Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: 'Không ép dùng tiền xu'
Trong khi chưa phát hành thêm, tiền kim loại sẽ được bảo quản trong kho, chỉ duy trì lưu thông ở một số địa phương có điều kiện như TP HCM, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XII, diễn ra tháng 3 vừa qua, cử tri tỉnh Tiền Giang đề nghị ngành ngân hàng khắc phục tình trạng tiền kim loại chất lượng kém và khó sử dụng trong lưu thông như hiện nay. Cử tri cũng yêu cầu tăng cường hơn nữa biện pháp phòng và chống tiền giả, xử lý ở mức hình phạt cao nhất đối với các hành vi sản xuất, phân phối, sử dụng tiền giả
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo và nhận trách nhiệm trước Thủ tướng về những hạn chế của tiền kim loại trong lưu thông, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá, nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng tiền.
Ông cho biết Thủ tướng đã chấp thuận các giải pháp lưu thông tiền xu do Ngân hàng Nhà nước đề xuất, theo hướng chưa phát hành thêm; tổ chức tốt việc cất giữ, bảo quản tiền kim loại trong kho; đồng thời duy trì tiền kim loại trong lưu thông ở những địa phương có điều kiện (TP HCM).
"Đối với địa bàn gặp khó khăn trong việc lưu thông tiền kim loại, thì không ép buộc người dân sử dụng", Thống đốc Giàu khẳng định.
Câu chuyện tiền xu liên tục được các cử tri, đặc biệt là cử tri khu vực ĐBSCL đặt ra tại nhiều kỳ họp Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 8, Thống đốc Giàu cũng phải giải trình về vấn đề này.
Tiền xu được đưa vào lưu thông trở lại từ năm 2003, sau nhiều năm vắng bóng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đương thời, ông Lê Đức Thúy, cho biết đã đặt đúc 1 tỷ đơn vị tiền xu ở nước ngoài, bao gồm cả 5 mệnh giá 200, 500, 1.000, 2.000 và 5.000 đồng.
Giá thành đúc đắt hơn nhiều, song Ngân hàng Nhà nước lúc đó tính toán giá trị kinh tế của tiền xu cao hơn, vì độ bền (có thể gấp cả chục lần so với tiền giấy hay polymer) và sẽ giúp phát triển các hình thức thanh toán tự động.
Tuy nhiên, sau vài năm đưa vào lưu thông, tiền bị xỉn màu, các phương tiện thanh toán tự động không phát triển, cộng với đà lạm phát leo thang khiến các mệnh giá tiền xu không còn thuận tiện trong chi tiêu. Vì vậy, người dân tại nhiều địa phương đã từ chối sử dụng loại tiền này.
Liên quan tới việc phòng, chống tiền giải nói chung, Thống đốc cho biết năm 2010, Ngân hàng Nhà nước đã in và phát hành trên phạm vi cả nước một triệu cuốn tài liệu, 100.000 tờ áp phích “tiền Việt Nam và cách nhận biết” để người dân nắm được các quy định của pháp luật về bảo vệ tiền Việt Nam, các cách kiểm tra, nhận biết tiền thật cũng như thủ đoạn tiêu thụ tiền giả.
Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục nghiên cứu và áp dụng các biện pháp công nghệ nhằm nâng cao khả năng chống làm giả đồng tiền của Việt Nam; triển khai thực hiện “Dự án Nâng cao hiệu quả, biện pháp ngăn chặn tiền giả lưu hành” trong hệ thống Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, bộ đội biên phòng, hải quan trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành, mua, bán tiền giả.
Theo quy định tại Điều 180 Bộ Luật hình sự, khung hình phạt đối với các hành vi phạm tội này như sau: bị phạt tù từ 3 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân; phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Song Linh
vnexpress



Xem bài viết: Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: 'Không ép dùng tiền xu'