vốn
Theo kinh nghiệm của Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (Thủ Đức House -TDH), giải pháp để tự cứu mình trước tiên phải chạy vốn. Vốn là vấn đề luôn được đơn vị này quan tâm, từ năm 2009, họ đã thực hiện phát hành trái phiếu chuyển đổi. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn về thủ tục, việc phát hành không được như ý muốn. Nhưng bằng phương thức này TDH cũng lo được 1/3 nguồn vốn để duy trì các dự án.
Với nguồn vốn có hạn đó, TDH phải tính toán chọn lọc, ưu tiên cho các dự án trọng điểm, giãn bớt những dự án chưa cấp thiết. Mặt khác, doanh nghiệp này còn tính đến các hình thức liên kết, hợp tác với những đối tác khác có năng lực tài chính, kể cả trong nước lẫn ngoài nước, hay những đơn vị trong nước có sẵn mặt bằng để tăng thêm tiềm lực về vốn cho mình. Trước kia khi nguồn vốn dồi dào, có thể thâu tóm nhiều dự án thì khi nguồn vốn hạn hẹp, họ tập trung mở rộng hợp tác với nhiều đối tác, sang nhượng lại cho những đối tác quan tâm tới dự án của mình, hoặc mời họ tham gia góp vốn...
Mặc dù vậy, khả năng có được nguồn vốn này cũng không nhiều vì phương án này đòi hỏi các yếu tố khác như dự án hấp dẫn, thương hiệu của nhà đầu tư… Đôi khi mời gọi đối tác, liên kết đầu tư cũng cần phải có sự hiểu biết lẫn nhau, có cùng mục đích, cùng văn hóa… Đây không phải là một hướng đi có thể dễ dàng thực hiện ngay được, nhưng cũng là một cách để tháo gỡ khó khăn nhất thời.
Trước khi “ngấm đòn tín dụng”, thị trường đã có dấu hiệu trầm lắng trước đó một thời gian (trừ một số khu vực bị thổi giá), TDH đã nhanh chóng chuyển hướng đầu tư kinh doanh để tung ra những dòng sản phẩm mới cho thị trường. Cụ thể là vào cuối Quý 3, đầu Quý 4, THD sẽ đưa ra dòng sản phẩm cho người có thu nhập trung bình và dưới trung bình. Cách thức mà TDH làm là nghiên cứu để phát triển nhà chung cư với diện tích nhỏ vừa phải cho những gia đình ít người, có giá từ 500 - 600 triệu đồng/căn nhưng vẫn đảm bảo yếu tố an toàn, tiện nghi cần thiết, thiết kế hợp lý và đáp ứng nhu cầu tối thiểu của khách hàng.
Việc xây dựng hình ảnh và thương hiệu của một doanh nghiệp cũng góp phần không nhỏ để sản phẩm BĐS của chủ đầu tư được khách hàng tin tưởng. Bởi thời gian vừa qua, đã có quá nhiều chuyện lùm xùm xung quanh hành trình mua nhà, đất của người dân. Không ít nhà đầu tư đưa ra những lời thuyết minh rất hấp dẫn về dự án để thu hút người mua nhưng sau đó lại không thực hiện đúng cam kết khiến khách hàng khó chịu.
Khi cuộc cạnh tranh giữa các chủ đầu tư đang trở nên ngày một gay gắt hơn và do đó cách làm của họ cũng đang trở nên chuyên nghiệp hơn. Hiện nhiều nhà đầu tư lớn có xu hướng tập trung xây dựng thương hiệu cho mình thông qua việc chuẩn hóa các tiêu chí về chất lượng cho các dự án của mình.
Không phải nghiễm nhiên mà những cái tên “đình đám” trong lĩnh vực BĐS bỗng nổi lên và được mọi người biết đến. Họ cũng phải trải qua nhiều thăng trầm, qua sự kiểm định về chất lượng sản phẩm của các “thượng đế” đang sở hữu những sản phẩm đó. Việc xây dựng thương hiệu cũng là một trong những chiến lược mang tính lâu dài sẽ là chìa khóa mở cánh cửa thành công và khẳng định vị thế riêng của doanh nghiệp.
Điển hình của xu hướng này là Tập đoàn VinaCapital mới đây đã công bố thương hiệu VinaLiving cho tất cả các dự án của mình trên toàn quốc. Điểm nổi bật của VinaLiving là việc đưa ra một thông điệp đơn giản nhưng giàu ý nghĩa: chất lượng sống tiêu chuẩn cao nhất cho người mua. VinaCapital đưa ra cam kết rằng, đối với tất cả các dự án của tập đoàn sẽ được áp dụng theo các chuẩn mực nhất định. Ngoài việc tạo ra những BĐS tốt và tiện nghi nhất, họ còn hướng tới việc tạo ra những tài sản có giá trị lớn dần.
Theo đánh giá của các chuyên gia về thương hiệu, việc phát triển các thương hiệu để qua đó khẳng định chất lượng dự án cũng như sản phẩm của mình sẽ là xu hướng phổ biến tại Việt Nam trong thời gian tới, đơn giản là vì điều này đã được các nhà phát triển BĐS lớn trên thế giới thực hiện từ lâu.
Thừa căn hộ cao cấp- thiếu căn hộ bình dân
BĐS Việt Nam trong mấy năm trở lại đây có diễn biến khá thuận lợi cho các nhà đầu tư khi liên tục tăng giá bán, tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, đây không phải là dấu hiệu tốt cho thị trường, nhất là một thị trường cần sự phát triển bền vững như BĐS. Đơn cử như ở Mỹ, do không kiểm soát được tăng trưởng của thị trường BĐS đã dẫn tới hiện tượng “bong bóng”, giá cả được đẩy lên một cách chóng mặt, chỉ trong vòng 16 năm, giá nhà đã tăng gấp 5 lần đã dẫn tới sự sụp đổ của thị trường tài chính.
Theo nhận định của các chuyên gia BĐS, mô hình thích hợp nhất nhằm ổn định và phát triển thị trường nhà đất Việt Nam là tạo lập quỹ tiết kiệm nhà ở. Nguồn tài chính này sẽ được sử dụng để tạo quỹ nhà cho những người có thu nhập thấp chưa có khả năng tự lo nhà ở.
Điều mà các nhà kinh doanh BĐS lo lắng nhất hiện nay là những tác động dây chuyền sẽ làm “méo mó thị trường”. Hiện nguồn vốn cho đầu tư BĐS đang bị tắc do các ngân hàng siết tín dụng. Việc phát hành trái phiếu để tạo vốn cho các dự án BĐS cũng không được phép. Mặt khác, nguồn vốn huy động từ thị trường chứng khoán cũng nhỏ giọt, còn nguồn huy động từ khách hàng thì khó khăn. Tình hình chung hiện nay của thị trường đang bị “lệch pha”, cung không khớp cầu. Quá thừa ở phân khúc căn hộ cao cấp, nhưng lại thiếu trầm trọng căn hộ giá bình dân - loại hình mà người dân thực sự có nhu cầu và có khả năng mua được.
Thảo Nguyên
Tầm nhìn



Xem bài viết: Kinh nghiệm “tự cứu” của doanh nghiệp bất động sản