CTCK giã từ “vũ khí nóng”
Hết lòng chiều chuộng NĐT bằng cách cho vay đòn bẩy "khủng" để giành giật thị phần; mạnh tay tự doanh; khuyến mại dưới các hình thức miễn, giảm phí giao dịch… là những chiêu "nóng" mà CTCK đua nhau sử dụng suốt thời gian dài, để tạo ra lợi thế cạnh tranh. Bây giờ, cuộc đua đang lặng lẽ rẽ sang hướng khác khi TTCK hẹp cửa kiếm tiền.
Rủi ro đến… chóng mặt
Màn "làm xiếc" đầu tư tài chính thông qua hoạt động tự doanh, cho vay đòn bẩy tài chính… có lẽ đã khiến tự thân các CTCK chóng mặt, nên họ đang dần giảm tốc độ, nếu không muốn nói là giảm đột ngột. Nhiều CTCK cho thấy trong cơn "bĩ cực" này, họ đang tự tái cơ cấu, để sống khoẻ, sống chắc thay vì lao vào chấp nhận rủi ro cao nhằm thu lợi lớn như thời gian qua, mà có muốn, điều này cũng không thể trong bối cảnh thị trường đói kém hiện tại. Họ coi đây là bước chuyển dài hơi, chứ không đơn thuần trong thời buổi khó khăn này.
Sau nhiều năm lăn lộn với thị trường, ông Nguyễn Đỗ Lăng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCK APEC (APS) chiêm nghiệm: có hai lỗ hổng gây nên rủi ro chính cho CTCK trong bất kể thời điểm nào là tự doanh và cung cấp đòn bẩy tài chính. Dĩ nhiên, trong lúc TTCK diễn biến thuận lợi, mức độ rủi ro của các nghiệp vụ này thấp hơn khi thị trường khó khăn như hiện nay. Bởi vậy, ngay từ đầu năm nay, APS đã ra sức bịt hai lỗ hổng trên, để giảm thiểu rủi ro. Nếu như cuối năm 2010, APS cho NĐT vay dưới hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư hơn 858 tỷ đồng, thì con số này đã bị giảm mạnh và hiện còn hơn 70 tỷ đồng. Tương tự, hoạt động tự doanh cũng đang được Công ty siết mạnh, để trong năm nay đưa tổng giá trị danh mục tự doanh xuống dưới 100 tỷ đồng so với vài trăm tỷ đồng vào lúc cao điểm. Với định hướng này, APS vừa huỷ kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 390 tỷ đồng hiện tại lên 780 tỷ đồng.
Lãnh đạo một CTCK đang niêm yết khác cũng cho hay, trước năm 2009, cùng với việc thường xuyên duy trì khoản cho vay NĐT vài trăm tỷ đồng, danh mục tự doanh của công ty chưa bao giờ dừng lại ở con số dưới 100 tỷ đồng, nhưng lần đầu tiên, kể từ đầu năm 2011 đến nay, các khoản mục đầu tư này có sự thay đổi, khi con số tự doanh giảm xuống dưới 10 lần và hiện chỉ duy trì vài tỷ đồng.
Lo tìm "áo giáp"
Từ giã cuộc đua tốc độ với việc triển khai nhiều "vũ khí" nóng, nay các CTCK đang ra sức tái cơ cấu theo hướng giảm thiểu các nghiệp vụ có tính rủi ro cao để rẽ sang các nghiệp vụ ít rủi ro và lẽ dĩ nhiên, cũng vì thế mà kém lợi nhuận. Ông Lăng cho hay, năm 2011, APS tập trung định vị lại chiến lược hoạt động, trong đó, cùng với việc sớm hiện thực hoá mục tiêu tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có uy tín, để gia tăng sức mạnh cho APS, tự thân Công ty đang chuyển mạnh hướng hoạt động sang hiện đại hoá công nghệ giao dịch nhằm mở rộng thị phần; đầu tư chiều sâu cho nghiệp vụ tư vấn tài chính doanh nghiệp, phân tích đầu tư và mua bán - sáp nhập doanh nghiệp theo hướng chuyên nghiệp. APS sẽ khai thác tối đa cơ hội đầu tư từ quá trình triển khai các nghiệp vụ này từ các đối tác mà Công ty làm tư vấn niêm yết, tái cơ cấu để giảm thiểu rủi ro.
Tìm hiểu của ĐTCK tại các CTCK cho thấy, thu hẹp cho vay, tự doanh là con đường nhiều CTCK đang đi với ý niệm nó không phải là kiểu lánh nạn tạm thời, mà là bước chuyển mang tính lâu dài, bởi những năm tới đây, ngay cả khi TTCK diễn biến thuận lợi, thì cũng không còn nhiều "đất" cho các CTCK giành giật thứ hạng thông qua triển khai các nghiệp vụ có tính rủi ro cao này. Thay vào đó, các CTCK đang quay trở lại mô hình hoạt động đúng nghĩa là trung gian cung cấp dịch vụ cho TTCK, với việc đầu tư nhiều hơn chất xám, tiền của cho phát triển các dịch vụ để hút khách.
Tổng giám đốc một CTCK tại Hà Nội chia sẻ, TTCK khó khăn khiến tiến trình cải tổ các CTCK diễn ra sớm hơn. Cùng với thu hẹp quy mô hoạt động, Công ty đang "xốc" lại tổ chức để tập trung chủ yếu nguồn lực cho các nghiệp vụ lõi là môi giới, tư vấn niêm yết, tư vấn tái cấu trúc doanh nghiệp… Phần không nhỏ nguồn lực còn lại, Công ty tham gia đầu tư có chọn lọc vào các đối tác tiềm năng bằng cách cố gắng đạt được thoả thuận cử người tham gia hoạt động quản lý, giám sát, để giảm thiểu rủi ro đồng vốn đầu tư.
Hữu Đạo
đầu tư chứng khoán



Xem bài viết: CTCK giã từ “vũ khí nóng”