Hybrid View
-
01-07-2011 01:53 PM #1
Xu hướng biến đổi cơ cấu dân số Việt Nam
--------------------------
Blogger: GS.TS Nguyễn Văn Tuấn
Ngày đăng: 28/06/2011
Blog: http://nguyenvantuan.net
---------------------------
Nói đến Việt Nam, người nước ngoài thường hay nghĩ đến một dân số trẻ trung. Nhưng những dữ liệu mới đây và dự báo dân số tương lai cho thấy dân số Việt Nam đang “già hóa” khá nhanh. Sự già hóa này có ý nghĩa đến nền kinh tế và an sinh mai sau.
Cục dân số của Liên hiệp quốc vừa công bố dự báo dân số toàn cầu đến năm 2010. Theo dự báo này, hiện nay thế giới có 7 tỉ dân. Đến năm 2100, dân số thế giới sẽ đạt 10.1 tỉ, tức tăng 14% so với hiện nay. Phần lớn con số tăng trưởng này xảy ra ở vùng Phi châu, Á châu và 4 nước châu Mĩ Latin. Nhìn qua số liệu dân số toàn cầu dễ dàng thấy xu hướng lão hóa xảy ra trên hầu như tất cả các nước trên thế giới, kể cả các nước trong nhóm “nghèo” (hay “đang phát triển”) hiện nay. Ngoài ra, xu hướng đáng chú ý khác là tuổi thọ trung bình của dân số ở các nước nghèo này đang dần dần theo kịp các nước giàu.
Trong báo cáo có những dữ liệu này liên quan đến Việt Nam rất đáng để tham khảo và phân tích. Những số liệu này khi đặt trong bối cảnh hiện nay và tương lai có thể cung cấp cho chúng ta một “bức tranh” dân số khá hoàn chỉnh. Nhưng những số liệu cũng cung cấp cho chúng ta vài dự báo quan trọng về biến động dân số trong vòng 40 năm tới, và những biến động này có thể ảnh hưởng đến kinh tế và an sinh quốc gia. Do đó, tôi đã phân tích một số chỉ tiêu chính về cơ cấu dân số. Bài này tóm lược một số kết quả phân tích đó, qua cơ cấu dân số, tuổi thọ, và tình hình lão hóa dân số.
Dân số 2010 – 2100
Dân số Việt Nam dự báo sẽ đạt đỉnh vào năm 2050 và sẽ giảm dần sau đó. Hiện nay, nước ta có 87.8 triệu người. So với năm 1960 (28.3 triệu), dân số năm 2010 thể hiện một mức độ tăng trưởng hơn 3 lần. Đến năm 2025, dân số Việt Nam sẽ đạt con số 100 triệu, và sẽ đạt số tối đa vào năm 2050 với 104 triệu. Dự báo cho thấy sau 2050, dân số sẽ giảm dần đến năm 2010 là khoảng 83 triệu, tức tương đương với dân số năm 2005 (Biểu đồ 1).
Biểu đồ 1. Dân số Việt Nam 1950 - 2100
Do đó, biến động dân số nước ta có thể mô tả bằng hai giai đoạn. Trong giai đoạn 1, tính trung bình trong thời gian 1950 đến 2050, dân số Việt Nam tăng khoảng 900 ngàn người mỗi năm. Giai đoạn 2 xảy ra từ năm 2050 đến 2100, dân số Việt Nam giảm khoảng 460 ngàn người mỗi năm.
Tỉ số nữ trên nam có xu hướng giảm theo thời gian và độ tuổi. Năm 1960, cứ 100 nam thì có 107 nữ. Đến năm 2010 tỉ số này là 102, và giảm dần xuống còn 101 vào năm 2050 và 2100. Tuy nhiên tính trong độ tuổi 15-39, tỉ số nữ-nam dao động rất lớn. Năm 2010, cứ 100 nam trong độ tuổi 15-39 thì có 98 nữ cùng tuổi. Đến năm 2020, tỉ số này là 97, nhưng đến năm 2050 thì tăng lên 104 (nữ nhiều hơn nam 4%).
