Siết cho vay tín dụng phi sản xuất trước giờ G: Các ngân hàng “chạy nước rút”

Chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về siết chặt cho vay các lĩnh vực tín dụng phi sản xuất chỉ còn một tuần nữa sẽ có hiệu lực (30-6). Nhiều ngân hàng thời gian qua đã dốc hết tổng lực rà soát lại từng khoản nợ, từng khách hàng để nhanh chóng thu hồi nợ phi sản xuất cũ, thậm chí điều chỉnh cả chiến lược của mình cho phù hợp với chủ trương mới.
Song cũng còn không ít ngân hàng đang gặp khó trong việc giảm tỉ lệ phi sản xuất xuống dưới 22% khi thời hạn đang đến quá gần.
Gấp rút "về đích”
Ngân hàng Hàng hải là NHTM luôn có tỷ lệ tín dụng phi sản xuất trong khoảng 15 -16%. Bởi vậy trước chỉ thị về siết cho vay tín dụng trong lĩnh vực này dưới 22%, Hàng hải không gặp phải tình thế "chạy đua nước rút” như nhiều NHTM khác. Giám đốc Ngân hàng Hàng hải chi nhánh Hà Nội – ông Hoàng Trung Dũng cho biết: Các dự án cho vay thuộc lĩnh vực phi tín dụng lâu nay ngân hàng không bao giờ để vượt quá con số 20%. Với việc luôn kiểm soát chặt chẽ danh mục khách hàng cũng như nhu cầu vay nguồn vốn thuộc lĩnh vực bất động sản, tiêu dùng, chứng khoán... nên lượng khách vay không quá ồ ạt mà luôn ở mức đều đặn. Dù luôn ở mức dưới 20% nhưng ngân hàng vẫn tiếp tục những giải pháp đã và đang thực hiện để giữ mức tỷ lệ cho vay trong khoảng 10 – 16%, như hạn chế cho vay những khách hàng có mức vay quá cao và khó có khả năng trả nợ.
Ngân hàng Quân đội (MB) cũng là ngân hàng đã cán đích trước thời hạn. Đại diện ngân hàng này cho biết, không hoàn toàn đóng cửa với các khoản cho vay bất động sản, chứng khoán hay tiêu dùng nhưng quy trình xét duyệt đã siết chặt hơn. Đơn cử như những khoản cho vay bất động sản có số vốn hơn 1 tỷ đồng, ngân hàng không phân cấp cho các chi nhánh ở các địa phương thực hiện như trước nữa mà đưa về hội sở giải quyết.
Ngân hàng An Bình (ABbank) đến thời điểm này đã sắp cán đích. Đại diện ABbank khẳng định, chắc chắn đến thời điểm 30-6, ngân hàng này sẽ đạt con số tỷ lệ tín dụng phi sản xuất dưới 22%. Bởi ngay từ khi có chỉ thị của NHNN, ABbank đã thực hiện các biện pháp nhằm siết chặt hơn các đối tượng khách hàng vay vốn thuộc các lĩnh vực bất động sản, tiêu dùng, chứng khoán. Đồng thời, yêu cầu những khách hàng có khả năng trả nợ cần trả nợ sớm hơn. Đối với những hợp đồng mà khách hàng gặp khó khăn chưa thể trả nợ ngay, ABbank thực hiện giảm lãi suất hoặc giảm những chi phí giao dịch để doanh nghiệp bớt nặng gánh.
Với lĩnh vực bất động sản, những dự án đã cam kết thì sẽ đàm phán lại với khách hàng để có thời gian giãn giải ngân, hoặc có những chính sách phù hợp. Còn đối với những dự án giải ngân vốn lớn hoặc những dự án có thể kéo dài sẽ đàm phán dừng lại.
Thống đốc NHNN: "Không khoan nhượng!”
Tổng giám đốc của một NHTM có quy mô nhỏ tại Hà Nội cho biết, hiện nay không chỉ ngân hàng của ông mà phần lớn các ngân hàng đều dừng hẳn việc cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản và tiêu dùng. Việc này khiến các công ty chứng khoán buộc phải bán giải chấp thu hồi các khoản nợ để trả cho ngân hàng, gây thêm áp lực cho thị trường chứng khoán trong bối cảnh thị trường suy giảm. Thị trường bất động sản trở nên ảm đạm... Và đến thời điểm này còn khá nhiều ngân hàng vẫn còn tỷ lệ cho vay tín dụng phi sản xuất tới trên 30%. Con số mà NHNN đưa ra cho thấy, đến thời điểm 30-5, vẫn còn 18 ngân hàng có tỷ lệ cho vay tín dụng phi sản xuất trên 22%, và 9 ngân hàng có tỷ lệ này trên 30%. Như vậy, với thời hạn 7 ngày, thật khó cho các ngân hàng để có thể cán đích. Dù vậy, tại cuộc gặp mặt báo chí nhân ngày 21-6 vừa qua, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu vẫn khẳng định, sẽ kiên quyết hạ dư nợ tín dụng thuộc lĩnh vực phi sản xuất dù phải dùng các biện pháp chế tài mạnh là tăng dự trữ bắt buộc với các ngân hàng chưa kịp về đích, không khoan nhượng đối với bất kỳ trường hợp nào.
Dù biết là quá khắt khe đối với một số ngân hàng song nhiều chuyên gia đồng tình với chính sách này khi nền kinh tế đang thời điểm thiếu vốn cho sản xuất. TS Võ Trí Thành cho rằng: "Chúng ta phải có thông điệp rõ ràng đối với các ngân hàng, là từ thời điểm 30-6, ngân hàng nào chưa "tới đích” sẽ phải chịu một sự giám sát chặt chẽ hơn. Đồng thời chủ trương này cũng nhằm gửi tới các NHTM một thông điệp rằng, quá trình cơ cấu lại ngân hàng tất yếu sẽ diễn ra”.
Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến cho rằng, mức cho vay tín dụng phi sản xuất 22% vào thời điểm 30-6 và 16% (31-12) có thể là hợp lý đối với nhà làm chính sách nhưng sẽ là quá "rắn” đối với các NHTM, doanh nghiệp và người tiêu dùng, đặc biệt đối với việc siết cho vay trong tiêu dùng. Một chuyên gia kinh tế cho hay, trong thời điểm nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, nếu hạn chế cho vay tiêu dùng chẳng khác nào kìm hãm sự tăng trưởng, trong khi ở Mỹ, tín dụng tiêu dùng lại là lĩnh vực ưu tiên đẩy mạnh tăng trưởng.
Phương Thảo
ĐẠI ĐOÀN KẾT



Xem bài viết: Siết cho vay tín dụng phi sản xuất trước giờ G: Các ngân hàng “chạy nước rút”