Phát ngôn & hành động: U-Tưởng, U-NO và “đại gia” cưỡi siêu xe làm từ thiện
Đường lưỡi bò và căn cứ lịch sử mơ hồ, sáng kiến in 20 triệu áo mũ U-No, cuộc tuần hành bán xuyên Việt của 30 siêu xe… là những lát cắt vui buồn tuần này.

Chữ U trong từ Utopia và câu chuyện "Cây Khế"
Tuy cuộc hội thảo về chủ đề an ninh hàng hải Biển Đông, do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) tổ chức lần đầu tiên, đã diễn ra từ đầu tuần trước, nhưng mục Phát ngôn & Hành động tuần này không thể không nhắc tới sự kiện này. Lý do là lần đầu tiên một học giả người Trung Quốc đã thừa nhận một cách chính thức rằng đường chữ U đứt khúc ("Đường lưỡi bò" theo cách gọi phổ biến ở Việt Nam) là sự thừa kế từ giai đoạn Tưởng Giới Thạch cầm quyền.
Theo Giáo sư Tô Hạo, một trong hai học giả Trung Quốc dự hội thảo của CSIS, xuất phát từ "sáng kiến" của một người Trung Quốc vào năm 1930, năm 1947 Tưởng Giới Thạch đã cho vẽ thành bản đồ, nhưng chỉ lưu hành trong nước mà chưa có tuyên bố quốc tế. Nhưng đến 1949, khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, nhà cầm quyền mới tại Trung Hoa lục địa lại in thành sách và mang dạy cho trẻ con.
Người viết còn nhớ, hồi học ở cấp 2 (nay là trung học cơ sở), mỗi khi không làm theo lời dặn của thầy chủ nhiệm tên là Nguyễn Văn Nghĩa, đám bạn thường hay chống chế là "em tưởng thế này", "em tưởng thế kia". Thầy mắng ngay: "Mở mồm ra là Tưởng? Thích Tưởng thì sang Đài Loan mà học".
Giáo sư Tô Hạo: 'Bản đồ 'đường lưỡi bò có từ thời Tưởng Giới Thạch, nhưng chỉ lưu hành trong nước mà chưa có tuyên bố quốc tế".

Người viết vẫn cứ "Tưởng" chuyện này chỉ xảy ra ở lớp 7G, Trường Quang Trung (Hà Nội), cách đây gần 4 thập kỷ. Hoá ra, bây giờ mới biết, ở Trung Quốc cũng vậy. Chỉ có khác là họ học theo Tưởng còn sớm hơn nữa, và học mãi đến tận bây giờ.
Sự "giác ngộ", tuy muộn, của Giáo sư Tô Hạo xứng đáng nhận được lời khen. Cho dù, ông chỉ bật ra điều này khi bị các đồng nghiệp từ các quốc gia khác thay nhau hỏi dồn về tính pháp lý của đường chữ U.
Những học giả dự Hội nghị Quốc tế Biển Đông lần thứ hai, do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam đồng tổ chức tại thành phố HCM vào cuối năm ngoái, hẳn còn nhớ rằng điều thừa nhận kể trên của Giáo sư Tô Hạo đã được một số học giả quốc tế chỉ ra một cách rõ ràng. Trong khi, các học giả đến từ Trung Quốc, trong đó Giáo sư Tô Hạo, chỉ tìm cách giải thích vòng vo rằng đây là vùng nước lịch sử của Trung Quốc.
"Đối với những chỉ trích của các học giả các nước khác về đường chữ U, họ cố gắng giải thích dựa theo luật biển. Chẳng hạn, một học giả đã cố gắng so sánh đường chữ U với vùng biển giữa Hy lạp và Thổ Nhĩ Kỳ", Giáo sư Stein Tonnesson từ Viện Nghiên cứu Hoà bình Oslo nhận xét với người viết bên lề hội thảo tại TP HCM.
Chính sự phân tích về "Đường Lưỡi Bò và các nhóm lợi ích của Trung Quốc" (Tuần Việt Nam) của Giáo sư Tonnesson, cộng thêm những diễn biến căng thẳng gần đây trong xã hội Trung Quốc, và sự thừa nhận của Giáo sư Tô Hạo, dường như củng cố thêm cho một lập luận rằng Biển Đông chính là "cái van" để "xì bớt hơi" từ cái "nồi áp suất" đã quá nóng.