Cấu trúc tuổi của dân số
Cơ cấu dân số Việt Nam biến đổi rất lớn từ năm 1950 đến 2050 (Biểu đồ 2). Năm 1950, “tháp dân số” Việt Nam có hình tam giác cân, với số người cao tuổi rất thấp và số người trẻ tuổi, kể cả niên thiếu, rất cao. Đến năm 2010, tháp dân số vẫn có hình dạng gần giống hình tam giác, nhưng dân số trong độ tuổi 15-24 chiếm đa số so với các độ tuổi khác. Tháp dân số năm 2020 cũng không khác mấy so với năm 2010, nhưng số người trong độ tuổi 20-34 bắt đầu gia tăng đáng kể. Đến năm 2050 thì tháp dân số hoàn toàn “biến dạng” so với năm 1950, với số người trên 50 tuổi bắt đầu chiếm đa số. Hệ quả của sự biến động trong cơ cấu dân số này là sự lão hóa, với đặc điểm tăng tuổi trung bình và tăng tuổi thọ.
Biểu đồ 2. Tháp dân số Việt Nam 1950, 2010, 2020, và 2050. Trong mỗi biểu đồ, các thanh bên trái thể hiện phần trăm nữ, và bên phải là phần trăm nam (tính trên toàn dân số)
Tuổi trung bình. Một cách để định lượng độ trẻ (hay già) của một dân số là bằng cách tính độ tuổi trung bình của toàn dân số (median age). Tuổi trung bình của dân số Việt Nam biến động trong 3 giai đoạn chính. Giai đoạn một xảy ra trong thời gian chiến tranh (1950 đến 1970), khi tuổi trung bình giảm từ 24.5 tuổi (năm 1950) đến chỉ còn 17.8 tuổi (1970). Giai đoạn hai (sau chiến tranh), tuổi trung bình dân số Việt Nam tăng liên tục, đạt 24 tuổi vào năm 2000, 28 tuổi năm 2010. Tính trung bình mỗi năm tuổi trung bình trong giai đoạn sau chiến tranh tăng khoảng 0.3 tuổi mỗi năm. Giai đoạn 3 (sau 2010), tuổi trung bình có vẻ tăng nhưng chậm hơn, tính trung bình khoảng 0.16 tuổi mỗi năm, và sẽ đạt 48 tuổi vào năm 2100.
Tuổi thọ trung bình. Tăng độ tuổi trung bình cũng có nghĩa là tăng tuổi thọ trung bình (life expectancy). Tuổi thọ trung bình thường được tính từ lúc mới sinh. Năm 2010-2015, một đứa bé mới sinh sẽ kì vọng sống đến 74.3 tuổi (nữ cao hơn nam). Tuổi thọ này thể hiện một sự gia tăng gần 34 tuổi so với năm 1950, và 4 tuổi so với năm 2000. Dự báo cho thấy đến năm 2050, tuổi thọ trung bình sẽ đạt 80 tuổi (tức tương đương với dân số Âu Mĩ hiện nay), và đến năm 2100 sẽ đạt 85 tuổi (Biểu đồ 3), tương đương với nhiều nước kĩ nghệ khác trên thế giới.
Biểu đồ 3. Tuổi thọ trung bình 1960 - 2050
Xu hướng lão hóa
Theo một qui ước chung, người 65 tuổi trở lên được xem là “cao tuổi”. Do đó, một cách định lượng tình trạng lão hóa là tính tỉ trọng dân số cao tuổi. Năm 2010, cứ 100 dân số thì có 6 người 65 tuổi trở lên. Con số này tăng lên 8% vào năm 2020. Năm 2050, tỉ trong dân số cao tuổi (23%) sẽ tăng gần gấp 4 lần hiện nay (Bảng 1). Nói cách khác, trong vòng 40 năm tới, khoảng một phần tư dân số là cao tuổi.
