Khi nào Việt Nam mới hết nhập siêu?
(Vietstock) – Xuất nhập khẩu những tháng đầu năm tăng lên rất mạnh, nhưng kèm theo đó là nhập siêu ngày càng lớn. Lời giải cho bài toán nhập siêu của Việt Nam không dễ dàng vì nó xuất phát từ nguyên nhân sâu xa trong nền kinh tế.
Bản chất của việc nhập siêu ở mỗi quốc gia là do quốc gia đó đầu tư nhiều hơn những gì mình tiết kiệm và Chính phủ cũng chi nhiều hơn thu.
Nhập siêu đang ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2011 đạt 34.74 tỷ USD, tăng 32.8% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong khoảng thời gian này, nhập khẩu đạt 41.33 tỷ USD tăng 29.7% so với cùng kỳ.
Những con số trên là rất ấn tượng trong bối cảnh kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cần lưu ý là kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh là do đóng góp lớn từ việc giá cả hàng hóa gia tăng.
Những hàng hóa có giá trị xuất khẩu lớn và tăng mạnh trong thời gian qua vẫn chủ yếu là các nguyên liệu và sản phẩm thô như cà phê, cao su, dệt may. Kim ngạch nhập khẩu những hàng hóa là nguyên liệu như xăng dầu, chất dẻo, vải cũng tăng khá mạnh. Đặc biệt, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đạt hơn nửa tỷ USD và tăng tới 65.4% so với cùng kỳ.
Cùng với việc tăng mạnh của kim ngạch xuất nhập khẩu thì nhập siêu cũng lên mức rất cao. Tính tổng cộng trong 5 tháng đầu năm, nhập siêu hàng hóa đã lên tới 6.59 tỷ USD, tăng 24.24% so với cùng kỳ năm trước. Thâm hụt thương mại trong 5 tháng bằng 19% kim ngạch xuất khẩu, vượt mục tiêu 16% của Chính phủ đề ra hồi đầu năm.
Liên tục 9 tháng gần đây nhập siêu mỗi tháng đều trên 1 tỷ USD. Nếu tốc độ nhập siêu trong 7 tháng còn lại của năm nay duy trì tương tự như 5 tháng vừa qua thì nhập siêu cả năm 2011 lên đến 16 tỷ USD. Đây là một con số quá lớn đối với quy mô nền kinh tế Việt Nam.
Trước đó năm 2008, nhập siêu của Việt Nam đã lên tới trên 18 tỷ USD, còn năm 2007 gần 15 tỷ USD. Nhập siêu đã giảm xuống vào năm 2009 và 2010 nhưng vẫn đạt trên 12 tỷ USD và hơn 12% GDP.
Việt Nam thặng dư thương mại lớn đối với châu Âu và Hoa Kỳ, trong khi đó lại thâm hụt lớn đối với Trung Quốc, Khu vực Đông Nam Á và Nhật Bản.
Đặc biệt, trong những năm gần đây nhập siêu từ Trung Quốc luôn chiếm tới 90% tổng nhập siêu của Việt Nam. Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc không chỉ có nguyên phụ liệu và hàng tiêu dùng mà còn cả máy móc và thiết bị. Điều đáng nói là hàng hóa kém chất lượng và máy móc công nghệ thấp từ Trung Quốc đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sự phát triển lâu dài của kinh tế Việt Nam.

Nguyên nhân gốc rễ của vấn đề nhập siêu của Việt Nam
Nhập siêu đã trở thành vấn đề nóng và được tranh luận rất nhiều trong suốt thời gian qua. Một số ý kiến cho rằng nhập siêu của Việt Nam chủ yếu đều từ Trung Quốc nên hạn chế nhập siêu từ nước này là có thể giải được bài toán nhập siêu. Cũng có quan điểm khác lại nhận định hàng năm Việt Nam nhập khẩu những hàng hóa tiêu dùng xa xỉ phẩm lên tới hơn 10 tỷ USD, nên hạn chế những mặt hàng này là lời giải cho bài toán nhập siêu.
Những quan điểm đó thực tế chỉ đúng một phần và không phải là nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng nhập siêu của Việt Nam.
Về mặt lý thuyết kinh tế, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cán cân thương mại của một quốc gia, trong đó có các yếu tố quan trọng như tỷ giá, dòng vốn, chính sách phát triển công nghiệp…
Đối với tỷ giá, một đồng tiền được định giá càng thấp thì có khuynh hướng kích thích xuất khẩu do giá hàng sản xuất trong nước rẻ một cách tương đối so với hàng nước ngoài. Tuy nhiên, quy luật này không luôn luôn đúng với mọi thời điểm và đối với tất cả các nền kinh tế.
