Văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán, lại lỡ hẹn 1/7
Theo kế hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cũng từng cho biết, cùng với văn bản này, các nghị định, thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực chứng khoán đang được Bộ Tài chính, UBCK gấp rút hoàn thiện để thực thi từ thời điểm trên.
Tuy nhiên, chỉ còn 1 ngày nữa là đến 1/7, mới chỉ có Thông tư số 74/2011/TT-BTC hướng dẫn về giao dịch chứng khoán đã được ban hành vào ngày 1/6/2011 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2011. Còn một số văn bản khác, đặc biệt là văn bản dưới luật mang tính xương sống, được coi là song hành cùng Luật Chứng khoán mới, đó là Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, vẫn chỉ mới qua giai đoạn hoàn tất dự thảo. Hiện Dự thảo Nghị định đang chờ thẩm định của các bộ, ngành liên quan. Theo nhận định của đại diện UBCK, khi mới đến bước này thì còn cần nhiều thời gian mới hoàn tất để chính thức trình Chính phủ ban hành. Như vậy, câu hỏi bao giờ các văn bản hướng dẫn có hiệu lực cùng với Luật Chứng khoán mới để góp phần giúp TTCK phát triển ổn định hơn vẫn là.. còn phải chờ.
Theo các luật sư, câu chuyện chậm trễ trong việc ra quyết sách nói chung cũng như ban hành các văn bản luật nói riêng vẫn thường xảy ra tại Việt Nam, giống như trong lĩnh vực ngân hàng, cũng đang chờ nghị định và các văn bản hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Gần hơn, nó cũng giống như việc mặc dù Luật Chứng khoán 2006 có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2007, nhưng cho đến nay các văn bản dưới luật hướng dẫn các giao dịch phái sinh, quỹ mở… cũng chưa được ban hành. Mặc dù vậy, các thành viên thị trường cho rằng, trong bối cảnh TTCK còn ảm đạm và các yếu tố vĩ mô chưa thực sự khởi sắc trở lại thì các bước chuyển động trong chính sách quản lý đối với TTCK là điều nên được ưu tiên thực hiện.
"Các thành viên thị trường mong Bộ Tài chính cùng những cơ quan liên quan sớm đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh các văn bản hướng dẫn liên quan, với mục tiêu khi Luật có hiệu lực thực thi, các văn bản hướng dẫn cũng cần hoàn chỉnh. Các quy định pháp lý mới sẽ góp phần cải thiện chất lượng điều hành thị trường của cơ quan quản lý, đồng thời tác động trực tiếp đến các thành viên trên thị trường theo hướng phải tuân thủ các luật chơi rõ ràng, công bằng, minh bạch hơn", ông Phí Long, nhà đầu tư tại sàn CTCK Đông Á (DAS) nói.
Còn theo các luật sư, ngoài yếu tố chậm trễ trong khâu thẩm định dự thảo của các cơ quan liên quan, thì khâu triển khai và hoàn thiện dự thảo các văn bản cũng có vấn đề. Ông Trần Vũ Hải, Trưởng Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải cho rằng, nếu ngay từ khâu làm dự thảo văn bản trước khi đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, Ban soạn thảo huy động được nguồn lực cần thiết từ giới chuyên môn cũng như giới luật sư đủ tầm thì sẽ rút ngắn được khá nhiều thời gian.
"Trên thực tế, tại Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực chứng khoán, các chuyên gia về luật tham gia vào việc đóng góp ý kiến để hoàn tất dự thảo văn bản luật là rất ít, dẫn đến những sai sót nhất định về mặt pháp lý và cũng không được chỉnh sửa lại tại văn bản pháp quy được ban hành, gây ra hệ quả là các cơ quan liên quan thẩm định sau đó gặp khó khăn, vì mất thời gian đối chiếu với nhiều văn bản hiện hành khác", ông Hải nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, luật sư Trần Phương Bắc, Công ty Luật Hợp danh Luật Việt cũng cho rằng, nếu làm ở mức tương đối tốt công tác dự thảo thì sau đó công tác thẩm định sẽ đỡ mất công hơn nhiều. "Tôi nghĩ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán trong khi chờ Nghị định hướng dẫn, trong chừng mực nào đó, có gì áp dụng được thì cứ áp dụng", ông Bắc nói và đề xuất, nên hạn chế việc ban hành các văn bản hướng dẫn Luật, thay vì đó, nên kiện toàn nội dung ngay từ khi ban hành Luật, tránh tình trạng luật ống, luật khung, chưa thể áp dụng nếu thiếu văn bản hướng dẫn.
Kim Lan
đầu tư chứng khoán



Xem bài viết: Văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán, lại lỡ hẹn 1/7