Lãi suất cuối năm sẽ vẫn duy trì ở mức cao

(Vietstock) – Với khả năng nới lỏng cung tiền do dư địa tín dụng còn lớn, mặt bằng lãi suất có khả năng sẽ giảm. Vấn đề đặt ra là tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức nào và lãi suất có giảm sâu trong nửa cuối năm 2011?
Lãi suất hiện là chủ đề nóng và được sự quan tâm của các doanh nghiệp, giới đầu tư chứng khoán… bởi những tác động tiêu cực của nó trong những tháng đầu năm 2011. Sự giảm tốc ấn tượng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 trong cả nước đã đem lại hy vọng lớn về sự hạ nhiệt của lãi suất trong những tháng cuối năm 2011.
Hiện đang có hai luồng ý kiến trái chiều về kỳ vọng lãi suất những tháng cuối năm 2011. Theo một số chuyên gia kinh tế, xu hướng giảm của chỉ số giá tiêu dùng cùng với khả năng nới lỏng của chính sách tiền tệ do dư địa tín dụng còn khá lớn sẽ hạ nhiệt mặt bằng lãi suất.
Tuy nhiên, theo ông Ayumi Konishi – Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam, lãi suất ngân hàng sẽ khó có khả năng hạ trong năm nay. Những lý do được đưa ra là lạm phát tuy có xu hướng giảm nhưng chưa ổn định, lạm phát kỳ vọng còn cao và đặc biệt là bài học năm 2010 cho việc đánh đổi giữa lãi suất và lạm phát vẫn còn nguyên giá trị.
Theo lý thuyết, lãi suất được xác định tại mỗi thời điểm dựa trên sự cân bằng giữa cung và cầu tiền thực. Như vậy, với khả năng nới lỏng cung tiền do dư địa tín dụng còn lớn, mặt bằng lãi suất có khả năng sẽ giảm. Vấn đề đặt ra ở đây là tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức nào và lãi suất có giảm sâu trong nửa cuối năm 2011?
Thời gian gần đây đã xuất hiện một số dấu hiệu tích cực về sự hạ nhiệt của mặt bằng lãi suất. Lãi suất liên ngân hàng trong những tuần qua ổn định ở mức trên 13% đối với các kỳ hạn 2 tuần, 3 tháng, 12 tháng và giảm mạnh xuống mức 11% đối với những khoản vay qua đêm.
Bên cạnh đó, lãi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) trong tháng 6 đã liên tục hạ nhiệt sau khi đạt đến mức cao 13.3%/năm vào cuối tháng 5 và lãi suất TPCP kỳ hạn 1 năm hiện đang ở mức 12%. Một điểm đáng chú ý nữa là lãi suất cho vay VND bình quân thực tế chỉ còn khoảng 18.74%/năm, thay vì 20-21.5%/năm như trước.
Tuy nhiên, thị trường tiền tệ hiện vẫn tồn tại những dấu hiệu tiêu cực. Tính đến 10/6, tốc độ tăng trưởng huy động vốn chỉ tăng 2.37%, trong đó huy động bằng VND tăng 1.15% so với cuối năm 2010, vẫn thấp hơn tăng trưởng tín dụng ở mức 7.05%
Thêm vào đó, tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm có thể tiếp tục bị hạn chế để phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát. Điều này được rút ra từ bài học năm 2010. So với cuối năm 2009, khi NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách tăng trưởng tín dụng từ 10.5% ở tháng 6/2010 lên đến gần 30% vào cuối năm 2010, và kết quả là CPI tháng 12/2010 đã tăng lên mức 11.75% từ con số 4.78% ở tháng 6.
Thực tế, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cũng cho biết chính sách tiền tệ sẽ được điều hành linh hoạt để góp phần giảm lãi suất khi lạm phát hạ nhiệt. Tuy nhiên, mục tiêu kiềm chế lạm phát vẫn được kiên trì thực hiện và không để xảy ra tình trạng nới lỏng chính sách tiền tệ như những tháng cuối năm 2010.
Có thể dự báo mặt bằng lãi suất sẽ hạ nhiệt nhưng không mạnh và vẫn duy trì ở mức cao trong nửa cuối năm 2011. Việc hạ lãi suất này cũng chưa phải là một yếu tố có tính chất bền vững vì những rủi ro khác trong nền kinh tế vẫn còn đó.
Dung Hoàng



Xem bài viết: Lãi suất cuối năm sẽ vẫn duy trì ở mức cao