“Nên giữ mức tăng trưởng tín dụng khoảng 23%”
Có ý kiến trong thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, “nên chăng Chính phủ giữ mức tăng trưởng tín dụng khoảng 23% như dự kiến đầu năm”.
* Nhiều tỷ đồng vốn hỗ trợ lãi suất bị lợi dụng để trục lợi
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết thông tin này khi trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ về đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách 6 tháng đầu năm, triển khai dự toán ngân sách 6 tháng cuối năm 2011 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 30/6.

Theo ông Hiển, ý kiến nói trên được đưa ra dựa trên phân tích, việc giảm đột ngột mức tăng trưởng tín dụng từ 31% năm 2010 xuống dưới 20% năm 2011 sẽ đạt được những kết quả nhất định cho mục tiêu chống lạm phát nhưng cũng sẽ gây ra những khó khăn bất thường cho nền kinh tế. Vì thế, nên chăng Chính phủ giữ mức tăng trưởng tín dụng khoảng 23% như dự kiến đầu năm.
Không bình luận gì thêm về quan điểm này, song ông Hiển cũng nhấn mạnh đề nghị của Thường trực cơ quan thẩm tra là dư nợ tín dụng nên duy trì ở mức hợp lý, ổn định, thắt chặt cho vay nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng bình quân.
Nhận định tình hình lãi suất còn ở mức cao và có chiều hướng diễn biến phức tạp, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp về chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, tích cực sử dụng các công cụ kinh tế thị trường, hạn chế sử dụng biện pháp hành chính gây phản ứng đột ngột cho thị trường tài chính, tiền tệ và gây bất lợi cho ngân hàng, các tổ chức kinh tế, cá nhân hoạt động.
Để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tại Nghị quyết số 11 ngày 24/2/2011 Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiềm chế lạm phát; điều hành và kiểm soát để bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 15 - 16%.
Mới đây, trao đổi với báo chí, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã khẳng định quyết tâm giữ “chỉ tiêu 20%” tăng trưởng tín dụng theo đúng tinh thần của Nghị quyết 11 của Chính phủ, trước nhiều ý kiến cho rằng mức này là "quá cứng nhắc".
Tại báo cáo kinh tế xã hội 6 tháng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, Chính phủ cũng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, bảo đảm tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2011 dưới 20% và tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán khoảng 15-16%.
Chính phủ cũng nhìn nhận một trong những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế 6 tháng qua là mặt bằng lãi suất còn cao ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, mức lãi suất huy động VND bình quân hiện đang ở mức 15,5%/năm và tăng khoảng 3%/năm so với cuối năm 2010.
Về lãi suất cho vay VND thực tế, báo cáo của Chính phủ đã đưa ra con số khoảng 18,7%/năm, tăng 3,4% so với cuối năm 2010. Trong đó, lãi suất cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất ở mức cao nhất, khoảng 22 – 25%/năm. Lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác khoảng 19,2%/năm.
Chính phủ cũng đánh giá, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng có xu hướng gia tăng, còn nhiều rủi ro về tín dụng, tiềm lực của hệ thống ngân hàng mặc dù đã được tăng cường nhưng vẫn còn hạn chế.
Nguy cơ tăng nợ xấu ngân hàng trong những tháng cuối năm 2011 và năm 2012 khi sản xuất, kinh doanh bị đình trệ cũng được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cảnh báo tại báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ.
Mà, nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động chính là do khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và do lãi suất vay quá cao.
Ủy ban Kinh tế đề nghị, thời gian từ nay đến cuối năm cần điều tiết tăng trưởng tín dụng và giải ngân nguồn vốn đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách đều trong năm, tránh tình trạng khối lượng tiền tăng cao vào cuối năm gây sức ép cân đối tiền hàng, làm gia tăng lạm phát.
Trong những giải pháp điều hành 6 tháng tới, Chính phủ cũng đã nhấn mạnh đến việc kiểm soát nợ xấu, giám sát chặt chẽ chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng, bảo đảm thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Kiểm tra tính tuân thủ, chấp hành kỷ cương của các tổ chức tín dụng và xử lý nghiêm khi phát hiện vi phạm, tránh hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh và duy trì an toàn hệ thống.
Một đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng để nâng cao chất lượng, hiệu quả và an toàn hệ thống trên cơ sở đánh giá, phân loại hệ thống ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng cũng đã được đề cập trong phần giải pháp điều hành của Chính phủ.
Nguyên Thảo
tbktvn



Xem bài viết: “Nên giữ mức tăng trưởng tín dụng khoảng 23%”