Đầu tư công đe dọa lạm phát
Nếu thực hiện nghiêm Nghị quyết 11 thì có thể giữ lạm phát trong vòng 15-16%. Nhưng nếu sơ hở, nhất là trong cắt giảm đầu tư công, lạm phát có thể lên đến 20%.
Phải chờ đến tháng cuối tháng 6, khi kết quả thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ rõ nét hơn, mới có thể dự báo chính xác về lạm phát. Cách đây khoảng một tháng, các nhà quản lý cũng như nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính đã nhận xét như vậy. Lúc này đã bước sang nửa cuối tháng 6, song các dự báo vẫn khá dè dặt và giờ đây trọng tâm lại dồn vào cắt giảm đầu tư công.

Đầu tư công trở thành tâm điểm kiềm chế lạm phát
Bản chất của lạm phát là sự vênh nhau giữa tiền và hàng, trong đó tiền nhiều hơn hàng. Do đó, cắt giảm cung tiền thông qua siết chặt tín dụng hay chi tiêu công là một biện pháp giúp giảm cung tiền, kiểm soát lạm phát.
Sau hơn 4 tháng triển khai Nghị quyết 11, chính sách tiền tệ đã có chuyển biến tích cực. Cái được lớn nhất là bước đầu kiểm soát được thị trường ngoại tệ, tỉ giá giữa thị trường chính thức và phi chính thức tạm cân bằng. Hệ thống ngân hàng đã an toàn hơn trong khi lãi suất có dấu hiệu hợp lý hơn. Dự trữ ngoại tệ cũng được cải thiện, với việc tăng hơn 1,2 tỉ USD, theo con số được công bố ở phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5.2011.
Tuy nhiên, các chuyên gia lại có cái nhìn khắt khe hơn về cắt giảm đầu tư công, khi cho rằng chưa thực sự hiệu quả. Chính vì vậy mà các dự báo cũng dè dặt hơn. Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, cho rằng lạm phát tháng 6 sẽ giảm hơn tháng 5 và còn giảm tiếp. Nhưng quý 4, do tăng cường sản xuất cuối năm và Tết Nguyên đán nên áp lực lạm phát sẽ lớn hơn.
“Nếu thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11, mức lạm phát 15-16% là có thể đạt được. Nhưng nếu sơ hở trong thực hiện các biện pháp vĩ mô thì lạm phát sẽ tăng lên”, ông Kiêm nói.
Lo ngại của ông Kiêm chính là vấn đề cắt giảm đầu tư công. Tính đến cuối tháng 5.2011, số vốn đầu tư công cắt giảm là 45.000 tỉ đồng. Nhưng vấn đề là phải làm rõ bao nhiêu vốn là của dự án đang triển khai, bao nhiêu của dự án chưa triển khai mới đánh giá được sát hơn về hiệu quả của cắt giảm đầu tư công.
Ở vị trí là cơ quan giám sát, ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội cũng bày tỏ quan ngại về lượng vốn đầu tư công cắt giảm còn xa thực tế, vì phần cắt giảm vẫn nằm trong các dự án chưa triển khai. Do vậy, mặc dù dự báo lạm phát năm nay khoảng 15%, nhưng ông Hùng cũng kèm theo một chữ “nếu”: mục tiêu lạm phát chỉ thành công nếu việc thực hiện Nghị quyết 11 cũng như cắt giảm đầu tư công hiệu quả.
Ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cũng dự báo mức 15%, nhưng kèm cảnh báo nếu đầu tư công không siết chặt hiệu quả thì sẽ khó đạt. Thêm vào đó, ông Du lưu ý cần thận trọng trong việc nới lỏng tín dụng cho một số lĩnh vực mà nhiều chuyên gia kinh tế đang đề xuất có thể khiến lạm phát tăng cao hơn, bởi dù sao, tỉ lệ dư nợ tín dụng/GDP ở nước ta cũng đã quá lớn: 120%.
“Nếu đầu quý III mà nới lỏng tiền tệ thì lạm phát sẽ quay trở lại ngay, có thể tăng đến 20%”, ông Du dự báo.