Hay như cách nói của những người hay ngồi trước màn ảnh truyền hình ở Việt Nam là "nọng trong người" - "nọng sang người".
Tại hội thảo CSIS vừa rồi, Giáo sư Tonnesson đã nói với Giáo sư Tô Hạo rằng "hy vọng khi về nước, ông sẽ khuyên chính quyền ông nên xem xét kỹ lại chính sách sai lầm này."
Giáo sư Tonnesson: "Hy vọng khi về nước, ông sẽ khuyên chính quyền ông nên xem xét kỹ lại chính sách sai lầm này."

Điều này dường như lại đặt ra một thách thức rất lớn, không hẳn chỉ với hai vị học giả có mặt tại CSIS lần này.
"Đường chữ U đã thấm vào các thế hệ người Trung Quốc. Họ coi đó là lãnh thổ, lãnh hải của người Trung Quốc, hiện đang bị các nước khác gặm nhấm, hoặc cướp mất", Giáo sư Tô Hạo đã lý giải như vậy về xuất phát điểm của yêu sách mà Trung Quốc đã chính thức đưa ra Liên Hợp Quốc cách đây hai năm.
Học giả Trung Quốc còn lại, cũng xuất phát từ quan điểm đó, đã nhìn nhận rằng nếu bây giờ mà Chính phủ Trung Quốc bỏ đàm phán song phương, chấp nhận đàm phán đa phương về vấn đề chủ quyền biển Đông thì rất khó.
"Bây giờ biết làm thế nào?", vị học giả này thốt lên trong sự bế tắc.
Ở đây, người viết xin mạn phép được "nói leo". Đúng, việc thuyết phục một tỷ ba dân chúng Trung Quốc về tính mơ hồ của câu chuyện "đường chữ U" là không thể. Nhưng, chí ít, hai vị học giả này có thể nói với các đồng nghiệp và sinh viên của mình - những người có khả năng và điều kiện tiếp cận tốt hơn đối với những thông tin khách quan từ bên ngoài.
hai vị giáo sự khả kính hãy nói với họ rằng chữ U, trong trường hợp này, chính là chữ cái đầu tiên trong từ Utopia, có nghĩa là không tưởng trong tiếng Anh, cũng như một số thứ tiếng phổ biến trên thế giới khác.
Tuy nhiên, không thể nói là tại hội thảo CSIS hai vị học giả Trung Quốc đã buông xuôi mà không cố gắng hoàn thành, ở mức độ nào đó, nghĩa vụ biện minh cho chính sách của chính phủ của mình. Giáo sư Tô Hạo, trong khi tranh luận về tranh chấp Biển Đông, đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Việt Nam và Trung Quốc là "anh em".
"Anh em thì cũng có khác biệt. Người anh lớn hơn, mạnh hơn, luôn muốn người em nghe lời mình. Còn người em lúc nào cũng bị áp lực ở dưới tầm che chở của người anh, nên có tâm lý sợ người anh là lẽ thường", Giáo sư Tô Hạo giải thích.
Giáo sư Carl Thayer, từ Học viện Quốc phòng Australia, đã lưu ý rằng Việt Nam phải học từ lịch sử của chính mình. "Và hơn ai hết, Việt Nam biết rằng, trong mối "quan hệ anh em" này, giữa hai nước vẫn xảy ra chiến tranh", ông nói.
Không cần vị học giả người Australia nhắc nhở, hầu hết mọi người Việt Nam đều ý thức rất rõ điều này. Đã là người Việt Nam, từ trẻ con đến người già, ai mà chẳng thuộc lòng câu chuyện "Cây khế", kể về sự chèn ép quá đáng của người anh đối với người em. Để rồi có cái kết cục là người anh phải bỏ xác ngoài biển khơi, chính vì lòng tham vô đáy của mình.
Khi Giáo sự Tô Hạo sang Hà Nội dự Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ ba, người viết rất muốn được kể cho ông câu chuyện cổ tích đầy ý nghĩa này. Cũng như chứng kiến cuộc trao đổi thẳng thắn, nhưng thân tình, giữa các học giả từ Trung Quốc và Việt Nam xung quanh câu chuyện về tình anh em giữa hai nước.
