Vietstock Weekly 27/06 – 01/07: Chưa “thoát khỏi” xu hướng đi ngang
(Vietstock) – Chúng tôi cho rằng rủi ro để thị trường tiếp tục giảm sâu đã giảm đi đáng kể khi triển vọng kinh tế vĩ mô đã có nhiều điểm sáng trở lại. Nhưng cũng rất khó để thị trường bật mạnh vì những bất ổn mang tính dài hạn và cơ cấu vẫn còn ám ảnh giới đầu tư, trong khi nguồn tín dụng khó nới rộng trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt. Chúng tôi nghiêng về khả năng thị trường sẽ tiếp tục giao dịch đi ngang trong tuần kết thúc giữa năm 2011.
I. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC
Kinh tế trong nước đã có một tuần với rất nhiều thông tin vĩ mô đáng chú ý. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 chỉ tăng 1.09% so với tháng trước, mức tăng thấp nhất trong 6 tháng đầu năm. Bộ Tài chính cũng vừa đề xuất chi tiết hơn phương án miễn, giảm và giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân trong 2 năm 2011 và 2012 đối với một số đối tượng với tổng số tiền dự kiến lên đến 20,500 tỷ đồng. NHNN vừa đưa ra dự thảo thông tư thay thế Thông tư 13 mang đến những thông tin khá tiêu cực cho thị trường chứng khoán.
Khẳng định xu hướng hạ nhiệt lạm phát trong 6 tháng cuối năm
CPI tháng 6 chỉ tăng 1.09% so với tháng trước, mức tăng thấp nhất trong vòng 6 tháng qua. Như vậy, CPI liên tiếp giảm tốc trong 2 tháng gần đây với biên độ đều thấp hơn tháng trước đó khoảng 1%; góp phần khẳng định thêm xu hướng dịu lại của CPI cả nước trong những tháng cuối năm.
Hiện tại, tăng trưởng kinh tế thế giới đang có dấu hiệu chững lại, do vậy sức ép về nhu cầu hàng hóa cũng sẽ không lớn trong những tháng tới. Thêm vào đó, giá dầu thô đã sụt giảm mạnh trong thời gian gần đây và hiện đang ở mức 92 USD/thùng sẽ góp phần kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng trong thời gian tới. Tác động trễ của cung tiền lên lạm phát cũng sẽ mang lại những chuyển biến tích cực khi tăng trưởng cung tiền đã bắt đầu chậm lại.
Tuy nhiên, hiện tượng khan hiếm lương thực do mất mùa trên thế giới và việc gom hàng bằng mọi giá của các thương lái Trung Quốc sẽ tác động tiêu cực lên chỉ số giá tiêu dùng trong nước.
Nhìn chung, lạm phát có xu hướng giảm nhưng quán tính vẫn còn rất lớn. Theo dự báo của Vietstock, CPI những tháng cuối năm sẽ tăng trong khoảng 0.4-0.7% mỗi tháng và lạm phát cả năm 2011 sẽ dao động quanh mức từ 16-18%.
Giãn và miễn, giảm thuế thu nhập: Động thái kích thích kinh tế
Theo phương án đề xuất của Bộ Tài chính, tổng số thuế giãn năm 2011 vào khoảng 10,000 – 13,000 tỷ đồng, tổng số thuế miễn, giảm năm 2011 khoảng 5,250 – 6,500. Trong khi đó, tổng số thuế miễn và giảm năm 2012 (thuế đối với cổ tức, chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân) khoảng 950 – 1,000 tỷ đồng.
Như vậy, ngoài số tiền được giảm và miễn, việc giãn thuế sẽ giúp doanh nghiệp giảm được những khó khăn về mặt dòng tiền trong năm nay. Tuy nhiên, trong gói kích thích lần này, chỉ có những doanh nghiệp có lợi nhuận mới được hưởng lợi từ giãn, giảm hay miễn thuế; trong khi đó, số doanh nghiệp có nguy cơ thua lỗ có thể tăng mạnh trong điều kiện lãi suất cao như hiện nay thì không được trợ lực.
