Quan chức tham gia lãnh đạo hiệp hội: Vừa đá bóng, vừa thổi còi?
“Giải cứu” thị trường bất động sản (BĐS) trở thành một vấn đề được công luận bàn cãi trong những tuần vừa qua, sau khi bộ Xây dựng đệ trình Chính phủ một báo cáo về tình hình thị trường bất động sản và kiến nghị những giải pháp hỗ trợ thị trường này. Một trong những quan chức cao cấp của bộ Xây dựng được báo chí trích dẫn nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này là thứ trưởng bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam.

Ông Nguyễn Trần Nam đồng thời cũng là chủ tịch hiệp hội Bất động sản Việt Nam, một hội ngành nghề được thành lập từ năm 2002, với tổng số trên 1.200 hội viên là các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực bất động sản trên cả nước. Hiệp hội Bất động sản sẽ tổ chức đại hội lần thứ ba vào ngày 16.7 tới đây tại Hà Nội, và theo kết quả hiệp thương đã được tổ chức, ông Nam sẽ tiếp tục giữ chức chủ tịch hiệp hội.
Một vấn đề gây tranh cãi nổi lên từ đây là: liệu một quan chức cao cấp trong một cơ quan quản lý nhà nước có nên tham gia vào một hiệp hội ngành nghề thuộc lĩnh vực do chính cơ quan mình quản lý? Trong trường hợp hiệp hội Bất động sản, thứ trưởng Bộ Xây dựng lại kiêm nhiệm luôn vai trò người đứng đầu một hiệp hội ngành nghề lớn nhất trong lĩnh vực mà bộ Xây dựng theo dõi, quản lý. Không những thế, một số uỷ viên thường vụ của hiệp hội cũng đang là công chức nhà nước như: ông Nguyễn Mạnh Hà – cục trưởng cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (bộ Xây dựng), ông Lê Hồng Phát – giám đốc sở Xây dựng Cần Thơ, ông Trương Quý Kỳ – vụ trưởng, trưởng đại diện cơ quan bộ Xây dựng khu vực phía Nam…
Điều này dẫn đến một mâu thuẫn lợi ích cơ bản: bộ Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, quy hoạch… Làm sao một thứ trưởng của bộ có thể thực hiện công việc của mình một cách công minh, chính trực nếu ông ta đồng thời là người đứng đầu một tổ chức ngành nghề do chính ông làm quản lý? Các hiệp hội ngành nghề được thành lập ra với mục đích căn bản là vì lợi ích của các thành viên. Ở hầu hết các nước trên thế giới, và Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ, hiệp hội ngành nghề được coi là kênh vận động chính sách vì lợi ích phát triển của các thành viên trong ngành nghề đó. Bản chất này không có gì là xấu: hiệp hội nhìn chung tạo ra được một tiếng nói tập thể cho các thành viên cùng lĩnh vực, ngành nghề trong những vấn đề của họ. Nhưng khi các quan chức nhà nước tham gia trở thành những quan chức trong các hiệp hội, thì vai trò của họ trở nên hoàn toàn nhập nhằng, mâu thuẫn, không khác gì trong một trận đấu, một trọng tài “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Làm sao một thứ trưởng có thể thực hiện công việc của mình một cách công minh, chính trực nếu ông ta đồng thời là người đứng đầu một tổ chức ngành nghề cũng do chính ông quản lý? Các hiệp hội ngành nghề được thành lập ra với mục đích căn bản là vì lợi ích của các thành viên và khi các quan chức nhà nước tham gia trở thành những quan chức trong các hiệp hội, thì vai trò của họ trở nên hoàn toàn nhập nhằng, mâu thuẫn.

Khi vấn đề này được chúng tôi đặt ra với những người lãnh đạo cao cấp của hiệp hội Bất động sản Việt Nam trong một cuộc họp báo được tổ chức tại TP.HCM trong ngày 9.7 vừa qua, ông Nguyễn Văn Minh, tổng thư ký hiệp hội giải thích: hiệp hội Bất động sản có tới hơn 10 thành viên là công chức, viên chức nhà nước đang làm trong các vị trí cấp cao, và điều này hoàn toàn phù hợp luật, quy định công chức có quyền tham gia hiệp hội nếu được cơ quan cho phép. Ông Minh cho biết, việc thứ trưởng Nguyễn Trần Nam tham gia làm chủ tịch hiệp hội Bất động sản đã có sự chấp thuận của bộ Xây dựng. Ông nói: “Chúng tôi muốn các nhà lãnh đạo cùng tham gia để có tiếng nói thống nhất… Đã có hiệp thương với các cơ quan tổ chức, cơ quan **** của bộ Xây dựng, với bộ Nội vụ, việc anh Nam sẽ tiếp tục làm chủ tịch hiệp hội đã được hoàn tất theo quy định của pháp luật”.
Và thực tế, bộ Xây dựng đã có tiếng nói khá mạnh ủng hộ thị trường BĐS khi đề nghị xem xét điều chỉnh việc thắt chặt tín dụng “một cách linh hoạt” trong các nhóm trong phát triển BĐS, chuyển tăng trưởng tín dụng sang cho người mua; đề nghị không coi BĐS như ngành phi sản xuất… Ông Minh cho biết: hiệp hội Bất động sản muốn có các quan chức tham gia trong hiệp hội để các kiến nghị của hiệp hội có hiệu quả hơn.
Giải thích của hiệp hội Bất động sản đưa đến một câu hỏi tiếp theo: nếu tất cả các hiệp hội ngành nghề đều có các quan chức nhà nước tham gia giúp cho kiến nghị của họ có hiệu quả hơn, thì Nhà nước có còn duy trì vai trò quản lý khách quan, công bằng và nghiêm minh trong mọi lĩnh vực được không?
Ông Tống Văn Nga, một thứ trưởng bộ Xây dựng đã nghỉ hưu, hiện là phó chủ tịch thường trực hội này thì giải thích, việc “gắn kết quản lý với hoạt động của doanh nghiệp giúp cho việc nghiên cứu chính sách được tốt hơn, và cũng có phần thuận lợi về phía cơ quan quản lý nhà nước”.
Nhận xét về hiện tượng này, nhà nghiên cứu độc lập Nguyễn Quang A nhận xét: “Bộ Xây dựng nếu cho phép điều này là rất thiếu hiểu biết. Quan chức về hưu tham gia hiệp hội đã gây dị nghị, còn ông đương chức mà làm như vậy thì biểu hiện của xung đột lợi ích quá rõ ràng”.
Cho đến nay, chưa có thống kê hiện có bao nhiêu quan chức cấp cao trong hệ thống nhà nước đang cùng lúc có vai trò trong các hiệp hội ngành nghề.
Lan Anh
sài gòn tiếp thị



Xem bài viết: Quan chức tham gia lãnh đạo hiệp hội: Vừa đá bóng, vừa thổi còi?