Technical View – Thị trường: Tuần 27/06 - 01/07/2011
(Vietstock) – Chiến lược đầu tư & Phân tích kỹ thuật chi tiết thị trường Việt Nam (VN-Index, HNX-Index), thị trường Mỹ (Dow Jones), thị trường Châu Á (Nikkei 225) và thị trường Châu Âu (FTSE 100).
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
Ngắn hạn: VN-Index – Biến động đi ngang. HNX-Index – Rủi ro từ MACD đang lớn dần
VN-Index – Biến động đi ngang. VN-Index vẫn đang trong xu thế đi xuống khi biến động bên dưới đường xu hướng như trong đồ thị. Khối lượng khớp lệnh thể hiện sự biến động (volatility) và chúng tôi cho rằng khối lượng lớn hơn 30tr/ phiên mới đủ để VN-Index tạo biến động thay đổi xu thế.
Hiện tại, khối lượng giao dịch đang thấp dần và sự xuất hiện liên tục của những cây nến nhỏ như doji, spinning, short red line… vẫn chưa cho thấy sự thay đổi hay tín hiệu mạnh lên của Bull hay Bear. Kênh giá hiện tại vẫn là kênh giá hẹp 420 – 450 điểm.
Ở góc độ khác, khả năng VN-Index tiếp tục điều chỉnh rất lớn nhìn theo khung thời gian 24 ngày, theo góc độ từ MACD và MA 20 của Bollinger Bands.
• MACD cắt đường tín hiệu từ trên xuống, qua đó xuất hiện phân kỳ giảm.
• Giá bắt đầu cắt đường MA của dải Bollinger theo hướng xuống.
Mặc dù các yếu tố kỹ thuật đang cho khả năng VN-Index sẽ giảm cao hơn khả năng tăng nhưng với việc khối lượng khớp lệnh thấp dần và dải Bollinger co hẹp lại cho thấy khả năng giảm mạnh không nhiều. Kênh giá 420 – 450 nhiều khả năng sẽ được duy trì trước khi xuất hiện các tín hiệu mới.

HNX-Index – Rủi ro từ MACD đang lớn dần. Trong các báo cáo gần đây, chúng tôi có đề cập đến tầm quan trọng của mốc 74 đối với HNX-Index, khi mốc này hội tụ các góc độ khác nhau trong PTKT.
• Theo kênh giá Bollinger, đường biên giữa tương ứng MA 20 hiện tại nằm ở giá trị 74. Trong trường hợp phá ngưỡng 74 thì sẽ có khả năng xuất hiện những phiên giảm mạnh về đường biên dưới của dải Bollinger.
• Theo Fibonacci Retracement đo mức độ điều chỉnh của trend, ngưỡng Fibo 50% tương ứng với mốc 74 là ngưỡng hộ trợ mạnh của đợt điều chỉnh trong xu thế tăng vừa qua.
• Theo sóng Elliott, nếu nhìn nhận giai đoạn phục hồi đợt vừa qua là sóng 1, thì giai đoạn hiện này là sóng 2 điều chỉnh. Ngưỡng 74 là ngưỡng điều chỉnh mức 50% của sóng 1 và thông thường sóng 2 không điều chỉnh quá 50% của sóng 1. Nếu điều chỉnh quá 50% của sóng 1, khả năng test đáy rất lớn.
HNX-Index vẫn đang duy trì biến động trên ngưỡng 74 nhưng vẫn chưa test thành công đường trendline nên vẫn chưa thể kết luận được gì. Mặc dù vậy, nguy cơ đang lớn dần khi đường MACD cắt đường tín hiệu theo hướng xuống và khối lượng giao dịch đang giảm dần.
Đối với những người theo trường phái “chấp nhận mua giá cao để bán giá cao hơn” thì giai đoạn này cần đặc biệt lưu ý và chúng tôi bảo lưu quan điểm thận trọng đối với các nhà đầu tư an toàn.

II. VIETSTOCK INDEX
VS 100: Không nằm ngoài lo ngại của chúng tôi, Parabolic SAR đã cho tín hiệu bán với giá. Với tín hiệu này, triển vọng tăng trưởng trong tuần sau của chỉ số VS 100 là khá thấp.
Hiện tại, nếu như điều chỉnh mạnh trong các phiên tới giá sẽ nhận được sự hỗ trợ từ vùng 55 – 58 điểm. Ở đây có sự hiện diện của Fibonacci Retracement 161.8% nên khả năng bị thủng là không cao.
Khả năng tăng trưởng ngay trong những phiên đầu tuần sau là không lớn do giá vẫn nằm dưới SMA 50.

VS-Market Cap: VS-Large Cap tiếp tục xu hướng dẫn đầu trong nhóm VS-Market Cap. Tuy nhiên, như chúng tôi đã từng đề cập trong những bài phân tích trước, chỉ số này vẫn đang trong quá trình tạo đỉnh.
VS-Large Cap rất có thể sẽ biến động mạnh trong thời gian tới khi mà giá đã breakout đường EMA 10.
Các nhóm chỉ số còn lại như VS-Mid Cap, VS-Small Cap, VS-Micro Cap mặc dù đã sụt giảm sâu nhưng vẫn chưa có tín hiệu mua rõ nét.

