20 lần "thảo" Nghị định kinh doanh vàng miếng, "mèo vẫn hoàn mèo"?
Cuối cùng thì Dự thảo Nghị định về kinh doanh vàng cũng được Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện và gửi lấy ý kiến các bên liên quan. Đây là bản dự thảo cuối cùng sau gần 20 lần dự thảo.

“Mèo vẫn hoàn mèo…”?
Hiếm có dự thảo nào lại thu hút sự quan tâm của dư luận lớn như đối với Dự thảo Nghị định (NĐ) về kinh doanh (KD) vàng. Ngay sau khi Nghị quyết 11/NQ-CP được ban hành, câu chuyện “xóa bỏ KD vàng miếng” nóng lên từ diễn đàn vỉa hè đến diễn đàn Quốc hội… Không ít người "nhẹ dạ" đã “nói không” với vàng miếng và đã có thời điểm giá vàng trong nước thấp hơn giá thế giới, điều mà trước đó chỉ thấy ngược lại.
Theo bản dự thảo mới nhất này, quyền mua bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân vẫn được thừa nhận, chứ không phải giao dịch một chiều (chỉ bán mà không được mua) như ý tưởng đưa ra trước đây. Tuy nhiên, các giao dịch này phải thực hiện tại ngân hàng và doanh nghiệp (DN) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép KD, mua bán vàng miếng. Dự thảo NĐ cũng nói rõ việc mua bán vàng miếng với những đối tượng không có giấy phép sẽ được coi là vi phạm pháp luật. Việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán cũng được cho là hành vi vi phạm…
“Thực ra dự thảo này chẳng có điểm gì khác so với tình hình quản lý KD vàng miếng hiện nay. Có chăng chỉ thu hẹp DN được phép bán vàng miếng, song với hàng ngàn cửa hàng KD vàng lớn bé, cơ quan QLNN có quản được không? Làm thế nào người dân biết cửa hàng nào được cấp phép cửa hàng nào không cấp phép?”, một chuyên gia bình luận.
Khi hỏi về bản dự thảo NĐ KD vàng miếng này, chủ một cửa hàng vàng ở Thường Tín (Hà Nội) cười mà rằng: “Một miếng vàng SIC mua ở đâu, bán ở đâu thì bản chất nó vẫn là miếng vàng SJC. Chẳng lẽ ở những nơi tỉnh lẻ hay vùng sâu vùng xa, người nông dân thu hoạch được tý tiền lại phải chạy xe hàng chục cây số để tìm đúng cửa hàng được phép KD vàng miếng để mua hay sao?”.
Thêm “xin - cho”…
Nếu như hiện tại, các đơn vị KD vàng chỉ cần đăng ký với Sở KH&ĐT theo Luật DN thì theo dự thảo, các cơ sở KD vàng, kể cả vàng miếng, hay vàng trang sức mỹ nghệ từ cấp hộ đến các công ty muốn KD còn phải được sự cấp phép của NHNN. Theo tinh thần của dự thảo, trước khi cấp phép, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố sẽ khảo sát địa điểm, cơ sở vật chất, các trang thiết bị cần thiết phục vụ hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ để làm căn cứ cấp phép.
Trong thời hạn 1 năm kể từ khi NĐ này có hiệu lực, các đơn vị đang sản xuất, mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ phải thực hiện đăng ký lại với cơ quan đăng ký KD và hoàn tất thủ tục xin cấp giấy chứng nhận theo quy định mới. Thời hạn với hoạt động KD vàng miếng là ba tháng.
Với khoảng 10.000 đơn vị KD vàng trên cả nước hiện nay, chỉ riêng viêc đi khảo sát các đơn vị này đã là bài toán khó đối với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, nhất là địa bàn Hà Nội và TP.HCM, chưa kể sau này còn kiểm tra các đơn vị trên địa bàn hoạt động có phép hay không phép.
“Thực ra các quy định này chỉ tốt cho các DN được cấp phép KD vàng miếng, còn giao dịch nói chung không khác nhiều so với hiện nay…”- ông Nguyễn Trung Anh, Phó tổng giám đốc Công ty vàng Vina nhận xét. Ông Anh cũng cho rằng, với cơ chế cấp phép này dễ sinh ra độc quyền. “Do được cấp phép, các công ty lớn sẽ xuất nhập khẩu và bán với giá không phù hợp với giá thị trường…”- ông Anh lo ngại.
Tuy nhiên không phải không có ý kiến đồng tình. Ông Vũ Minh Châu - Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu cho rằng KD mua, bán vàng miếng là hoạt động hạn chế KD nên DN, tổ chức hoạt động KD, mua bán vàng miếng phải được NHNN cấp giấy phép theo các điều kiện nhất định. Điều này cũng loại trừ các DN yếu kém, làm ăn chộp giật như làm vàng không đủ số tuổi, vàng xấu, cạnh tranh không lành mạnh... gây bất ổn thị trường vàng.
Tuy nhiên, dự thảo NĐ còn để ngỏ rất nhiều điều kiện để được cấp phép KD vàng miếng như về vốn, doanh thu và mạng lưới... chờ thông tư hướng dẫn. “Liệu những vấn đề phức tạp đó NHNN có kịp hướng dẫn để kịp thi hành vào thời điểm NĐ có này có hiệu lực?"- chủ một cửa hàng KD vàng nghi ngờ.
Theo kế hoạch, dự thảo NĐ sẽ phải hoàn tất khâu lấy ý kiến các bên và trình Chính phủ chậm nhất trong tháng 6.
My My
pháp luật việt nam



Xem bài viết: 20 lần "thảo" Nghị định kinh doanh vàng miếng, "mèo vẫn hoàn mèo"?