Lãi suất sẽ hạ theo cách nào?
Thời gian gần đây, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có dấu hiệu hạ nhiệt, lãi suất trái phiếu chính phủ cũng liên tục giảm. Chính vì vậy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu nhận định, lãi suất ngân hàng bắt đầu có dấu hiệu chững lại và sẽ có xu hướng giảm. Tuy nhiên, hiện tại, lãi suất cho vay của các NHTM vẫn đứng ở mức cao và cuộc đua lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đường như chưa có điểm dừng.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, dòng tiền không quay lại với ngân hàng. Bên cạnh đó, lượng tiền NHNN bơm cho thị trường không đủ, khiến không ít NHTM thiếu thanh khoản, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ. Trong khi đó, vốn NHNN bơm ra thị trường mở chủ yếu rơi vào tay ngân hàng lớn, để rồi các ngân hàng này lại quay trở lại cho những ngân hàng nhỏ vay với lãi suất cao. Do vậy, việc lãi suất thị trường đứng ở mức cao và chưa có biểu hiện hạ thấp là điều tất nhiên.
Thống kê của NHNN cho thấy, tính đến ngày 10/6, tăng trưởng tín dụng khoảng 7,05%, trong đó tín dụng bằng VND tăng 2,72%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 22,21%. Mức tăng trưởng tín dụng như vậy là "khá ổn" so với mục tiêu tăng trưởng tối đa 20% đề ra cho cả năm. Tuy nhiên, vấn đề là tốc độ tăng trưởng huy động vốn không theo kịp tốc độ tăng tín dụng. Tính đến ngày 10/6, huy động vốn của hệ thống chỉ tăng 2,37%, trong đó huy động vốn bằng VND tăng 1,15%, huy động vốn bằng ngoại tệ tăng 8,89%. Điều này có nghĩa là, đồng tiền bơm ra không quay trở lại hệ thống ngân hàng.
Một vấn đề đáng quan tâm khác là NHNN đã bơm tiền ra thị trường thông qua việc mua ngoại tệ dự trữ, nhưng kể từ cuối tháng 4 đến ngày 20/5/2011, NHNN đã hút ròng gần 40.000 tỷ đồng trên thị trường mở. Tiếp đó, trong tuần từ 23 - 27/5/2011, NHNN thu hút ròng thêm trên 17.000 tỷ đồng về. Việc kiểm soát cung tiền có phần "quá chặt" của NHNN khiến tổng phương tiện thành toán trong 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,33%, trong khi mục tiêu đề ra cho cả năm là 14%. "Nền kinh tế đang thiếu thanh khoản, đẩy lãi suất tăng cao là điều tất yếu", một chuyên gia ngân hàng bình luận.
Theo nhiều chuyên gia tài chính trong nước và quốc tế, lãi suất hiện nay nên giữ ở mức cao để giúp kiểm soát lạm phát, nhưng một chuyên gia ngân hàng với nhiều năm làm việc tại Mỹ khi nhận định về tình hình lãi suất tại Việt Nam đã ví von: "Tình hình lãi suất hiện nay có thể đưa đến tình trạng cuộc giải phẫu thành công nhưng bệnh nhân... chết". Điều này hàm ý lạm phát có thể kiểm soát, nhưng cuối cùng nhiều doanh nghiệp lao đao, đi đến phá sản hay rút khỏi thương trường vì không chịu nổi gánh nặng tài chính do lãi suất cao và thiếu vốn.
Theo chuyên gia này, để hạ mặt bằng lãi suất, NHNN nên có những biện pháp mạnh hơn để hỗ trợ thanh khoản các ngân hàng nhỏ, là những đơn vị thường xuyên thiếu thanh khoản, luôn tìm cách nâng lãi suất để "câu" khách hàng và do đó kéo cả hệ thống ngân hàng vào một cuộc cạnh tranh không lành mạnh. Những biện pháp đó có thể bao gồm việc mở rộng những hạn mức cho vay tín chấp và ngắn hạn. NHNN cũng có thể xem xét một giải pháp đã được Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) áp dụng cách đây không lâu khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ. Cụ thể, Fed mua cổ phiếu ưu đãi của một số ngân hàng đang gặp khó khăn để bơm dòng tiền dài hạn vào những ngân hàng đó. Khi các ngân hàng phục hồi thì ngân hàng mua lại những cổ phiếu này từ Fed.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, việc cần làm hiện nay là hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ để họ không phải huy động với lãi suất quá cao. Dĩ nhiên, nên đưa ra điều kiện ràng buộc để đảm bảo vốn bơm ra sẽ quay về nguyên vẹn. Đồng thời, việc điều hành chính sách tiền tệ phải linh hoạt, thắt chặt hay nới lỏng phải được thực hiện một cách đồng đều trong năm, tránh tình trạng giật cục, lúc thắt quá mức, rồi đến khi thả lại quá nhanh, doanh nghiệp trở tay không kịp.
Cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), TS. Cấn Văn Lực cho rằng, để giảm lãi suất VND, ngoài việc hỗ trợ thanh khoản của NHNN qua kênh thị trường mở, cần tiến hành một loạt giải pháp khác. Thứ nhất, quyết tâm và kiên trì chính sách giảm lạm phát cùng với việc giảm nhập siêu để giảm kỳ vọng lạm phát của người dân và tăng niềm tin đối với VND. Thứ hai, lãi suất cho vay hỗ trợ thanh khoản của NHNN (đối với từng ngân hàng cụ thể) cần ở mức thấp để họ có thể giảm lãi suất đầu ra. Thứ ba, Hiệp hội Ngân hàng có thể đứng ra kêu gọi các thành viên kiên quyết chống lại hiện tượng "mặc cả lãi suất". Thứ tư, bản thân các ngân hàng cần áp dụng các biện pháp giảm chi phí quản lý để có thể chấp nhận chênh lệch lãi suất đầu vào - ra ở mức hợp lý, song hoạt động vẫn hiệu quả. Cuối cùng, NHNN nên xem xét triển khai đánh giá, xếp loại các NHTM trên cơ sở rủi ro để khách hàng biết được mức độ rủi ro của từng ngân hàng, sẵn sàng chấp nhận lãi suất tiền gửi ở mức thấp hơn so với ngân hàng có mức rủi ro thấp.
Hồng Dung
đầu tư chứng khoán






Xem bài viết: Lãi suất sẽ hạ theo cách nào?