Ngân hàng vẫn mặc cả lãi suất
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản gửi các ngân hàng thương mại yêu cầu thực hiện đúng quy định về mức lãi suất huy động tối đa bằng VND không vượt quá 14%/năm và sẽ xử phạt đơn vị nào vi phạm (mức phạt cao nhất tới 500 triệu đồng). Tuy nhiên, nhiều ngân hàng vẫn huy động với lãi suất vượt trần...


Lãi suất ngân hàng đang là vấn đề nóng.


Lãi suất huy động cũng thỏa thuận

Buổi sáng, tại chi nhánh một ngân hàng thương mại cổ phần lớn trên đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội), quầy phục vụ khách VIP, có ba vị khách đang chờ đến lượt làm thủ tục với ngân hàng. Một nữ khách hàng còn trẻ quay sang hỏi nhân viên: “Sổ tiết kiệm của chị có 900 triệu đồng giờ đáo hạn thì lãi suất là bao nhiêu hả em?”. Nữ nhân viên ngân hàng: “Lãi suất 17%/năm chị ạ”.

Một lát khi người phụ nữ đã yên vị ngồi tại bàn uống nước có bánh kẹo phục vụ để chờ đến lượt, một bác đứng tuổi ngồi bàn phía trong quay sang thì thầm: “Tôi có khoản tiền 300 triệu đồng gửi kỳ hạn 1 tháng với lãi suất cũ 17%/năm. Từ mấy hôm trước khi đến ngày đáo hạn đã thấy nhân viên ngân hàng gọi nhắc gửi lại, với lãi suất 17,5%/năm, cô thử mặc cả xem”. Khi khách hàng phản ứng và cho biết sẽ rút tiền đi gửi ngân hàng khác nếu không tăng lãi suất, nữ nhân viên ngân hàng trấn an: “Chị chờ em gọi điện xin ý kiến sếp”.


Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết tính đến ngày 23- 5, huy động vốn VND giảm 2,75% so với cuối năm 2010. Vốn huy động VND của các tổ chức kinh tế giảm 156.700 tỷ đồng, do các doanh nghiệp rút tiền ra để đầu tư sản xuất-kinh doanh. Trong tuần qua, NHNN cũng tiếp tục hút ròng về 14.211 tỷ đồng qua thị trưởng mở. Như vậy tính từ đầu năm đến ngày 17- 6, NHNN đã hút ròng về hơn 74.000 tỷ đồng qua nghiệp vụ này.

Chỉ ít phút sau cô thừa nhận lãi suất khách hàng nhận được ở mức 17,5%/năm. Một khách hàng khác bức xúc, do có quá nhiều sổ tiết kiệm gửi tại nhiều ngân hàng nên bác này đã quên mất hơn 1 tháng khoản tiền gửi 1 tỷ đồng tại ngân hàng này. Đến giờ hỏi ra mới biết cuốn sổ trên chỉ được hưởng lãi suất 14%/năm trong tháng quên đó do không thỏa thuận. “Tôi đang chờ làm thủ tục rút tiền để gửi tại ngân hàng khác”- khách hàng này nói.

Chị T. (Đống Đa-Hà Nội) có khoản tiền hơn 3 tỷ đồng, đang gửi tại một ngân hàng cho biết, ngân hàng này trả lãi khủng tới 20,5%/năm, cho kỳ hạn gửi 1 tháng. “Trong sổ ngân hàng chỉ ghi trả lãi suất 14%/ năm, số tiền chênh lệch giữa lãi suất chính thức với lãi suất thỏa thuận được ngân hàng trả bằng tiền mặt ngay tại thời điểm làm thủ tục gửi. Hôm trước mới sắp đáo hạn họ đã gọi điện nhắc tôi tới gửi lại”, chị T. nói.

Trước con số này, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần, cho biết thực tế những ngày qua lãi suất và thanh khoản có bớt chút căng thẳng. Tuy nhiên, do NHNN vẫn dè dặt bơm tiền và dòng tiền gửi VND chưa tăng như kỳ vọng khiến lãi suất huy động khó xuống nhanh. Hiện các ngân hàng đang lo giữ khách để tiền khỏi chạy sang nơi khác.

Lãi suất cho vay giảm nhẹ

Khảo sát của phóng viên cho thấy, đến thời điểm này, lãi suất cho vay doanh nghiệp kỳ hạn 6 tháng- 1 năm đang ở mức từ 19- 20%/năm; lãi vay tiêu dùng của các ngân hàng ACB, Eximbank ở mức 21-22%/năm; SHB là 24%/năm. Mức lãi suất trên đều giảm từ 0,5-1% so với trước đây.

Vietinbank vừa công bố dành khoản tiền 20.000 tỷ đồng với lãi suất 18%/năm cho các doanh nghiệp thuộc ngành nghề cần hỗ trợ như dệt may, da giày, gỗ... Ngân hàng Hàng hải (Maritimebank) cũng cho biết sẽ giảm ít nhất 0,5% lãi suất vay VND với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, hiện vốn vẫn khan hiếm, lãi suất cao, một số doanh nghiệp không có khả năng trả nợ ngân hàng. Do đó, tiền không quay trở lại ngân hàng như dự tính. Cùng với đó là giá cả tăng cao khiến thu nhập của người dân và DN giảm, tiền tiết kiệm ít đi, trong khi tiền cung ứng bị thắt chặt.

Chưa kể do khó tiếp cận vốn ngân hàng, một lượng tiền tiết kiệm trong dân cư có thể đi vào thị trường chợ đen. “NHNN cần duy trì thanh khoản của các ngân hàng thương mại, đồng thời hạ lãi suất tái cấp vốn để phát đi dấu hiệu hạ nhiệt lãi suất cho thị trường trong những tháng tới”- ông Nghĩa đề xuất.

Khánh Huyền
tiền phong



Xem bài viết: Ngân hàng vẫn mặc cả lãi suất