Chuyện về những cuộc đổi ngôi thị phần môi giới
Bảng xếp hạng “Top 10” thị phần môi giới trên HOSE và HNX vừa được công bố cho thấy nhiều sự xáo trộn về thứ hạng. Phía sau bảng xếp hạng là chuyển động ngầm trong hoạt động môi giới và chiến lược cạnh tranh của các CTCK.
* Thị phần môi giới quý 2 tại HOSE: HBSVND tụt khỏi top 10
* TLS, VND "trụ" vị trí dẫn đầu thị phần môi giới quý 2 trên HNX
Những sự thay đổi
Kể từ cuối năm ngoái, CTCK Sài Gòn (SSI) đã bắt đầu trở lại cuộc đua xác định ngôi quán quân về thị phần môi giới trên HOSE. Trong quý I/2011, SSI nắm giữ vị trí số 1 với 11,74% thị phần. Sang quý II, công ty này thậm chí còn củng cố ngôi vị bằng cách gia tăng khoảng cách với các đối thủ, qua việc đạt được 13,2% thị phần.
Trong quý II, bất chấp sự đi xuống của thị trường, CTCK TP. HCM (HSC) vẫn mở rộng hoạt động môi giới, thành lập một phòng giao dịch mới và đóng cửa một địa điểm hoạt động không hiệu quả. Trái lại, CTCK Thăng Long (TLS) lại thu hẹp và tái cơ cấu khá mạnh hoạt động này. Kết quả là HSC thay thế vị trí của TLS (5,99%) khi vươn lên vị trí số 2 (9,61% thị phần) trên bảng xếp hạng.
Dù “thất thế” trên HOSE trong quý II, nhưng TLS, VNDHBS vẫn chiếm vị trí thượng phong trên HNX với việc lần lượt chia nhau 3 vị trí dẫn đầu. Sự tiến bộ của HBS đã đẩy HSC xuống vị trí thứ 4 xếp trên ACBS và FPTS. So với quý I, SSI cũng đã tụt một bậc trên bảng xếp hạng và xếp trên một tên tuổi mới tinh lần đầu gia nhập bảng xếp hạng - CTCK Golden Bridge Việt Nam. Cũng giống như sự trở lại trên HOSE, KEVS quay lại bảng xếp hạng “Top 10” trên HNX dù chỉ khiêm tốn đứng ở vị trí áp chót. Vị trí cuối cùng thuộc về với CTCK Agriseco. Một loạt tên tuổi đã ra khỏi bảng xếp hạng quý II lần này gồm CTCK Đông Á (DAS), CTCK Quốc tế (VISE) và CTCK Sacombank (SBS).
Hai chiến lược
Trong quý II, xu hướng chính của cả thị trường vẫn là sự sụt giảm cả về điểm số lẫn thanh khoản. Vì vậy, hoạt động môi giới của các CTCK không hoàn toàn thuận lợi. Trên bề nổi của vấn đề là sự vinh danh 10 CTCK chiếm thị phần môi giới lớn nhất hai sàn, nhưng phía sau còn là câu chuyện về các chiêu thức giành thị phần, sự khác biệt về chiến lược môi giới trong hoàn cảnh thị trường đìu hiu.
Trong các lần công bố gần đây, thị trường chứng kiến sự tụt giảm mạnh về thứ hạng của TLS (trên HOSE) và SBS (trên HNX). Điều này là hợp lý nếu xét tới việc hai công ty này từng có thời gia tăng thị phần nhanh chóng bằng hoạt động tư vấn kết hợp với việc sử dụng đòn bẩy tài chính. Trong bối cảnh các bất ổn vĩ mô kéo theo chính sách tiền tệ thắt chặt, tiềm lực tài chính của ngân hàng mẹ không còn là một thế mạnh cạnh tranh hữu hiệu của các CTCK này. Chiến lược cạnh tranh môi giới qua việc khuyếch đại vốn, khuyếch đại giá trị giao dịch đã khiến một số CTCK lớn sa lầy. Ngược lại, sự mất hút của một số tên tuổi trên “Top 10” HOSE nhưng có mặt trên HNX lại là một vấn đề mang tính thời sự hiện nay: câu chuyện bán khống. Hoạt động này đã diễn ra âm ỉ bấy lâu nay và có thể diễn ra mang tính tự phát tại nhiều CTCK, nhưng giới broker am tường thông tin biết rõ rằng, bán khống đang được thực hiện khá quy mô và bài bản ở vài CTCK vừa được vinh danh. Thậm chí, có thể hiện nay một số CTCK còn đang cho bán khống trên chính cổ phiếu của công ty mình.
Trên thực tế, hoạt động bán khống tại TTCK Việt Nam chưa được chính danh cho phép. Hơn nữa, quan hệ vay mượn cổ phiếu giữa các NĐT thông qua các broker (thường mang tính tự phát) hay CTCK (có tính tổ chức cao) chỉ là quan hệ dân sự, cơ quan quản lý thị trường khó có khả năng giám sát và càng khó có khả năng xử lý: NĐT A bán khống cổ phiếu trên tài khoản của NĐT B thông qua môi giới của các trung gian, nhưng mọi thông số vẫn thể hiện giao dịch của NĐT B.
Trên “mảnh đất” chứng khoán khô hạn hiện tại, CTCK phải tìm ra các “bí kíp” về dịch vụ để giữ chân khách VIP và duy trì thứ hạng thị phần môi giới. Xét về mặt tổ chức, một số CTCK trẻ trung tỏ ra tích cực hơn so với các tên tuổi đã thành danh. Điều này có hai lý do. Thứ nhất, một số CTCK đã từng vung tay quá trán trong hoạt động margin trước đây, giai đoạn hiện tại đang lo tái cơ cấu và giải quyết hậu quả. Thứ hai, việc bán khống có tổ chức tại các CTCK lớn không hề dễ dàng khi số lượng khách hàng VIP khá đông đảo. Với các CTCK nhỏ, quy mô gọn nhẹ, điều này có thể thực hiện đơn giản hơn.
Trong diễn biến hiện tại, bán khống tạm thời chưa gây rủi ro cho người sử dụng, nhưng trong chặng đường dài, nó có thể gây ra nhiều hệ lụy. Dù kín đáo, nhưng CTCK rất dễ gặp rủi ro về mặt luật pháp với cơ quan quản lý. Với người sử dụng, trong một thị trường suy yếu như hiện nay, các rủi ro sẽ không bộc lộ nhiều. Nhưng TTCK Việt Nam vẫn thường gặp vấn đề về thanh khoản, các rủi ro gia tăng đáng kể nếu thị trường đảo chiều đi lên. Thực tế từ các thị trường đi trước, xét trong một thời gian dài, rất ít NĐT kiếm được lợi nhuận từ nghiệp vụ có tính hai mặt này. Vì vậy, nghiệp vụ bán khống mà một số CTCK đang cho khách hàng sử dụng hiện nay cũng khá giống như chiến lược mở rộng thị phần bằng margin trước đây. Tạm thời các khiếm khuyết chưa bộc lộ, nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian.
Giang Thanh
đầu tư chứng khoán



Xem bài viết: Chuyện về những cuộc đổi ngôi thị phần môi giới