Với dư địa lạm phát cho 7 tháng cuối năm chỉ là gần 3 điểm phần trăm, thì việc đưa ra các dự báo dè dặt và những cảnh báo như trên cũng là dễ hiểu.
Bài toán cần tính lại
Rõ ràng, phần lớn là quả bóng lạm phát đang ở trong chân của chi tiêu ngân sách. Ông Hùng, Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội, lo ngại, nếu để cho các tỉnh tự cắt giảm đầu tư công thì đây là bài toán cần tính lại. Khi đã rót tiền cho các địa phương và họ đã duyệt dự án thì rất khó có thể cắt giảm. “Liệu có nên cắt giảm đầu tư công theo một tỉ lệ nhất định không cũng là vấn đề cần xem xét”, ông Hùng băn khoăn.
Đề xuất này là có cơ sở nếu nhìn vào chính sách tín dụng hiện nay. Ngân hàng nhà nước vẫn kiên quyết áp dụng mức trần tăng trưởng tín dụng 20%, rồi trần cho vay phi sản xuất đến cuối tháng 6.2011 là 22% tổng dư nợ, đến cuối năm còn 16%. Nhưng các con số gần đây cho thấy nhiều ngân hàng khó đạt được yêu cầu trên. Thế nhưng, thông điệp của Thống đốc Nguyễn Văn Giàu rất rõ ràng, kiên quyết, đó là không gia hạn cho bất kỳ ngân hàng thương mại nào.
Cũng chung cách phân tích từ chính sách tín dụng, ông Du, Chương trình Fulbright, gợi ý rằng nên buộc các đơn vị sử dụng vốn Nhà nước phải cắt giảm đồng đều theo một tỉ lệ nhất định. Sau đó, sử dụng một phần vốn cắt giảm bù đắp cho những dự án mang tính cấp thiết. Như vậy sẽ triệt để và toàn diện hơn.
Song việc cắt giảm theo một tỉ lệ nhất định lúc này theo ông Kiêm là khó thực hiện, vì đã lấy phương pháp cắt giảm dự án dựa trên tiêu chí hiệu quả của dự án đó. Thế nhưng, “hiệu quả” lại là thước đo không dễ áp dụng, vì các doanh nghiệp nhà nước hay các địa phương sẽ sớm chuẩn bị những lý lẽ về hiệu quả để tiếp tục thực hiện các dự án đã khởi công.
Trong khi đó, để giảm cung tiền ra nền kinh tế thì phải cắt giảm cả những dự án đang thực hiện. Do vậy, ông Kiêm đề xuất, từ nay đến cuối năm cần giám sát và kiểm tra thường xuyên để buộc các địa phương và doanh nghiệp tuân thủ việc cắt giảm đầu tư.
Ông Hùng, Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội, đề xuất nên giảm tỉ lệ bội chi ngân sách thêm nữa, xuống mức dưới 4% (mức mà Nghị quyết 11 đưa ra là không quá 5%). Theo ông, với GDP khoảng 110 tỉ USD trong năm nay, phương án này có thể giúp giảm thêm được khoảng 23.000 tỉ đồng.
Đề xuất này theo ông Kiêm là có thể thực hiện được bởi 2 lẽ. Thứ nhất, nguồn thu ngân sách năm nay tốt (5 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 227.200 tỉ đồng, bằng 44,6% dự toán năm). Thứ 2, Chính phủ đang thực hiện cắt giảm mạnh chi tiêu hành chính và đầu tư công. Kết hợp cả hai yếu tố lại, bội chi ngân sách sẽ giảm.
Bên cạnh đó, cũng có chuyên gia kinh tế cho rằng, nên đưa vốn trái phiếu Chính phủ vào bảng cân đối ngân sách nhà nước. Đồng thời, cần kiểm soát chặt vốn trái phiếu địa phương và trái phiếu doanh nghiệp. Bởi nếu chỉ cắt giảm vốn đầu tư từ ngân sách, mà không đồng thời siết chặt vốn trái phiếu thì chỉ là siết chỗ này, phình chỗ khác, cung tiền vẫn lớn và hiệu quả chống lạm phát không cao.
Vũ Dũng
nhịp cầu đầu tư



Xem bài viết: Đầu tư công đe dọa lạm phát