Một tín hiệu khá tốt cho giới đầu tư chứng khoán trong phương án đề xuất của Bộ Tài chính là việc miễn thuế thu nhập cá nhân từ ngày 01/08/2011 đến hết ngày 31/12/2012 đối với cổ tức được chia (ngoại trừ cổ tức của các ngân hàng cổ phần, các quỹ đầu tư tài chính, các tổ chức tín dụng) và thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán để góp phần ổn định thị trường chứng khoán,huy động vốn cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Chính sách ưu đãi thuế thu nhập này sẽ có tác động tích cực đến doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, tác động tiêu cực của gói kích thích kinh tế này là làm suy giảm dòng tiền của nguồn thu Chính phủ và tăng thâm hụt ngân sách quốc gia, tăng lạm phát.
Dự thảo thay thế Thông tư 13: Tín dụng chứng khoán bị co hẹp
Theo điều 15 và 16 của dự thảo, tổng dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu không vượt quá 3% vốn tự có của ngân hàng; và ngân hàng phải đảm bảo tỷ lệ về khả năng chi trả, có tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) 10% trở lên trước và sau khi cấp tín dụng mới đủ điều kiện cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu.
Với những thông tin trên, tín dụng chứng khoán một lần nữa bị thắt chặt khi hạn mức cho vay giảm đột ngột từ 20% vốn điều lệ (như quy định tại Thông tư 13) xuống còn 3% vốn tự có và điều kiện cấp tín dụng càng khắt khe hơn khi hệ số an toàn vốn được lên 10%. Nếu thông tư này được thông qua mà không có sự sửa đổi nào thì chắc chắn thị trường chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng.
Một điểm cần lưu ý ở đây là với hạn mức cho vay 3% vốn tự có thì liệu hạn mức như trên có phù hợp khi thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển hay không. Ngoài ra, với hệ số an toàn vốn khoảng 10%, số lượng các ngân hàng đạt tiêu chuẩn để cấp tín dụng chứng khoán sẽ bị thu hẹp và khả năng khó tiếp cận nguồn vốn này sẽ một lần nữa tác động tiêu cực đến tín dụng cho chứng khoán.
II. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
Thị trường đã có thêm một tuần điều chỉnh và bên mua tỏ ra thận trong hơn khiến thanh khoản sụt giảm mạnh trên cả 2 sàn so với tuần trước. Dù các mã trong VS-Large Cap như VIC, BVH,... được thay phiên đẩy lên nhưng cũng không giúp thị trường thoát khỏi một tuần giảm điểm.
Kết thúc tuần, VN-Index mất 1.26% về 433.40 điểm, trong khi đó HNX-Index sụt giảm 1.11% về 75.78 điểm. Trên HOSE, giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên đạt 541 tỷ đồng, giảm 36%; còn trên HNX, giá trị giao dịch trung bình chỉ đạt 415 tỷ đồng, giảm 44% so với tuần trước.
Những điểm đáng lưu ý trong tuần
(1) Mặc dù có nhiều thông tin vĩ mô tích cực như CPI giảm tốc, thị trường trái phiếu phát đi những tín hiệu lạc quan, Bộ Tài chính trình phương án giãn và miễn giảm thuế... nhưng thị trường chứng khoán vẫn có tuần giảm điểm. Những e ngại về triển vọng kinh tế vĩ mô, đặc biệt là lạm phát, sự co hẹp của tín dụng chứng khoán trước hạn chót 30/6... đã khiến bên mua chùn tay. Ngoài ra, tâm lý giới đầu tư nhìn chung vẫn còn cẩn trọng trước khả năng thị trường lùi sâu liên tục và bất ngờ như những tháng trước.
(2) Thị trường có tuần thanh khoản giao dịch sụt giảm mạnh, đặc biệt là 2 phiên giao dịch cuối tuần. Thanh khoản trên HOSE đã xuống mức thấp nhất trong 1 tháng qua trong phiên giao dịch ngày 23/06/2011.
(3) Khối ngoại có một tuần thu hẹp giao dịch và vẫn tiếp tục bán ròng dù giá trị bán ròng trong tuần chỉ đạt 25.1 tỷ đồng, giảm hơn 82% giá trị bán ròng tuần trước. Trên HOSE, tổng giá trị bán ròng đạt 20.8 tỷ đồng, trên HNX tổng giá trị bán ròng là 4.3 tỷ đồng. VIC vẫn tiếp tục được các nhà đầu tư nước ngoài chú ý khi đứng đầu lượng mua ròng mạnh nhất trong tuần với 11.5 tỷ đồng. Ở phía ngược lại, VSH tiếp tục bị bán ròng mạnh với tổng giá trị bán ròng 11.5 tỷ đồng.
