-------------------
Blogger: Tiến sỹ Trần Vinh Dự

Thời gian đăng: 24/05/2011
-------------------

Từ khoảng 3 năm trở lại đây, ở Việt Nam thị trường chứng khoán (TTCK) giống như một thứ tai họa kéo dài đối với nhà đầu tư (rất may là tôi không tham gia đầu tư chứng khoán).


TTCK Việt Nam đóng cửa vào ngày 20 tháng 5, 2008 với VnIndex ở mức 449.24 điểm. Sau đúng ba năm, VnIndex chốt vào cuối ngày 20 tháng 5, 2011 ở mức 432.87 điểm, thấp hơn chỉ số này hồi 3 năm trước khoảng 3,6% (nếu tính từ đầu năm 2008 tới nay thì VnIndex giảm từ mức 921.07 điểm xuống mức 432.87 điểm, tức là chỉ còn có 47% so với hồi đầu 2008).





Tuy nhiên câu chuyện không chỉ có thế, một sự thật hầu như ai cũng biết trên TTCK Việt Nam là cách tính chỉ số VnIndex khiến các cổ phiếu có giá trị vốn hóa (market capitalization) lớn đóng vai trò chi phối đối với sự biến động của chỉ số này. Dù phần còn lại của thị trường như thế nào, nếu khoảng chưa đầy mười mã chứng khoán có vốn hóa lớn nhất tăng điểm thì VnIndex sẽ đi lên.


Nếu nhìn vào bộ chỉ số do Vietstock cung cấp, thì có thể thấy rất rõ điều này. Từ đầu năm 2008 trở lại đây, nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn (VS-Large Cap) giảm điểm không nhiều (khoảng hơn 10%), trong khi đó tất cả các nhóm còn lại (VS-Mid Cap, VS-Small Cap, và VS-Micro Cap) đều giảm trên 70%.

Nhưng điều đó vẫn chưa phải là điểm tồi tệ cuối cùng. Từ đầu năm 2008 trở lại đây, tốc độ trượt giá tính theo thước đo CPI đã lên tới 56%. Điều đó có nghĩa VnIndex nếu điều chỉnh theo CPI thì chỉ còn khoảng 30% so với hồi đầu năm 2008 và các chỉ số VS-Mid Cap, VS-Small Cap, và VS-Micro Cap mà Vietstock tính chỉ còn khoảng chưa đầy 20%.



Nguồn: Vietstock


Gần đây lại có nhiều đồn đoán rằng HSX có khả năng tính lại chỉ số VN-Index để hạn chế sự méo mó của một vài mã vốn hóa lớn. Phương án “sửa” VN-Index khả thi nhất đang được bàn tới là chỉ tính khối lượng có thể giao dịch được (tradeable shares), tức là trừ phần nắm giữ của Nhà nước, cổ đông sáng lập hoặc khối lượng bị hạn chế chuyển nhượng theo thời gian quy định. Phương pháp này nếu áp dụng sẽ làm giảm phần vốn hóa được tính của các doanh nghiệp thuộc nhóm Large Cap, và vì thế, làm giảm ảnh hưởng của nhóm này lên VnIndex.

Một hiệu ứng phụ của câu chuyện thay đổi này là các quỹ đầu tư chỉ số (exchange traded fund - ETF) sẽ phải cơ cấu lại danh mục và bán bớt các mã cổ phiếu trong nhóm Large Cap. Điều này đến lượt nó lại gây sức ép giảm giá trên TTCK. Theo Vneconomy, riêng trong tuần từ 16 tháng 5 đến 20 tháng 5, VnIndex đã mất tới gần 10% và một phần lý do có sự tuột dốc không phanh này là việc các ETF đang thực hiện bán bớt các mã blue chip để cơ cấu lại danh mục.

Dẫu thế nào thì việc tính toán VnIndex cũng chỉ là vấn đề kỹ thuật, và các nhà đầu tư không chọn công cụ ETF cũng không mấy quan tâm (mặc dù sau điều chỉnh cách tính thì VnIndex sẽ đi gần hơn với diễn biến của các mã chứng khoán không thuộc nhóm Large Cap). Vấn đề được nhiều người quan tâm là khi nào thì TTCK khởi sắc trở lại.
Động thái bán tháo tiếp tục, nhưng không phải dưới dạng hoảng loạn theo kiểu tác động tâm lý bầy đàn, trong thời gian gần đây cho thấy câu trả lời mà thị trường dự đoán, đó là thời điểm này còn rất xa. Chính vì thế, thà cắt lỗ tại thời điểm này để chuyển sang các hình thức khác (thí dụ gửi tiết kiệm) còn hơn là để tài sản nằm đắp chiếu dưới dạng chứng khoán.

Và các phỏng đoán này không phải không có cơ sở. Tình hình vĩ mô của Việt Nam tiếp tục có diễn biến xấu (mặc dù CPI của tháng 5 có vẻ như đã giảm bớt tốc độ tăng so với tháng 4). Điều kiện sản xuất – kinh doanh của đa số doanh nghiệp vẫn hết sức khó khăn, và nhiều doanh nghiệp đang đứng trước bờ vực phá sản. Không có bất cứ lý do gì để TTCK đi lên trong một bối cảnh chung ảm đạm như vậy.

Và như thế, mối tai họa kéo dài hơn 3 năm mang tên TTCK Việt Nam có vẻ như vẫn sẽ còn kéo dài thêm một vài năm nữa.