Giám đốc VEPR: Điều hành chính sách phải mang tính “kinh tế”

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội cho rằng, điều hành chính sách phải mang tính “kinh tế”, tức là điều hành dựa trên các công cụ, cơ sở mà con người ta tự nguyện đi theo nó chứ không phải cứ thấy tình hình cấp thiết thì dùng ngay đến những biện pháp mang tính “hành chính”.
Ngân hàng nhà nước muốn nhưng thị trường không muốn
+ Thưa ông, tín dụng, lãi suất đang là nỗi lo lắng đối với các nhà hoạch định chính sách và gây ồn ào dư luận. Nhiều quan điểm cho rằng, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước (NHNN) thời gian vừa qua không mang tính thị trường mà rất “hành chính”. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Ông Nguyễn Đức Thành: Nguồn gốc của việc điều hành mang tính “hành chính” vừa qua xuất phát từ việc chúng ta không có nhiều thời gian, không có nhiều công cụ kinh tế thị trường. Khi đó các nhà hoạch định chính sách đều thấy tình cảnh đã cấp thiết lắm rồi nên buộc phải đưa các chính sách mang tính “hành chính” như vậy. Chỉ có điều, trong khi các chính sách đưa ra thể hiện mong muốn của các nhà hoạch định thì diễn biến thị trường lại đi theo chiều ngược lại, không trùng khớp với mong muốn của các nhà hoạch định. Chính vì sự không trùng khớp đó đã tạo ra sự méo mó về hệ thống tài chính.
+ Cụ thể, sự méo mó ấy được thể hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Thành: Chẳng hạn, các nhà hoạch định chính sách đặt ra lãi suất là 14% nhưng thị trường lại không muốn vì đơn giản là nếu đặt ở mức đó thị trường sẽ thiệt thòi. Tất cả mọi người đều thiệt trong khi chỉ thoả mãn được mong muốn của riêng NHNN. Do vậy, thị trường buộc phải tìm cách để không bị thiệt, chẳng hạn nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng đã sử dụng cách tặng quà, khuyến mại… mà không hạch toán vào trong hệ thống của ngân hàng.
Điều này làm cho hạch toán của ngân hàng thương mại trở thành không minh bạch. Đó chính là sự xói mòn đạo đức.
Do vậy mới phải nói, điều hành chính sách phải mang tính chất “kinh tế”, có nghĩa là điều hành dựa trên các công cụ, cơ sở mà con người ta tự nguyện đi theo nó chứ không phải cứ thấy tình hình cấp thiết rồi thì dùng ngay đến những biện pháp hành chính. Việc này đòi hỏi phải có trí tuệ, nghĩa là phải đoán biết rằng, nếu anh đưa ra chính sách như thế này thì hành vi của thị trường sẽ phản ứng lại như thế nào? Đây cũng chính là bài toán mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trong 5-10 năm tới.
+ Vậy theo ông trong khi chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt thì chính sách tài khoá sẽ phải như thế nào?
Ông Nguyễn Đức Thành: Chính sách tài khoá nếu đi liền đồng bộ với chính sách tiền tệ thì buộc phải thắt chặt một cách nghiêm túc. Khi chính sách tài khoá không được thắt chặt thì nhà nước sẽ phải tài trợ cho thâm hụt ngân sách và họ buộc phải dùng đến nới lỏng tiền tệ một cách không công khai.
Mặc dù Chính phủ đang rung động trước sự nới lỏng tiền tệ nhưng tôi cho rằng đó chỉ là tác động của nhóm lợi ích, của những đại tập đoàn dùng vốn vô tội vạ để đầu tư vào những dự án dài hơi, khổng lồ hoặc một số ngân hàng lập ra để cho vay vốn dễ dãi. Nhóm lợi ích này rất cần có nguồn vốn mới chảy vào, khi đó họ sẽ hạ lãi suất, tức là nới lỏng tiền tệ.
Sẽ có cú sốc về tỷ giá
+ Tăng trưởng xuất khẩu nửa năm đầu được đánh giá là rất tốt nhưng thực tế lại vẫn xảy ra thâm hụt cán cân thương mại. Ông có thể cho biết tỷ giá đồng đô la thời gian tới sẽ như thế nào?