(4) Nhóm chỉ số VS-Market Cap đều giảm mạnh. Kết thúc tuần, VS-Large Cap là nhóm giảm điểm ít nhất với mức giảm 1.23%. VS-Small Cap là nhóm giảm mạnh nhất 2.09%; tiếp theo là VS-Mid Cap giảm 1.26% và VS-Micro Cap giảm 1.24%.
(5) PET bất ngờ trở thành cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên HOSE trong tuần với mức tăng 13.68%. Đáng lưu ý là trên HNX, 5 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất đều có khối lượng giao dịch trung bình rất thấp.
III. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG TUẦN 27/06 – 01/07/2011
Liên tiếp trong những phiên giao dịch cuối tuần, thị trường đón nhận những thông tin tốt như: chỉ số CPI tháng 6 của cả nước đã giảm tốc, chỉ tăng 1.09%; giao dịch trên thị trường trái phiếu diễn ra sôi động, lãi suất trúng thầu liên tục giảm đã phát đi những tín hiệu lạc quan về khả năng giảm lãi suất. Bên cạnh đó Bộ Tài chính cũng đã hoàn tất phương án giãn và miễn giảm thuế năm 2011 và 2012 nhằm kích thích nền kinh tế.
Mặc dù đón nhận những tin tốt trên nhưng thị trường vẫn giảm điểm dù tốc độ giảm đã bớt đi. Lực cầu chùn tay và thanh khoản sụt giảm mạnh cho thấy tâm lý thận trọng của giới đầu tư đang lên cao.
Có thể nhận thấy rằng nhưng yếu tố tích cực ở trên vẫn là chưa đủ để làm giới nhà đầu tư yên tâm vào thị trường.
Tuần giao dịch tới, thông tin về dư nợ tín dụng phi sản xuất trước giờ G 30/6 sẽ là tâm điểm chú ý. Bên cạnh đó, những thông tin bên lề về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm cũng sẽ ảnh hưởng đến quyết định của giới đầu tư.
Chúng tôi cho rằng rủi ro để thị trường tiếp tục giảm sâu đã giảm đi đáng kể khi triển vọng kinh tế vĩ mô đã có nhiều điểm sáng trở lại. Nhưng cũng rất khó để thị trường bật mạnh vì những bất ổn mang tính dài hạn và cơ cấu vẫn còn ám ảnh giới đầu tư, trong khi nguồn tín dụng khó nới rộng trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt. Chúng tôi nghiêng về khả năng thị trường sẽ tiếp tục giao dịch đi ngang trong tuần kết thúc giữa năm 2011.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Biến động đi ngang. VN-Index vẫn đang trong xu thế đi xuống khi biến động bên dưới đường xu hướng như trong đồ thị. Khối lượng khớp lệnh thể hiện sự biến động (volatility) và chúng tôi cho rằng khối lượng lớn hơn 30tr/ phiên mới đủ để VN-Index tạo biến động thay đổi xu thế.
Hiện tại, khối lượng giao dịch đang thấp dần và sự xuất hiện liên tục của những cây nến nhỏ như doji, spinning, short red line… vẫn chưa cho thấy sự thay đổi hay tín hiệu mạnh lên của Bull hay Bear. Kênh giá hiện tại vẫn là kênh giá hẹp 420 – 450 điểm.
Ở góc độ khác, khả năng VN-Index tiếp tục điều chỉnh rất lớn nhìn theo khung thời gian 24 ngày, theo góc độ từ MACD và MA 20 của Bollinger Bands.
• MACD cắt đường tín hiệu từ trên xuống, qua đó xuất hiện phân kỳ giảm.
• Giá bắt đầu cắt đường MA của dải Bollinger theo hướng xuống.
Mặc dù các yếu tố kỹ thuật đang cho khả năng VN-Index sẽ giảm cao hơn khả năng tăng nhưng với việc khối lượng khớp lệnh thấp dần và dải Bollinger co hẹp lại cho thấy khả năng giảm mạnh không nhiều. Kênh giá 420 – 450 nhiều khả năng sẽ được duy trì trước khi xuất hiện các tín hiệu mới.

HNX-Index – Rủi ro từ MACD đang lớn dần. Trong các báo cáo gần đây, chúng tôi có đề cập đến tầm quan trọng của mốc 74 đối với HNX-Index, khi mốc này hội tụ các góc độ khác nhau trong PTKT.
