Trò nhào lộn của lạm phát
  • Thông báo


    + Reply to Article
    Kết quả 1 đến 2 của 2
    1. #1
      Ngày tham gia
      May 2006
      Bài viết
      36
      Được cám ơn 5 lần trong 4 bài gởi

      Mặc định Trò nhào lộn của lạm phát

      --------------------

      Blogger: Tiến sỹ Trần Vinh Dự

      --------------------

      12/07/2011:


      Báo cáo mới nhất của Chính phủ đã nới chỉ tiêu về lạm phát lên mức khoảng 15% tới 17%. Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng kiềm chế được lạm phát ở mức 17% là rất khó khăn và nếu giữ được ở 17% tới 18% cũng đã là một thành công.


      Đây là lần thứ 3 liên tiếp trong năm nay Chính phủ nới chỉ tiêu về lạm phát. Trong lần điều chỉnh đầu tiên vào cuối quý một, chỉ tiêu về CPI được điều chỉnh từ 7% lên 11,75%. Lần thứ hai từ 11,75% lên 15% vào cuối tháng 5 và lần thứ 3 từ 15% lên 17% vào cuối tháng 6. Và theo cách nói của Bộ trưởng Phúc thì khả năng còn tiếp tục phải điều chỉnh lên nữa không phải là không có.


      Nhìn từ một góc độ nào đó, việc phải liên tục nới chỉ tiêu lạm phát cho thấy sự bối rối của Chính phủ. Trên thực tế, ngay từ đầu năm đã có nhiều dự báo của giới chuyên gia về lạm phát của năm 2011 không dưới 15%, tuy nhiên việc đặt các mục tiêu 7%, rồi 11,75% cho thấy những người điều hành chính sách đã lạc quan hơn so với thực tế của nền kinh tế khá nhiều. Biến động giá cả của 6 tháng đầu năm nay đã khiến các phán đoán của đội ngũ làm chính sách liên tục bị “hớ”. Không còn nghi ngờ gì nữa, lạm phát là bài toán vĩ mô hóc búa nhất của năm nay.


      Vậy thì lạm phát là gì, và tại sao nó lại là bài toán vĩ mô hóc búa nhất của năm nay?

      Lạm phát, theo cách hiểu giản đơn nhất, là sự việc mặt bằng giá cả trong nền kinh tế tăng liên tục theo thời gian. Nó khác với việc giả cả tăng vọt lên trong một giai đoạn ngắn do một biến cố độc lập nào đó (như việc tăng lương tối thiểu) và sau đó không tăng lên nữa. Điểm khác biệt này là hết sức quan trọng vì nếu việc tăng giá (bao gồm cả giá nhân công) chỉ xảy ra một lần (và đồng bộ) rồi thôi, thì trên nguyên tắc nó không ảnh hưởng gì tới người dân. Lý do là thu nhập danh nghĩa (tính bằng tiền) của người dân tăng lên theo một tỷ lệ nhất định nhưng mặt bằng giá cả cũng tăng lên đúng như vậy và vì thế thu nhập thực tế (đo bằng khả năng mua hàng hóa và dịch vụ của thu nhập danh nghĩa) vẫn như cũ.


      Thế nhưng, đúng như định nghĩa của lạm phát, nó không phải là việc tăng mặt bằng giá cả một lần duy nhất, mà nó là một quá trình liên tục và thông thường là bất đối xứng. Giá cả hàng hóa và dịch vụ, bao gồm cả giá nhân công, tăng trong một giai đoạn dài và mức độ tăng không giống nhau. Tính bất đối xứng của việc tăng giá khiến cho có một số doanh nghiệp hoặc một số người có thể hưởng lợi từ lạm phát khi giá cả của các sản phẩm của họ tăng nhanh hơn mặt bằng chung và đặc biệt là tăng nhanh hơn chi phí đầu vào. Ngược lại, cũng có nhiều doanh nghiệp hoặc cá nhân bị thiệt hại vì lạm phát khi giá bán sản phẩm của họ không tăng kịp với tốc độ tăng giá chung.


      Đối với tuyệt đại bộ phận những người sống bằng lương, lạm phát là một tai họa vì tiền lương thường không được điều chỉnh nhanh như giá hàng hóa và dịch vụ. Thí dụ như lương tối thiểu ở Việt Nam thường chỉ được điều chỉnh một hoặc hai năm một lần. Sau khi được điều chỉnh, người lao động phải chờ một thời gian dài nữa thì tiền lương của họ mới có hi vọng tăng. Trong suốt quá trình đó, lạm phát sẽ bào mòn thu nhập thực tế của họ vì sức mua của thu nhập danh nghĩa giảm dần do giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng lên. Nếu tiền lương của họ từ đầu năm tới nay không tăng thì lạm phát ở Việt Nam đã khiến cho thu nhập thực tế của họ giảm đi tới 13,3%. Vì đây là một con số vô cùng lớn với giới trung lưu và người nghèo, Chính phủ có lý do để lo ngại sâu sắc về cuộc sống đang ngày càng khó khăn đối với người dân và kéo theo là nguy cơ bất ổn xã hội. Cũng vì lý do này, lạm phát vẫn được coi là thứ thuế ngầm (và cực kỳ nguy hiểm) đánh vào giới trung lưu và người nghèo.



