Hạn chế tác dụng phụ của “thuốc đắng” chống lạm phát
Cuộc chiến chống lạm phát đang vào hồi quyết liệt. Liều “thuốc đắng” thắt chặt tiền tệ đã bắt đầu phát huy tác dụng nhưng đồng thời cũng gây ra những tác dụng phụ. Các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, giá vốn cao, có thể phá sản, thu hẹp sản xuất dẫn đến thất nghiệp…
Một chính sách nông nghiệp khuyến khích các địa phương khai thác tốt hơn khả năng sử dụng đất và chăn nuôi gia súc gia cầm không những giúp giảm gánh nặng thất nghiệp, mà còn giúp nền kinh tế giải quyết bài toán lạm phát hiện nay.
Mới đây, tại cuộc họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, khi thảo luận về những khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội sáu tháng cuối năm, ông Nguyễn Đức Kiên, phó Chủ tịch Quốc hội đã lưu ý “chiều hướng thứ hai của tình hình”, đó là nguy cơ giảm phát. Chính phủ, ngân hàng Nhà nước đều kiên định quan điểm tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát. Giới chuyên gia ủng hộ sự kiên định này. Tuy nhiên, phải có giải pháp để phòng ngừa nguy cơ giảm phát.
Để sự hy sinh không trở thành vô ích
Trong bối cảnh lạm phát của Việt Nam cao vào bậc nhất trên thế giới như hiện nay, thì kiềm chế lạm phát vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Chính sách cắt giảm tổng cầu và thắt chặt tiền tệ mà Chính phủ thực hiện theo nghị quyết 11 từ tháng 3 đã mang lại một số những tín hiệu tích cực như tỷ giá và lãi suất có xu hướng ổn định. Lạm phát bắt đầu trong vòng kiểm soát với tốc độ tăng của tháng sau thấp hơn tháng trước.
Tuy nhiên, các hiệu ứng phụ cho nền kinh tế từ chính sách này dần dần được bộc lộ. Không chỉ các doanh nghiệp bất động sản mà cả các doanh nghiệp sản xuất đều gặp khó khăn trong việc huy động vốn, dẫn đến đình trệ sản xuất. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu thua lỗ và có khả năng phải sa thải nhân công.
Với việc chính sách cắt giảm tổng cầu và thắt chặt tiền tệ tiếp tục được thực thi cho đến cuối năm thì tình hình đình trệ sản xuất và tình trạng đóng băng các thị trường bất động sản cũng như chứng khoán là điều khó có thể nhìn thấy trước. Đây là cái giá đắt phải trả cho chính sách nới lỏng tiền tệ trong năm 2009 và 2010.
Vấn đề đặt ra với các nhà làm chính sách lúc này là làm thể nào để sự “hy sinh” trên không trở thành vô ích và không gây ra những tác động quá xấu cho các năm tới?
Trước hết, Chính phủ không nên chờ đợi tình hình vĩ mô thực sự ổn định thì mới bắt tay vào chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế. Đã hai năm kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và đòi hỏi chuyển dịch cơ cấu đã được đặt ra ngay từ khi đó, nhưng cho đến nay dường như chúng ta vẫn chưa thấy có chuyển biến thực sự nào. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì sự hy sinh hiện tại sẽ trở thành vô ích. Khi nền kinh tế không thể chịu đựng được hơn nữa, Chính phủ sẽ phải nới lỏng các chính sách tài khoá và tiền tệ.
Khi đó lạm phát lại tái diễn và kịch bản năm 2011 lại được lặp lại.
Chính sách thứ hai cần được ưu tiên quan tâm là chính sách an sinh xã hội. Việc một bộ phận các doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất hoặc bị phá sản là điều không thể tránh được trong thời gian tới. Rất may là Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp. Công nhân bị thất nghiệp có thể quay trở lại quê để tìm kế sinh nhai. Một chính sách nông nghiệp khuyến khích các địa phương khai thác tốt hơn khả năng sử dụng đất và chăn nuôi gia súc gia cầm không những có thể giúp được giảm gánh nặng thất nghiệp, mà còn giúp nền kinh tế giải quyết được bài toán lạm phát hiện nay.
Chính sách cuối cùng cần quan tâm hiện tại là khơi thông các nguồn vốn đang rất hạn hẹp hiện nay. Các biện pháp hành chính về lãi suất và tỷ lệ tín dụng phi sản xuất sẽ khiến cho các nguồn vốn không tìm về được những nơi cần nhất. Những nơi thực sự cần vốn sẽ không thể tiếp cận và sẽ dễ bị đổ vỡ một cách không cần thiết.
Đinh Tuấn Minh
sài gòn tiếp thị



Xem bài viết: Hạn chế tác dụng phụ của “thuốc đắng” chống lạm phát