• Theo kênh giá Bollinger, đường biên giữa tương ứng MA 20 hiện tại nằm ở giá trị 74. Trong trường hợp phá ngưỡng 74 thì sẽ có khả năng xuất hiện những phiên giảm mạnh về đường biên dưới của dải Bollinger.
• Theo Fibonacci Retracement đo mức độ điều chỉnh của trend, ngưỡng Fibo 50% tương ứng với mốc 74 là ngưỡng hộ trợ mạnh của đợt điều chỉnh trong xu thế tăng vừa qua.
• Theo sóng Elliott, nếu nhìn nhận giai đoạn phục hồi đợt vừa qua là sóng 1, thì giai đoạn hiện này là sóng 2 điều chỉnh. Ngưỡng 74 là ngưỡng điều chỉnh mức 50% của sóng 1 và thông thường sóng 2 không điều chỉnh quá 50% của sóng 1. Nếu điều chỉnh quá 50% của sóng 1, khả năng test đáy rất lớn.
HNX-Index vẫn đang duy trì biến động trên ngưỡng 74 nhưng vẫn chưa test thành công đường trendline nên vẫn chưa thể kết luận được gì. Mặc dù vậy, nguy cơ đang lớn dần khi đường MACD cắt đường tín hiệu theo hướng xuống và khối lượng giao dịch đang giảm dần.
Đối với những người theo trường phái “chấp nhận mua giá cao để bán giá cao hơn” thì giai đoạn này cần đặc biệt lưu ý và chúng tôi bảo lưu quan điểm thận trọng đối với các nhà đầu tư an toàn.

VIETSTOCK INDEX
VS 100: Không nằm ngoài lo ngại của chúng tôi, Parabolic SAR đã cho tín hiệu bán với giá. Với tín hiệu này, triển vọng tăng trưởng trong tuần sau của chỉ số VS 100 là khá thấp.
Hiện tại, nếu như điều chỉnh mạnh trong các phiên tới giá sẽ nhận được sự hỗ trợ từ vùng 55 – 58 điểm. Ở đây có sự hiện diện của Fibonacci Retracement 161.8% nên khả năng bị thủng là không cao.
Khả năng tăng trưởng ngay trong những phiên đầu tuần sau là không lớn do giá vẫn nằm dưới SMA 50.

VS-Market Cap: VS-Large Cap tiếp tục xu hướng dẫn đầu trong nhóm VS-Market Cap. Tuy nhiên, như chúng tôi đã từng đề cập trong những bài phân tích trước, chỉ số này vẫn đang trong quá trình tạo đỉnh.
VS-Large Cap rất có thể sẽ biến động mạnh trong thời gian tới khi mà giá đã breakout đường EMA 10.
Các nhóm chỉ số còn lại như VS-Mid Cap, VS-Small Cap, VS-Micro Cap mặc dù đã sụt giảm sâu nhưng vẫn chưa có tín hiệu mua rõ nét.

(*) VS 100, VS-Sector Index, VS-Market Cap là các chỉ số thuộc hệ thống VS-Index do Vietstock phát triển với nhiều ưu điểm nổi trội.
VS 100 được tính toán dựa trên 100 cổ phiếu dẫn đầu trên cả 2 sàn HoSE và HNX. Các cổ phiếu này được chọn lọc một cách kỹ lưỡng dựa trên các tiêu chí cơ bản, vốn hóa thị trường và có tính đại diện cho từng ngành...
VS 100 có trọng số tính toán dựa trên số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free floated), giúp khắc phục nhược điểm của hầu hết các bộ chỉ số trên thị trường hiện nay.
VS-Sector Index là hệ thống 24 Chỉ số Ngành do Vietstock xây dựng, cũng được dựa trên số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free floated).
VS-Market Cap gồm VS-Large Cap, VS-Mid Cap, VS-Small Cap và VS-Micro Cap giúp phân tích hướng đi của dòng tiền và hạn chế tín hiệu nhiễu của các chỉ số thị trường VN-Index và HNX-Index.
IV. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG TUẦN 20 – 24/06/2011

Phòng Nghiên cứu Vietstock



Xem bài viết: Vietstock Weekly 27/06 – 01/07: Chưa “thoát khỏi” xu hướng đi ngang