6 tháng cuối năm, tổng phương tiện thanh toán và tín dụng có thể tăng trên 10%
Ông Đỗ Thức
Hiệu quả đầu tư đang có dấu hiệu được cải thiện. Và trong bối cảnh lạm phát cao không thể thắt chặt tiền tệ hơn nữa, cần sử dụng triệt để và đồng bộ các giải pháp khác như tổ chức sản xuất hợp lý, tiết kiệm chi để giảm giá thành sản xuất, kiểm soát giá cả, thị trường... Đó là nhận định của ông Đỗ Thức - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên Thời báo Ngân hàng.
Ông nhận định thế nào về hiệu quả vốn đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2011?
Để xác định hiệu quả đầu tư cần có số liệu của một giai đoạn dài do đầu tư luôn có độ trễ về thời gian. Không thể đánh giá chính xác hiệu quả đầu tư chỉ trong thời gian 6 tháng, nhưng có thể ước lượng hiệu quả đầu tư thông qua tỷ lệ vốn đầu tư/GDP và tốc độ tăng trưởng GDP (như một số các chuyên gia thường tính toán): Năm 2010, tỷ lệ vốn đầu tư/GDP khoảng 45,6%, GDP tăng 6,18% nghĩa là để tăng 1 đồng GDP cần đầu tư 7,38 đồng; còn trong 6 tháng đầu năm 2011, tỷ lệ vốn đầu tư/GDP khoảng 38,3%, GDP tăng 5,57% nghĩa là chỉ cần đầu tư 6,9 đồng để tạo ra 1 đồng GDP. Như vậy, có thể thấy hiệu quả đầu tư đang có dấu hiệu được cải thiện.
Ngoài ra, theo tính toán của các chuyên gia, khu vực nhà nước và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã và đang thể hiện hiệu quả đầu tư kém nhất (thời gian qua hệ số ICOR của khu vực nhà nước là 10, khu vực FDI trên 9). Trong 6 tháng đầu năm 2011, vốn đầu tư của 2 khu vực này đều giảm, chỉ khu vực ngoài nhà nước (đầu tư có hiệu quả hơn) là tăng, do vậy cũng có thể nhận thấy hiệu quả đầu tư chung của nền kinh tế tăng lên. Vì vậy, trong những năm tới, để tăng hiệu quả đầu tư của nền kinh tế một cách bền vững cần bố trí nguồn vốn theo hướng tái cấu trúc nền kinh tế. Hay nói cách khác là tạo ra cơ chế minh bạch và thông thoáng để các nguồn lực của nền kinh tế (vốn, lao động...) được phân bổ vào những ngành, lĩnh vực có hiệu quả.
Từ đầu năm đến nay, các chỉ tiêu về tiền tệ như tổng phương tiện thanh toán (M2), dư nợ tín dụng, đều tăng rất thấp nhưng lạm phát tính theo năm vẫn liên tục tăng cao, thưa ông?
Lạm phát không chỉ chịu tác động của tăng trưởng M2, dư nợ tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2011, mà còn chịu tác động của nhiều nhân tố khác. Đó là giá nguyên vật liệu, nhiên liệu trên thị trường thế giới tăng làm tăng chi phí đầu vào của nền kinh tế; tác động từ điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng như xăng (tăng 30%), điện (tăng 15,28%), than... Theo tính toán, ảnh hưởng của cả 2 lần tăng giá xăng dầu và giá điện làm CPI tăng khoảng trên 4% sau thời gian từ 3 - 6 tháng, trong điều kiện những yếu tố khác không thay đổi.
Lạm phát cao một phần cũng là hệ quả của một số mất cân đối trong nền kinh tế nước ta như: Chênh lệch giữa tích lũy nội địa với vốn đầu tư (tích lũy khoảng 30% GDP so với đầu tư khoảng 40% GDP) trong khi hiệu quả đầu tư thấp; nhập siêu cao (6 tháng đầu năm 2011 bằng 15,7% so với xuất khẩu...).
Nếu căn cứ vào mục tiêu đề ra thì dư địa cho tăng trưởng M2 và tín dụng trong thời gian từ nay đến cuối năm vẫn còn khá lớn. Theo ông, có nên tăng hết hạn mức đề ra?
6 tháng đầu năm 2011, M2 chỉ tăng 2,33% so với đầu năm, trong khi dự kiến cả năm tăng khoảng 15 - 16%; tín dụng tăng trưởng 7,05% trong khi dự kiến cả năm tăng dưới 20%. Như vậy, 6 tháng cuối năm 2011, cả 2 chỉ tiêu này có thể sẽ tăng cao, trên 10%. Tuy nhiên, phải thấy rằng tốc độ tăng trưởng M2 và tín dụng như mục tiêu đề ra là rất thấp so với nhiều năm trở lại đây. Với tốc độ tăng trưởng như vậy, các doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung đang đứng trước khó khăn rất lớn về vốn nên vẫn phải duy trì tốc độ tăng trưởng M2 và tín dụng theo mục tiêu đề ra. Vấn đề cần quan tâm là phải có lộ trình gia tăng phù hợp.
Hơn nữa, như phân tích ở trên, lạm phát tăng cao do tác động của nhiều nhân tố, đặc biệt là giá cả đầu vào cho sản xuất tăng cao (lạm phát do chi phí đẩy) và hiệu quả đầu tư thấp chứ không chỉ do yếu tố tiền tệ. Bởi vậy, thắt chặt tiền tệ nhưng không thể thắt chặt quá mức dẫn đến các đơn vị sản xuất kinh doanh khó tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, trong khi vẫn phải duy trì mục tiêu tăng trưởng ở mức hợp lý để đảm bảo công ăn việc làm; người lao động có thu thập trong bối cảnh giá cả tăng cao; tăng thu cho ngân sách để thực hiện các chính sách trợ giúp người nghèo, bảo đảm an sinh xã hội...
Vậy đâu là giải pháp chủ yếu để kiềm chế lạm phát trong những tháng cuối năm?
Tiếp tục thực hiện quyết liệt Nghị quyết 11 của Chính phủ. Đây là một quyết sách đúng, toàn diện, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của tình hình lạm phát cao và một số mất cân đối vĩ mô đã tích tụ nhiều năm bên trong nền kinh tế. Đồng thời tập trung thực hiện các biện pháp kiểm soát giá cả, thị trường đã được nêu ra trong Công điện số 1120 ngày 9/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gây sốt giá, ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống của nhân dân. Cùng với quá trình đó cần có sự ủng hộ, đồng thuận của cả cộng đồng trong lúc khó khăn khách quan của nền kinh tế nước nhà.
Tường Lam thực hiện
thời báo ngân hàng



Xem bài viết: 6 tháng cuối năm, tổng phương tiện thanh toán và tín dụng có thể tăng trên 10%