Chẳng gì thì người viết vẫn chưa thực hiện được lời hứa với một người đồng hương của Giáo sư Tô Hạo - Tiến sĩ Vương Hàn Lĩnh - từ hồi tháng 8 năm ngoái, khi phỏng vấn ông bên lề một cuộc hội thảo về khai thác chung nguồn năng lượng biển ở châu Á.
Tra trên google, người viết đã tìm thấy một địa điểm lý tưởng cho cuộc gặp gỡ thân mật vào dịp cuối thu ở Hà Nội. Đó là quán cà phê mang tên "Cây khế" ở địa chỉ 36A, Phan Kế Bính, thuộc quận Ba Đình.
Áo & mũ U-NO và câu chuyện hàng Tàu, hàng Việt
20 triệu áo, mũ U-NO, hay U gạch chéo, là ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Quang A là để hưởng ứng phòng trào "Ủng hộ ngư dân bám biển", do Báo Sài Gòn Tiếp Thị phát động. "Tôi xin nêu ý tưởng có thể góp phần tích cực xoá bỏ đường chữ U phi pháp, đồng thời vận động được tiền để giúp đỡ bà con ngư dân", Tiến Sĩ Nguyễn Quang A giải thích.
Sáng kiến áo U-NO của tiến sĩ Nguyễn Quang A

Tiến sĩ Nguyễn Quang A thậm chí còn đi xa hơn khi đề xuất mở rộng phong trào này ở nhiều nước khác. Chứ không chỉ ở các nước liên quan như Philippines, Indonesia và Malaysia.
Sáng kiến của Tiến sĩ Nguyễn Quang A được đăng trên Báo Sài Gòn Tiếp Thị vào ngày 24.6, tức là 3 ngày sau khi hội thảo Biển Đông của CSIS kết thúc, nên hoàn toàn có khả năng vị chuyên gia đọc nhiều hiểu rộng này đã đọc được trên truyền thông về nỗi khó xử của hai vị học giả Trung Quốc.
Biết đâu đây là lý do ông đề nghị phải vận động cả nhân dân Trung Quốc yêu hoà bình ở Trung Hoa đại lục và trên khắp thế giới. Mà cũng có thể ông học được điều này từ Chủ tịch Hồ Chí Minh - người luôn chủ trương phân biệt giữa những kẻ hiếu chiến trong giới cầm quyền với người dân vốn yêu chuộng hoà bình. Hoặc cũng có thể đây là suy nghĩ riêng của cá nhân ông, bởi ông là người rất giàu ý tưởng.
Cho dù là lý do nào đi chăng nữa, ông cũng đã nhận được không ít sự đồng tình của độc giả Báo Sài Gòn Tiếp Thị. Người viết cũng nằm trong số đó.
Cũng chính vì vậy mà người viết giật mình khi đọc bài trả lời phỏng vấn của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai trên Báo Vietnamnet. Trả lời câu hỏi của phóng viên về những làn sóng phản đối, tẩy chay hàng hoá Trung Quốc, trong bối cảnh hiện nay trên Biển Đông, nhà thơ Quế Mai nói: "Tôi nghĩ làn sóng, tẩy chay hàng hoá, dịch vụ của Trung Quốc trong thời điểm này là thể hiện tình yêu nước - những hành động hết sức cần thiết."
Người viết hoàn toàn không thể chia sẻ với quan điểm này của nhà thơ Quế Mai. Bởi, xét dưới góc độ của người tiêu dùng, nó vừa thiếu thấu đáo, vừa nhầm đối tượng, lại vừa thiếu tính khả thi.
Thứ nhất, Trung Quốc xuất hàng hoá dịch vụ sang Việt Nam, thì Việt Nam cũng xuất hàng hoá dịch vụ sang Trung Quốc. Hãy tưởng tượng nếu một làn sóng tẩy chay tương tự được dấy lên ở Trung Quốc thì các nhà xuất khẩu của Việt Nam sẽ khốn đốn thế nào.
Riêng bản thân người viết, từ câu chuyện "nọng trong người" ở phần trên, cũng thấy tiếc cho cơ hội xuất khẩu trà thảo mộc của Dr. Thanh sang thị trường lớn nhất thế giới này.