Bảng 1. Tỉ trọng (%) dân số 2010 - 2050
Nhóm tuổi
2010
2020
2050
0 – 14
24%
21%
15%
15 – 64
70%
71%
62%
Trên 64
6%
8%
23%
Tổng dân số
87.8 triệu
96.4 triệu
103.9 triệu
Trong khi tỉ trọng dân số cao tuổi tăng thì tỉ trọng dân số thiếu niên giảm theo thời gian. Năm 2010, khoảng 24% dân số ở trong độ tuổi dưới 15 (tức nói chung là “thiếu niên”). Đến năm 2020, dự báo tỉ trọng này giảm xuống còn 21%, và thấp nhất vào năm 2100 (15%).
Tỉ số dân số cao tuổi trên dân số thiếu niên thường hay được biết đến như là chỉ số lão hóa (aging index). Năm 2010, cứ 100 trẻ em 0-14 tuổi, có 25 người cao tuổi. Năm 2020 tỉ số này là 37%. Nhưng đến năm 2050 số người cao tuổi sẽ cao hơn trẻ em 0-14 tuổi đến 1.6 lần (Biểu đồ 4a).
Tỉ lệ phụ thuộc.Tỉsố dân số tuổi 0-14 và 65+ (tức tuổi không lao động) trên dân số 15-64 (trong tuổi lao động) được gọi là chỉ số phụ thuộc (dependency index). Năm 2010 và 2020, cứ 100 người trong độ tuổi lao động thì có 42 người không trong độ tuổi lao động. Nhưng đến năm 2050, tỉ số này là 61%. Nói cách khác, đến năm 2050, 61% dân số phụ thuộc vào lực lượng lao động (Biểu đồ 4b).
Lão hóa là hệ quả của hai yếu tố: suy giảm tỉ lệ sinh sản và tăng tuổi thọ trung bình. Trong vòng 40 năm tới, tỉ lệ sinh sản ở nước ta giảm khá nhanh, và tuổi thọ trung bình tăng nhanh. Tuổi thọ trung bình tăng một phần lớn là do tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm. Hiện nay, tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh (tính trên 1000 trẻ mới sinh) là 20.4, nhưng dự báo sẽ giảm xuống còn 15.3 vào năm 2020 và 10.8 vào năm 2050.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 5 triệu người cao tuổi (65 trở lên). Trong vòng 9 năm nữa, số người cao tuổi sẽ tăng lên 7.2 triệu (tức tăng 45% so với hiện nay). Nhưng số người cao tuổi năm 2050 sẽ gần 22 triệu, tăng gấp 4.4 lần so với hiện nay. Bốn mươi năm nữa, gần 1/4 dân số nước ta tuổi 65 trở lên. Những biến đổi về cơ cấu dân số và xu hướng lão hóa sẽ dẫn đến nhiều hệ quả xã hội và y tế.
Sự gia tăng dân số cao tuổi đặt ra nhu cầu an sinh xã hội và y tế rất lớn trong tương lai. Người cao tuổi thường mắc những bệnh mãn tính (như ung thư, tiểu đường, xương khớp), do đó gánh nặng các bệnh mãn tính sẽ tăng nhanh trong vòng 40 năm tới. Chỉ riêng ung thư, tôi ước tính rằng số ca ung thư năm 2050 sẽ khoảng 342 ngàn bệnh nhân, cao hơn năm 2010 khoảng 3 lần. Sự gia tăng này đòi hỏi việc đầu tư cho ngành y tế và chiến lược trợ cấp xã hội phải được xem là một ưu tiên hàng đầu ngay từ nay.
Thông tin của chủ đề
Users Browsing this Thread
Có 2 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 2 khách vãng lai)
Similar Articles
-
VST -vận tải và thuê tàu biển việt nam,EPS 5200,giá 13, cổ tức 25%...đội tàu hùng mạnh
By hao phu $ in forum Doanh nghiệp sàn HoSETrả lời: 2341Bài viết cuối: 29-05-2014, 02:57 PM
Bookmarks