Ông Nguyễn Đức Thành: Hiện chúng ta đang giữ tỷ giá tương đối ổn định ở mức danh nghĩa. Nhưng lạm phát Việt Nam đang rất cao nên điều này cho thấy hàng Việt Nam đang đắt lên tương đối so với thế giới. Bởi giá cao dần lên mà tỷ giá không đổi nên tôi cho rằng, từ nay đến cuối năm nhập siêu sẽ tăng rất mạnh. Khi đó, áp lực thay đổi về tỷ giá sẽ rất cao và từ nay đến cuối năm sẽ có cú sốc về tỷ giá với mức biến động từ 10-15%. Đó là dự đoán của tôi, còn có thể sau này nhà nước sẽ phải có những biện pháp cụ thể nào đó.
+ Ông có thể nói rõ những khó khăn tác động đến tỷ giá?
Ông Nguyễn Đức Thành: Nhà nước hiện nay đang cố gắng giữ cho tỷ giá không đổi bằng chính sách hạ lãi suất đồng đô la. Khi người dân thấy lãi suất đồng đô la không còn cao sẽ chuyển sang trữ tiền Việt. Khi đó sẽ có dòng đô la chảy vào hệ thống ngân hàng và điều này tạo ra sự cân bằng về tỷ giá tạm thời.
Tuy nhiên, song song với đồng đô la chuyển từ người dân vào hệ thống ngân hàng cũng sẽ có dòng chảy đô la từ trong nước chảy ra nước ngoài do lãi suất thấp. Nếu như NHNN vừa rồi mua được 3 tỷ đô la từ hệ thống đấy thì cũng tương đương số lượng đó chảy ra nước ngoài. Và điều này chứng tỏ một điều rằng mặc dù đang giảm dần lượng đô la trong nước nhưng không phản ánh được thông qua giá bởi vẫn có sự cân bằng giả tạo trên thị trường đô la.
Do vậy, lý do để chứng minh rằng sẽ có cú sốc về tỷ giá, đó là do từ nay đến cuối năm lượng đô la trong nước sẽ giảm. Ngoài ra, lạm phát vẫn tăng mà tỷ giá lại vẫn giữ nguyên sẽ làm cho giá cả trong nước đắt hơn ở nước ngoài. Khi đó, nhập khẩu sẽ tăng do giá ngoài nước rẻ hơn kéo theo nhập siêu dự báo sẽ tăng rất mạnh.
Thực ra nhập siêu tăng mạnh rồi và Bộ Công Thương hiểu rất rõ điều này. Gần đây Bộ Công Thương cũng đã đưa ra hàng loạt các chính sách để siết nhập khẩu. Tuy nhiên, việc siết bằng các biện pháp hành chính này sẽ rất khó mang lại hiệu quả.
+ Vậy để kiểm soát tình hình nói trên sẽ phải thay đổi tỷ giá?
Ông Nguyễn Đức Thành: Đúng vậy! Phải tăng tỷ giá và tăng lãi suất đồng đô la trở lại.
+ Nhưng sẽ lại ảnh hưởng đến mục tiêu chống lạm phát, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Thành: Đó là một mớ bòng bong. Nhưng hiện nay chúng ta đang giảm đô la hoá thì phải tính. Đằng nào thì áp lực cũng sẽ đến vào cuối năm. Nếu chúng ta không tăng thì áp lực cũng sẽ đến. Khi đó muốn có đô la lại phải rút từ dự trữ ngoại hối, tức là từ 3 tỷ đô la dự trữ và đồng thời lượng đô la dự trữ trong dân cũng không còn nhiều nữa.
Vậy là chỉ còn hai cách, đó là tăng lãi suất đồng đô la hoặc kinh tế vĩ mô phải ổn định trở lại. Từ nay đến cuối năm thì mục tiêu đạt được ổn định kinh tế vĩ mô là rất khó. Do vậy, dự trữ ngoại hối rất là khó khăn cho Việt Nam./.
+ Cám ơn ông!
Q.Anh
tổ quốc



Xem bài viết: Giám đốc VEPR: Điều hành chính sách phải mang tính “kinh tế”