Thứ hai, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề tiếp theo của làn sóng tẩy chay sẽ là chính những người lao động, khi họ bị mất việc làm, chứ không phải chính quyền Trung Quốc. Tất nhiên, nhà cầm quyền cũng đau đầu hơn đối với sự bất ổn xã hội. Nhưng nếu có làn sóng trả đũa từ phía Trung Quốc, người lao động Việt Nam và chính quyền ở Việt Nam cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Thứ ba, đối tượng tiêu dùng hàng hoá của Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Việt Nam là những người dân nghèo, phần lớn tập trung ở nông thôn. Có yêu nước đến mấy, có yêu nhà thơ Quế Mai đến mấy, họ cũng khó có thể nghe theo lời kêu gọi của bà được. Đơn giản là vì túi tiền của họ chỉ hợp với hàng hoá giá rẻ của Trung Quốc.
Thế nhưng, nếu xét dưới góc độ của các nhà quản lý và hoạch định chính sách, nhất là liên quan đến công nghiệp và thương mại, người viết lại đồng ý "cả hai tay" với nhà thơ Quế Mai. Ai đời lại sau hơn 20 năm mở cửa ra thế giới và đổi mới kinh tế mà hầu như ngành nào, bất kể là thép, hoá chất, hay may mặc, cũng phụ thuộc quá nặng nề vào nguồn cung từ Trung Quốc.
Một ví dụ tiêu biểu là kể từ khi Giáo sư Kenichi Ohno sang Việt Nam để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ vào năm 1995, cho đến giờ phút này Việt Nam vẫn chưa định hình được rõ ràng là sẽ phát triển công nghiệp hỗ trợ như thế nào. Chưa nói đến ô tô, mà ngay cả máy nông nghiệp do Vinapro sản xuất cũng phụ thuộc tới 70% vào nguồn linh phụ kiện nhập từ Trung Quốc.
Và, quan trọng nhất, là phải rà soát lại mọi khâu, từ cơ chế chính sách, từ đất đai, tín dụng, đến thủ tục hành chính, phải tạo điều kiện tối đa cho phép nhằm đảm bảo cho hàng Việt cạnh tranh được trên đất Việt. Có như vậy lời kêu gọi "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của Ban Bí thư may ra mới có cơ hội hiện thực hoá.
Giáo sư người Mỹ gốc Hoa Jing Huang đã từng nhận xét với người viết hồi cuối năm ngoái, khi ông sang Hà Nội thuyết trình về sự trỗi dậy của Trung Quốc, rằng ông không thể hiểu nổi tại sao hàng hoá gia công, như may mặc, của một nước có trình độ phát triển cao hơn là Trung Quốc lại tràn ngập thị trường Việt Nam, chứ không phải ngược lại, theo thông lệ.
Và, cuối cùng, do cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nên hãy dùng các biện pháp mà WTO cho phép, như chống phá giá, hay an toàn sức khoẻ, để bảo vệ hàng Việt và người Việt.
Nhà thơ Quế Mai nên xem lại đoạn clip trên mạng về cuộc biểu tình của những lưu học sinh Việt Nam ở Úc. Kết thúc cuộc biểu tình phản đối sự gây hấn của phía Trung Quốc, một nữ sinh viên Việt Nam đã nói, bằng một thứ tiếng Anh rất chuẩn và hay: "Chinese people, we love you!"
Về phần mình, người viết cũng đã lưu lại cho cô con gái mới học lớp 4 xem. Không chỉ là để luyện tiếng Anh.
Tuần hành siêu xe và cuộc thi "Giấc mơ của bạn"
Tuy nhiên, người viết vẫn thấy chia sẻ được với quyết định của nhà thơ Quế Mai, khi bà quyết định huỷ chuyến đi du lịch Trung Quốc. Có thể nhà thơ Quế Mai, thay vì sử dụng dịch vụ du lịch của Trung Quốc, sẽ sử dụng dịch vụ dịch vụ du lịch của Việt Nam, như bà từng kêu gọi. Ở một vùng biển miền Trung, chẳng hạn.
Người viết cũng hoàn toàn đồng ý với ý tưởng (giả định) này của bà, và những độc giả của Vietnamnet muốn theo gương bà. Ít nhất là vì lý do an ninh trong bối cảnh hiện nay.
Bởi đã có những lưu học sinh Việt Nam từ Trung Quốc về nghỉ hè kể lại rằng trước cửa phòng đã khoá chặt từ bên trong của họ, những kẻ quá khích đã đốt cả tiền Việt Nam. Có điều những học sinh này không khẳng định được rằng tiền bị đốt là tiền thật, hay tiền giả, bởi Trung Quốc rất giỏi trong chuyện này.