Yếu tố dòng vốn đầu tư có thể được phân tích theo công thức cân bằng vĩ mô: Cán cân thương mại (TB) = X - M = S - I + (T-G).
Trong đó, X là kim ngạch xuất khẩu, M là kim ngạch nhập khẩu, S là tiết kiệm trong nước, I là đầu tư trong nước, T-G là thâm hụt ngân sách (T là thu nhập chính phủ, G là tiêu dùng chính phủ).
Qua công thức trên có thể thấy bản chất của việc nhập siêu là do quốc gia đó đầu tư nhiều hơn những gì mình tiết kiệm và chính phủ cũng chi nhiều hơn thu. Nói một cách đơn giản là quốc gia đó chi tiêu và đầu tư nhiều hơn những gì mình có thể làm ra. Do vậy, một nền kinh tế thường xuyên nhập siêu sẽ gặp nhiều thách thức trên con trường phát triển bền vững.
Dòng tiền bù đắp cho nhập siêu của Việt Nam suốt những năm qua đến từ các dòng vốn như đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FPI), vốn viện trợ phát triển (ODA), nguồn kiều hối và các dòng vốn vay khác. Điều này cũng đồng nghĩa với việc một khi dòng vốn này tiếp tục đổ vào Việt Nam thì nhập siêu sẽ chưa dừng lại.
Nguyên nhân căn bản khác dẫn đến nhập siêu lớn là do chiến lược phát triển thiếu bền vững. Năng lực cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước thấp khiến hàng hóa của Việt Nam “thua ngay trên sân nhà”. Trong khi đó, hàng hóa xuất khẩu chủ yếu vẫn là nguyên liệu thô, hàng hóa gia công có giá trị gia tăng thấp. Tỷ lệ hàng xuất khẩu có hàm lượng công nghệ cao chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp.
Những yếu tố trên đã giải thích tại sao hàng tiêu dùng từ Trung Quốc lại dễ dàng thâm nhập thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, trong một khoảng thời gian quá dài Việt Nam luôn theo đuổi việc đầu tư vào dự án “khủng” nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn. Trong khi đó, các yếu tố cốt lõi cho phát triển bền vững là chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học công nghệ, chất lượng cơ sở hạ tầng, kỹ năng quản trị… lại không được chú ý cải thiện đúng mức.
Khi nào Việt Nam mới hết nhập siêu?
Cán cân thương mại của Việt Nam chỉ được cải thiện khi những nguyên nhân căn bản trên được giải quyết. Chẳng hạn, nếu Việt Nam tiếp tục duy trì một tỷ lệ đầu tư cao vượt xa tỷ lệ tiết kiệm thì nhập siêu là một hệ quả tất yếu.
Để giảm tỷ lệ đầu tư và không còn phụ thuộc quá nhiều vào các dòng vốn đầu từ nước ngoài thì điều bắt buộc là phải cải thiện được chất lượng tăng trưởng. Tức là hàng hóa Việt Nam làm ra phải có tính cạnh tranh cao hơn, chất lượng tốt hơn, chi phí rẻ hơn, giá trị gia tăng trong hàng hóa xuất khẩu lớn hơn.
Để làm được những điều này, Việt Nam cần phải có một chiến lược phát triển tận dụng các lợi thế cạnh tranh của mình một cách hiệu quả. Song song với đó là việc cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, trình độ quản lý và đầu tư nhiều hơn cho khoa học công nghệ hay nhập khẩu công nghệ từ bên ngoài.
Đó là những đòi hỏi tất yếu vì trong suốt những năm qua xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu nông sản và gia công hàng hóa với giá trị gia tăng thấp. Tiềm năng tăng xuất khẩu những mặt hàng này đang giảm đi, trong khi đó nhu cầu nhập khẩu lại ngày càng lớn để phục vụ phát triển kinh tế.
Như vậy, có thể thấy rằng chỉ có tái cấu trúc nền kinh tế để cải thiện hiệu quả thì Việt Nam mới có cơ hội thoát khỏi một nước nhập khẩu liên tục. Tuy nhiên, việc tái cấu trúc nền kinh tế không phải là một vấn đề dễ dàng và cần có một khoảng thời gian rất dài cùng với chiến lược đúng đắn.
Tóm lại, nhập siêu chưa hẳn là xấu nhưng nếu kéo dài liên tục sẽ tích tụ những rủi ro cho nền kinh tế. Tình trạng nhập siêu có thể kéo dài trong nhiều năm nữa.
Hồ Bá Tình



Xem bài viết: Khi nào Việt Nam mới hết nhập siêu?