(*) VS 100, VS-Sector Index, VS-Market Cap là các chỉ số thuộc hệ thống VS-Index do Vietstock phát triển với nhiều ưu điểm nổi trội.
VS 100 được tính toán dựa trên 100 cổ phiếu dẫn đầu trên cả 2 sàn HoSE và HNX. Các cổ phiếu này được chọn lọc một cách kỹ lưỡng dựa trên các tiêu chí cơ bản, vốn hóa thị trường và có tính đại diện cho từng ngành...
VS 100 có trọng số tính toán dựa trên số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free floated), giúp khắc phục nhược điểm của hầu hết các bộ chỉ số trên thị trường hiện nay.
VS-Sector Index là hệ thống 24 Chỉ số Ngành do Vietstock xây dựng, cũng được dựa trên số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free floated).
VS-Market Cap gồm VS-Large Cap, VS-Mid Cap, VS-Small Cap và VS-Micro Cap giúp phân tích hướng đi của dòng tiền và hạn chế tín hiệu nhiễu của các chỉ số thị trường VN-Index và HNX-Index.
III. CHIẾN LƯỢC DANH MỤC ĐẦU TƯ
Chưa lạc quan
Chênh lệch khối lượng mua bán trên sàn HNX trong tuần qua là 12.37 triệu đơn vị, với số lệnh đặt mua lớn hơn số lệnh đặt bán 7,770 lệnh. Trung bình lệnh mua (2,723 đơn vị/lệnh) gần như tương đương với trung bình lệnh bán (2,825 đơn vị/lệnh). Như vậy, nhìn chung cả tuần lực cầu vẫn chiếm ưu thế so với lực cung, đặc biệt là phiên cuối tuần có cải thiện khá rõ nét.
Trên HOSE, lực cầu khá yếu khi chênh lệch khối lượng mua bán là -9.05 triệu đơn vị, với số lệnh đặt mua nhiều hơn số lệnh đặt bán 3,829 lệnh. Trung bình lệnh mua (2,580 đơn vị/lệnh) nhỏ hơn khá nhiều so với trung bình lệnh bán (2,804 đơn vị/lệnh).
HNX: Tỷ trọng danh mục đề nghị đối với sàn HNX là: 82.86% cash/ 17.14% stocks.
Tỷ trọng cổ phiếu của mô hình vẫn gia tăng nhưng thực sự mức tăng gần như không đáng kể và điều này cho thấy mặc dù đã có những cải thiện nhất định nhưng sự thận trọng vẫn đang bao trùm.
Việc mua vào mạnh vẫn chưa cần thiết khi mà tỷ trọng tiền mặt trong mô hình vẫn quá cao, gợi ý một chiến lược đầu tư cẩn trọng.

HOSE: Mô hình Định lượng của chúng tôi đưa ra tỷ trọng danh mục đề nghị đối với sàn HOSE là: 86.39% cash/ 13.61% stocks.
Tỷ trọng tiền mặt trên HOSE tiếp tục duy trì ở mức cao. Tỷ trọng này thậm chí còn cao hơn cả trên HNX. Vì vậy, việc quan sát thêm tín hiệu từ thị trường là cần thiết. Chỉ nên mua vào thăm dò với mức độ thấp (dưới 15%) và việc mua vào mạnh chỉ thực hiện khi có đột biến giảm trong tỷ trọng tiền mặt.

IV. PHÂN TÍCH KỸ THUẬT DOW JONES, NIKKEI 225, FTSE 100
Dow Jones: Ngắn hạn – Tiếp tục điều chỉnh. Dài hạn – Lực cản từ SMA 100 là khá lớn
Sự báo hiệu từ EMA 20 đã khá chính xác vì sau khi rơi xuống dưới ngưỡng này trong phiên giao dịch 22/06/2011, giá lại tiếp tục xuống thấp trong phiên ngày 23/06/2011 mặc dù sự điều chỉnh có chậm lại.
Giới đầu tư đang kỳ vọng vào sức chống đỡ của internal trendline và Fibonacci Retracement 261.8% sẽ giúp DJIA không giảm sâu. Một lần nữa vùng 11,800 – 12,000 điểm lại được nhắc đến như là nút thắt quan trọng đối với thị trường Mỹ trong ngắn hạn.

Dài hạn: Lực cản từ SMA 100 (cụ thể là vùng 12,200 – 12,350 điểm) vẫn rất lớn đối với DJIA khi mà chỉ sau 1 phiên test vùng này giá đã thoái lùi sâu trong hai phiên giao dịch sau đó.
Bên cạnh đó, sự thoái lùi này còn làm tăng lo ngại về khả năng pullback kỹ thuật. Điều này có cơ sở vì trong những đợt phá vỡ trước, giá đều hồi trở lại rồi sau đó mới tiếp tục giảm mạnh.
Vì vậy, cần tiếp tục thận trọng trong thời gian tới nếu DJIA vẫn còn nằm dưới SMA 100.

Nikkei 225: Tạo breakaway gap
Trong gần một tháng qua, Nikkei 225 mới tạo được một breakaway gap tương đối điển hình. Với tín hiệu này, rất có thể trong thời gian tới, giá sẽ tiếp tục tăng trưởng vì breakaway gap báo hiệu cho một sự thay đổi lớn trong tâm lý nhà đầu tư khi giá vượt khỏi vùng giao dịch dày đặc (congestion zone).
Mục tiêu ngắn hạn của Nikkei 225 là vùng 9,900 – 10,000 điểm.

FTSE 100: Pullback trở lại
Sau khi phá vỡ trendline chống đỡ dài hạn, giá đã có sự phục hồi nhẹ trong vòng 3 – 4 phiên gần đây. Tuy nhiên, giới chuyên môn đang lo ngại rằng đây chỉ là hiện tượng pullback thuần túy sau khi phá vỡ một ngưỡng chống đỡ mạnh.
Sự xuất hiện của mẫu hình nến (candlesticks) doji cho thấy khả năng này đang rất cao. Cần thận trọng trong những phiên sắp tới và mục tiêu điều chỉnh tiếp theo của giá là vùng 5,550 – 5,600 điểm.

Trương Nguyễn Thế Bảo & Nguyễn Quang Minh



Xem bài viết: Technical View – Thị trường: Tuần 27/06 - 01/07/2011