      Nguồn: IMF và GSO
      Chú thích hình: Liệu CPI của Việt Nam năm 2011có sẽ tiếp tục đi xuống vào sáu tháng cuối năm như hồi năm 2008 hay sẽ lại đi lên dần từ tháng 8 giống như hồi năm 2007, 2009, và 2010? Điều này phụ thuộc vào việc Chính phủ có tiếp tục thắt chặt tiền tệ hay không.

      Thế nhưng thứ thuế ngầm này từ đâu mà có?

      Nếu đặt ra câu hỏi về nguồn gốc của lạm phát, bạn sẽ nhận được cả nghìn câu trả lời khác nhau. Điều này khiến cho khái niệm lạm phát trở thành một điều rất khó hiểu đối với những người không chuyên. Có lẽ vì thế, nó được phủ lên một lớp màn bí ẩn và nhiều khi được diễn giải là một thứ từ trên trời rơi xuống mà chẳng có ai phải chịu trách nhiệm về nó.


      Trên thực tế thì lạm phát là một hiện tượng kinh tế, và vì thế nó là sản phẩm của hành vi của con người, mà quan trọng nhất là các quyết định điều hành vĩ mô của nhà nước.

      13/07/2011:

      Để lý giải lạm phát ở Việt Nam một cách đơn giản nhất, hãy bắt đầu từ chỗ nền kinh tế Việt Nam trong một giai đoạn dài luôn ở mức tới hạn khả năng sản xuất (tức là không còn các nguồn lực dư thừa). Trong điều kiện tới hạn khả năng sản xuất, để tăng GDP thì cần tập trung vào các yếu tố nền tảng để tăng năng suất lao động nhằm khai thác tốt hơn các nguồn lực hiện có.


      Tuy nhiên cuộc chơi tăng năng suất lao động là cuộc chơi nan giải và chỉ thành công trong dài hạn. Việt Nam đã chọn cho mình một hướng đi dễ dàng hơn, nhưng cũng nguy hiểm hơn. Đó là cuộc chơi ngắn hạn thông qua việc bơm liên tục đầu tư (cả công và tư) và tăng chi tiêu của nhà nước để đẩy GDP trong ngắn hạn. Điều này cũng ví như thay vì nuôi con vịt cho nó lớn một cách bình thường (khá mất thời gian), thì chúng ta lại nhồi nhét thật nhiều bánh đúc vào họng con vịt này giống như các bà bán vịt sống ở ngoài chợ để nó tăng cân đột biến.


      Vì năng lực sản xuất đã ở mức tới hạn, việc bơm tiền qua đầu tư và chi tiêu công không làm gia tăng sản lượng được bao nhiêu, ngược lại gây tăng giá vì lượng tiền trong nền kinh tế đột nhiên tăng lên mà lượng hàng hóa nó sản xuất ra không tăng tương ứng (học thuyết tiền tệ).


      Hoặc nếu sản lượng có tăng trong ngắn hạn do nhà nước tăng tiêu dùng khiến cho tổng cầu tăng đẩy giá ngắn hạn tăng lên theo trong khi tiền lương chưa điều chỉnh kịp khiến các nhà sản xuất có lợi hơn khi sản xuất nhiều hơn, thì về dài hạn, tiền lương cũng sẽ được điều chỉnh tăng khiến sản lượng lại bị co về đúng bằng mức cân bằng dài hạn. Và như thế việc tăng chi tiêu công khi nền kinh tế đang ở mức tới hạn khả năng sản xuất chỉ khiến cho giá cả tăng mà thôi (học thuyết Keynesian).


      Chính vì thế, để giảm lạm phát ở Việt Nam thì phải cắt giảm đầu tư và/hoặc chi tiêu công như là một mũi tên bắn trúng 3 mục tiêu:


      1.Giảm đầu tư công cũng dẫn tới việc thu hẹp tài trợ ngân sách bằng cách tăng cung tiền;


      2.Giảm đầu tư công bằng cách tăng các tiêu chí về hiệu quả đầu tư sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư công;


      3.Giảm đầu tư công và chi tiêu công để chấm dứt hiệu ứng chèn lấn (crowd out), tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển;


      Để tăng trưởng bền vững thì không thể dựa vào các biện pháp nhồi vịt như ở trên. Việt Nam phải tập trung cải cách thể chế kinh tế để tăng năng suất lao động, coi đây là động lực của phát triển lâu dài.


      Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm thắt chặt cả tín dụng lẫn tài khóa trong năm nay. Các động thái thắt chặt tiền tệ của Chính phủ rất rõ ràng và tới nay đã bắt đầu phát huy tác dụng. CPI đã giảm trong tháng 5 (2,21%) và tháng 6 (1,09%) từ mức đỉnh điểm trong tháng 4 (3,32%). Tuy nhiên giải pháp thắt chặt tài khóa hầu như vẫn chưa thực hiện được bao nhiêu.


