Lãi suất đầu ra chưa giảm, vì sao?
Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và lãi suất huy động bắt đầu giảm… nhưng lãi suất cho vay vẫn chưa giảm
Sau động thái Ngân hàng (NH) Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) từ 15%/năm xuống 14%/năm, cùng một loạt biện pháp kiềm chế lạm phát được xem là có hiệu quả của Chính phủ, nhiều người đang trông đợi vốn vay NH sẽ giảm. Nhưng dường như các NH vẫn chờ nhau…

Tín hiệu “hạ nhiệt” đầu vào
Tính đến cuối tháng 6-2011, lãi suất giao dịch bình quân trên thị trường liên NH bằng VNĐ giảm nhẹ đối với hầu hết các kỳ hạn. Hiện lãi suất bình quân liên NH qua đêm là 12,07%/năm, các kỳ hạn còn lại từ 13,35% đến 14%/năm.
Song song đó, lãi suất huy động bằng VNĐ của một số NH thương mại cổ phần cũng đang hạ nhiệt. Nhiều NH không còn huy động ở mức trần lãi suất 14%/năm như trước.
Chẳng hạn, NH Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), lãi suất tiền gửi cá nhân từ 6 tháng trở lên chỉ còn 13,55%/năm, kỳ hạn từ 15 tháng trở lên còn 13%/năm. NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), tiền gửi cá nhân kỳ hạn từ 3 tuần đến 13 tháng là 13,85%/năm, từ 15 tháng trở lên chỉ 12%/năm.
Tương tự, các NH Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Đông Á… cũng giảm dần mức lãi suất huy động tùy theo thời gian thực gửi. Mức lãi suất thỏa thuận vượt trần cho các khoản tiền gửi từ vài trăm triệu đồng đến trên 1 tỉ đồng cũng giảm 1%-2%/năm.
Nhận định của NH Nhà nước, hiện thị trường đang dư cung thanh khoản, huy động vốn VNĐ thực tế từ các tổ chức kinh tế và dân cư có biểu hiện giảm. Chưa kể tình trạng lãi suất vay cao khiến các doanh nghiệp không dám vay, phải hoạt động cầm chừng, sáp nhập hoặc giải thể… Trong 6 tháng đầu năm 2011, tín dụng bằng VNĐ chỉ tăng 2,48%.
Lãi suất cho vay vẫn ngất ngưởng
Hiện mức lãi suất cho vay bằng VNĐ lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu phổ biến ở mức 16,5% - 20%/năm; lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác từ 18% - 21%/năm và lĩnh vực phi sản xuất từ 22% - 25%/năm.
Các NH cho rằng nếu trước đây, các NH huy động khoảng 8%/năm, cho vay từ 11% - 12%/năm, chênh lệch huy động – cho vay từ 4%/năm là có lợi nhuận. Thế nhưng thời gian qua, các NH đua huy động lãi suất lên tới 18% - 19%/năm, cho vay 20% - 21%/năm, nghĩa là lợi nhuận của NH bị “teo” lại.
Vì vậy, dù thanh khoản NH đã được cải thiện, tín hiệu trên thị trường đã có nhưng do chênh lệch lãi suất đầu vào – đầu ra còn thấp nên các NH chưa hăng hái hạ lãi suất cho vay.
Theo một chuyên gia, “việc giảm nhẹ lãi suất huy động chỉ là động thái kéo dần lãi suất về trạng thái trần lãi suất 14% - đúng vị trí của nó”. Phó tổng giám đốc một NH thương mại cổ phần cũng cho rằng nguồn vốn của các NH phần lớn từ việc huy động lãi suất cao trước đây, nay dù có tín hiệu hạ nhiệt lãi suất đầu vào nhưng lãi suất huy động chưa thể giảm ngay mà phải có độ trễ nhất định.
Còn chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng mấu chốt của vấn đề giảm lãi suất chính là lạm phát. Vài năm nay, nền kinh tế nước ta luôn tiềm ẩn bất ổn khi đầu tư công không hiệu quả.
Dù đã có nhiều phương án tái cấu trúc nền kinh tế nhưng kinh tế nước ta vẫn thâm dụng vốn lớn, năng suất, hiệu quả thấp. Dòng vốn thay vì hướng vào đúng nơi tạo ra hàng hóa, như đầu tư vào sản xuất kinh doanh, đổi mới máy móc thiết bị, đầu tư sản phẩm... thì lại chạy ngược vào các lĩnh vực đầu cơ. Nếu không sớm điều chỉnh thì không chỉ chật vật đối phó với lạm phát mà nguy cơ giảm phát, doanh nghiệp co hẹp sản xuất, NH... ế vốn cũng rất dễ xảy ra.
Thái Phương
người lao động



Xem bài viết: Lãi suất đầu ra chưa giảm, vì sao?