Thế nhưng, người viết lại cảm thấy không mấy vui khi đọc trên truyền thông rằng sắp có một chuyến du lịch "bán xuyên Việt" như vậy.
Dàn siêu xe của Cường Đô La

Báo điện tử VTCNews ngày 16.6 vừa rồi đã đưa tin: Gần 30 siêu xe và xe sang hàng đầu Việt Nam sẽ tụ họp ở TP.HCM để thực hiện hành trình dài một nửa chiều dài đất nước. Ông Nguyễn Quốc Cường, biệt danh là "Cường đô la", Phó tổng giám đốc công ty Quốc Cường Gia Lai là một trong hai người có vị trí quan trọng nhất trong ban tổ chức.
Vẫn biết rằng xe và tiền là của ông Cường và những người khác, họ muốn sử dụng thế nào, vào lúc nào là tuỳ họ. Hơn nữa, cũng theo tờ báo mạng này, ngoài mục đích tự thân của cuộc hành trình, ông Cường và các chủ xe còn kết hợp làm từ thiện, khi đoàn đến các địa phương như Mũi Né, Nha Trang, Qui Nhơn và Đà Nẵng.
Tuy nhiên, về khía cạnh tâm lý, người viết vẫn có cảm thấy có gì đó "phản cảm" thế nào ấy, khi hình dung cảnh những "đại gia - tay chơi", bước xuống từ những chiếc xe mà giá trị của nó có thể gấp tới cả gần trăm lần số tiền mà Ngân hàng Đông Á vừa cho "Sói Biển" Mai Phụng Lưu vay để mua tàu tiếp tục bám biển, góp phần giữ chủ quyền quốc gia, bên cạnh những ngư dân nghèo khó, lam lũ, đang chờ nhận quà.
Doanh nhân Nguyễn Quốc Cường cũng là một đại diện cho thế hệ doanh nhân trẻ Việt Nam đang hội nhập với thế giới. Thiết nghĩ, chính vì vậy, ngay cả cách làm từ thiện của ông cũng nên phù hợp với văn hoá làm từ thiện của giới doanh nhân toàn cầu. Theo người viết được biết, dường như ở nước ngoài họ không làm như vậy.
Tự nhiên, người viết lại muốn nhìn thấy cảnh doanh nhân Nguyễn Quốc Cường đã "hảo tâm" thì "hảo tâm" cho chót, "hảo tâm" từ trong ra ngoài. Thay vì siêu xe, hay xe sang, ông hãy tổ chức một chuyến hành trình toàn bằng xe Jeep "phủi' thì hay biết mấy.
Còn chiếc Phantom, hay Rolls- Royce gì đó, (xin lỗi là người viết không rành khoản xe cộ này mấy), ông bán quách đi mà góp tiền vào chương trình "Ủng hộ ngư dân bám biển" của Báo Sài Gòn Tiếp Thị.
Theo dòng của trí tưởng tượng, người viết muốn nhìn thấy cả Người Đẹp Hồ Ngọc Hà ngồi bên cạnh tay lái của ông. Ở mỗi nơi dừng chân trong hành trình, cô sẽ hát những bài về biển, rồi trao tặng những gói "Sun Silk" mà cô hay quảng cáo trên TV, để làm mượt lại mái tóc xơ cứng của những bà vợ của các ngư dân. Như một lời cầu chúc cho họ hãy cố vượt mọi hiểm nguy để chóng trở về với những mái tóc óng mượt như Sun Silk.
Người Đẹp Sun Silk từng thổ lộ rằng cô yêu ông, bởi cảm nhận được sự chân thành của một người con trai. Sau chuyện này, cô sẽ càng yêu ông hơn bởi tận mắt nhìn thấy sự trưởng thành của một người đàn ông, người viết nghĩ vậy.
Ô hay! Hình như người viết đã lạc đề rồi. Đây là mục "Phát ngôn & Hành động", chứ không phải cuộc thi "Hãy kể về giấc mơ của bạn".
Huỳnh Phan
TUẦN VIỆT NAM



Xem bài viết: Phát ngôn & hành động: U-Tưởng, U-NO và “đại gia” cưỡi siêu xe làm từ thiện