      Tại Hội nghị giữa kỳ 2011 Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG 2011) cho Việt Nam vào ngày 08-09/6/2011, Bộ Tài chính chưa đưa ra thống kê chính thức về tình hình thực hiện mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách nhà nước (NSNN) xuống dưới mức 5% GDP. Tuy nhiên, số liệu thu chi ngân sách của 04 tháng đầu năm 2011 mà Bộ này đưa ra cho thấy trong 04 tháng đầu năm 2011, chi NSNN tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái và thu NSNN cũng tăng với tốc độ xấp xỉ (19.1%) so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, trong 04 tháng đầu năm này thì tình hình thâm hụt NSNN chưa có cải thiện đáng kể nào so với cùng kỳ 2010.


      Cũng tại Hội nghị này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra con số tổng đầu tư của nhà nước (bao gồm cả đầu tư của DNNN) đã cắt giảm là 80.550 tỷ đồng (tương đương khoảng gần 4 tỷ USD). Tuy nhiên trong số này thì có tới 39.212 tỷ là do DNNN cắt và 15.000 tỷ là do không ứng trước vốn đầu tư cho năm 2012 và không kéo dài thời gian giải ngân vốn kế hoạch của năm 2010. Vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ kế hoạch năm 2011 thực sự bị cắt giảm chỉ có 8.333 tỷ đồng.


      Việc hạ nhiệt của CPI có thể khiến cho Chính phủ có động cơ nới lỏng bớt chính sách tiền tệ. Điều này, nếu được thực hiện, sẽ khiến CPI tăng mạnh trở lại. Nếu nhìn vào thống kê tốc độ tăng CPI theo tháng của các năm từ 2007 tới 2011 (xem biểu đồ trong phần 1) thì một đặc điểm dễ nhận thấy là diễn biến CPI của các năm 2007, 2009, và 2010 rất giống nhau: tốc độ tăng CPI cao hồi đầu năm, giảm khá mạnh trong quý 2, ổn định ở quý 3, và tăng tốc trở lại vào quý 4. Riêng trong năm 2008, CPI tăng rất mạnh vào quý 1 và nửa quý 2, giảm rất mạnh từ giữa quý 2 cho tới tận cuối năm.


      Diễn biến lạm phát của năm nay sẽ giống như kịch bản các năm 2007, 2009, và 2010 hay sẽ giống như kịch bản năm 2008 phụ thuộc vào các nỗ lực chính sách tiếp theo của chính phủ. Nếu việc thi hành Nghị quyết 11 bị lơ là, và chính sách tiền tệ bị nới lỏng sớm, thì chắc chắn lạm phát sẽ quay trở lại trong quý 4. Và nếu điều đó xảy ra, thì vẫn có lý do để lo ngại rằng kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm nay sẽ vỡ trận.


      Tóm lại, lạm phát đang và sẽ tiếp tục là vấn đề vĩ mô lớn nhất của năm nay. Tốc độ tăng CPI có vẻ như đang giảm bớt vào tháng 5 và tháng 6, nhưng còn xa mới có thể nói rằng đã lập lại sự ổn định (dù là tạm thời) về mặt bằng giá cả. Việc tiếp tục triệt để thực hiện Nghị quyết 11 có ý nghĩa sống còn cho mục tiêu ổn định vĩ mô này. Vì lạm phát đang là yếu tố vĩ mô duy nhất đang từng ngày từng giờ bào mòn sức chịu đựng của đại bộ phận công chúng, Chính phủ cần hết sức thận trọng trong việc nới lỏng các công cụ tài khóa và tiền tệ, cương quyết tránh nới lỏng các công cụ này quá sớm.

    2. #2
      Ngày tham gia
      Jul 2011
      Đang ở
      Bac Ninh
      Bài viết
      2
      Được cám ơn 1 lần trong 1 bài gởi

      Mặc định Kìm chế lạm phát

      Là một người dân, tôi nghe rất nhiều về cụm từ kìm chế lạm phát, hay nghe tới các con số 15-17%. Tuy nhiên, tôi thấy lạm phát 2 con số là cao và khó chấp nhận được. Tôi hy vọng trong nửa cuối năm nay, lạm phát giảm và sang năm kinh tế đất nước trở nên ổn định hơn.
      ____________
      leoseon

    3. Những thành viên sau đã cám ơn :
      1000percent (22-07-2011)

    Thông tin của chủ đề

    Users Browsing this Thread

    Có 1 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 1 khách vãng lai)

       

    Similar Articles

    1. Trả lời: 104
      Bài viết cuối: 20-12-2011, 03:54 PM
    2. Hạn chế tác dụng phụ của “thuốc đắng” chống lạm phát
      By tintucsukien in forum Thảo luận Tình hình
      Trả lời: 2
      Bài viết cuối: 07-07-2011, 08:12 AM
    3. VIS-Sự trở lại của ông LỚN
      By ngunhatvst in forum Doanh nghiệp sàn HoSE
      Trả lời: 1
      Bài viết cuối: 12-11-2009, 11:19 PM

    Bookmarks

    Quyền viết bài

    • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
    • Bạn Không thể Gửi trả lời
    • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
    • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình