Bãi bỏ quy định bắt buộc công chứng hợp đồng nhà đất: Cải tiến hay...

Xuất hiện cả ý kiến ủng hộ cũng như phản biện đề xuất bãi bỏ thủ tục công chứng nhà đất…
Bộ Xây dựng vừa có Văn bản số 657/BXD-VP gửi Bộ Tư pháp đề nghị sửa đổi Khoản 3, Khoản 5, Điều 93, Luật Nhà ở theo hướng bãi bỏ yêu cầu bắt buộc công chứng đối với 7 loại hợp đồng về nhà ở, bao gồm: mua bán, đổi, tặng cho, thế chấp, thuê mua, thuê nhà ở của các tổ chức có chức năng kinh doanh bất động sản. Đã có nhiều cuộc tham vấn, hội thảo, lấy ý kiến của các cơ quan, ban ngành, chuyên gia… về vấn đề này, với hai luồng ý kiến trái chiều.
Trao quyền tự quyết cho người dân
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho biết, đây là một trong những phương án đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 8/6/2010 và Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 10/12/2010 của Chính phủ. Đề nghị này không có nghĩa là bãi bỏ hoạt động công chứng, mà là chuyển từ việc bắt buộc người dân phải công chứng sang việc họ có thể tự quyết định có công chứng hay không đối với các hợp đồng giao dịch về nhà ở và quyền sử dụng đất.
Theo tính toán sơ bộ của Tổ Công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, việc bãi bỏ quy định bắt buộc phải công chứng sẽ giảm được 2.700 tỷ đồng/năm, đồng thời tiết giảm được rất nhiều công sức, chi phí của người dân đối với hoạt động công chứng.
Ông Ngô Quang Lương, Phó chánh văn phòng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, phải xác định rằng, công chứng là quyền tự định đoạt của người dân với tài sản của mình. Nếu người dân thấy cần thiết phải công chứng, có nhu cầu công chứng để phòng ngừa rủi ro trong giao dịch nhà đất, thì tiến hành, còn nếu không thì không bắt buộc.
Những lo ngại
Bà Đỗ Hoàng Yến, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) đánh giá, đề xuất của Bộ Xây dựng liên quan đến nhiều văn bản và các chủ trương, chính sách của Nhà nước thuộc hệ thống pháp luật về dân sự, kinh tế, đất đai, xây dựng, công chứng, chứng thực, đăng ký đất đai, đăng ký giao dịch bảo đảm… Vì vậy, không thể nói một cách đơn giản là bỏ công chứng đối với các loại hợp đồng, giao dịch về bất động sản, hoặc chỉ sửa các điều khoản của Luật Đất đai, Luật Nhà ở về vấn đề này, mà sẽ còn hàng loạt vấn đề, quy định, văn bản có liên quan cần phải giải quyết.
Một vấn đề mà nhiều chuyên gia của Bộ Tư pháp cho rằng chưa hợp lý là việc quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu trong các giao dịch luôn phải đảm bảo được nguyên tắc bình đẳng giữa các chủ thể theo pháp luật dân sự. Trong khi đó, đề xuất của Bộ Xây dựng về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà trong các giao dịch mua, nhận tặng cho, nhận đổi nhà ở lại có sự phân biệt theo chủ thể là cá nhân, hộ gia đình hay doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản. Mặt khác, có ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn rằng, nếu không quy định phải công chứng bắt buộc, thì công việc sẽ dồn lên vai các văn phòng đăng ký nhà đất, UBND cấp xã…
Ông Nguyễn Hồng Hải, Trưởng phòng Pháp luật dân sự (Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp) nhận định, việc cải cách theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính là tốt, nhưng cũng phải cân nhắc xem việc này có đảm bảo quyền của các chủ thể dân sự được công nhận, bảo vệ hay không, có đảm bảo ngăn ngừa, hạn chế rủi ro pháp lý trong giao lưu dân sự hay không...
Theo ông Nguyễn Thanh Tú, Trưởng văn phòng Công chứng Nguyễn Tú, việc bắt buộc công chứng có lợi cho cả Nhà nước và người dân, đặc biệt là trong quản lý và phòng ngừa các tranh chấp. Đồng thời, đây là cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp khi buộc các bên tham gia giao dịch phải xác nhận tính xác thực của hợp đồng, cũng như địa vị, trách nhiệm pháp lý trong tham gia giao dịch. Vì vậy, việc bỏ công chứng các loại hợp đồng này chẳng khác nào là một bước lùi, khi thừa nhận các loại giấy tờ viết tay là hợp pháp, gây ra nhiều rắc rối, kiện cáo phát sinh.
Hữu Tuấn
đầu tư



Xem bài viết: Bãi bỏ quy định bắt buộc công chứng hợp đồng nhà đất: Cải tiến hay...