Tín dụng phi sản xuất giảm về 16.92%

(Vietstock) – Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến 10/06, dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất cả nước giảm 9.46%, chiếm tỷ trọng 16.92% tổng dư nợ.
Tổng phương tiện thanh toán tăng 2.33% so với cuối năm 2010. Về huy động vốn tăng 2.37%, trong đó huy động bằng VND tăng 1.15%, huy động vốn bằng ngoại tệ tăng 8.89%.
Đối với dư nợ tín dụng, tính đến ngày 10/06 tín dụng đối với nền kinh tế tăng 7.05%, trong đó tín dụng VND tăng 2.72% nhưng tín dụng bằng ngoại tệ lại tăng đến 22.21%. Bên cạnh đó, tín dụng ngắn hạn tăng 6.17%; tín dụng trung và dài hạn tăng 7.66%.
Trong các lĩnh vực sản xuất, dư nợ tăng 10.97%, chiếm tỷ trọng 83% tổng dư nợ, trong đó tín dụng nông nghiệp nông thôn tăng 24.96% và tín dụng xuất khẩu tăng 25,77%.
Tuy nhiên, dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất lại giảm 9.46% chiếm tỷ trọng 16,92% tổng dư nợ. Như vậy, dư nợ phi sản xuất đang diễn ra đúng lộ trình do NHNN đưa ra đến cuối tháng 6 giảm dư nợ xuống còn 22%.
Về lãi suất, NHNN cho biết hiện lãi suất cho vay VND bình quân thực tế khoảng 18.74%/năm, tăng 3.4%/năm so với cuối năm 2010, trong đó, lãi suất cho vay nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu khoảng 17-19%/năm, lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất - kinh doanh khác khoảng 19,2%/năm, lãi suất cho vay lĩnh vực phi sản xuất khoảng 22-25%/năm.
Lãi suất USD tương đối ổn định, trong đó, lãi suất huy động USD ở mức sát trần quy định, lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 6.4%/năm, tương đương mức lãi suất cuối năm 2010.
Lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng từ giữa tháng 5 đến nay có xu hướng giảm so với thời gian trước, hiện nay lãi suất cho vay qua đêm ở mức 13%/năm, lãi suất cho vay 1 tuần ở mức 15%/năm, lãi suất cho vay 2 tuần - 1 tháng ở mức 18%/năm.
Thị trường ngoại hối chuyển biến tích cực, trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng thương mại được cải thiện, tâm lý thị trường ổn định, thị trường ngoại tệ tự do được kiểm soát chặt chẽ. Lượng ngoại tệ các ngân hàng thương mại mua được lớn hơn nhiều so với lượng ngoại tệ bán ra. Nhờ đó, tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng có xu hướng giảm và tỷ giá mua - bán của ngân hàng thương mại có nhiều thời điểm thấp hơn tỷ giá bình quân liên ngân hàng.
Thị trường vàng trong nước được kiểm soát chặt chẽ, nhiều thời điểm giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới do việc nắm giữ vàng đã giảm sức hấp dẫn, nhu cầu vàng trong nước ở mức thấp.
Hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục phát triển ổn định, khả năng thanh toán được đảm bảo, thanh khoản VND từng bước được cải thiện. Tính đến ngày 30/4/2011, vốn chủ sở hữu của các tổ chức tăng 13,34% so với cuối năm 2010.
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Trong tổng doanh số thanh toán qua ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 86%, thanh toán bằng điện tử chiếm trên 74%. Thẻ ngân hàng tiếp tục tăng trưởng nhanh. Tính đến nay, số lượng thẻ phát hành đã đạt trên 34 triệu thẻ với 51 tổ chức phát hành và hơn 240 thương hiệu thẻ; toàn hệ thống có gần 12,000 ATM và gần 58,000 thiết bị chấp nhận thẻ (POS).
Viết Vinh (Theo SBV)



Xem bài viết: Tín dụng phi sản xuất giảm về 16.92%