Cơ hội nào ở quý III?
Nếu trong quý III các yếu tố vĩ mô được cải thiện thì sẽ có thêm các dòng tiền mới xuất hiện.
Trong 2 tuần đầu tháng 6 (1-15.6.2011), thị trường xuất hiện nhiều tín hiệu tốt khiến cho tâm lý nhà đầu tư được cải thiện đáng kể. Theo đó, khối lượng giao dịch trong 11 phiên này đạt trung bình gần 98 triệu đơn vị, với giá trị xấp xỉ 1.300 tỉ đồng (trên cả 2 sàn). Khối lượng này gấp đôi so với những tháng đầu năm và gấp rưỡi về giá trị giao dịch. Đỉnh điểm là phiên ngày 14.6 khi thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 2.000 tỉ đồng và gần 145 triệu đơn vị. Điều đáng nói, đây là phiên thị trường giảm điểm nhưng hầu hết nhà đầu tư đều quyết tâm mua vào. Điều đó cho thấy tâm lý chấp nhận rủi ro ngày càng chiếm ưu thế và nhà đầu tư đã mạnh dạn rót tiền vào chứng khoán.
Góp phần vào chuyển động bất ngờ của thị trường trong tuần qua là những dự báo khả quan về điều kiện thị trường kể từ quý III. Chẳng hạn, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán sẽ có hiệu lực từ ngày 1.7 tới. Luật này bổ sung một số loại chứng khoán vào diện phải chịu sự điều chỉnh như hợp đồng góp vốn đầu tư, chứng chỉ lưu ký toàn cầu, quỹ đầu tư bất động sản. Thời gian hạn chế chuyển nhượng với chứng khoán được chào bán ra công chúng là 1 năm sau ngày phát hành... Tất cả đều nhằm gia tăng tính thanh khoản cho thị trường chứng khoán.
Cùng với các quy định này, Thông tư 74/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính (có hiệu lực từ ngày 1.8) cũng tạo bước chuyển lớn về tâm lý cho những nhà đầu tư thích lướt sóng khi cho phép mở nhiều tài khoản, mua bán cùng phiên và giao dịch ký quỹ.
Những dấu hiệu trên cho thấy dường như một cơ hội lớn đang mở ra trong quý III. Tuy nhiên, xem xét cơ hội trên thị trường chứng khoán không thể tách rời khỏi các yếu tố ổn định vĩ mô. Có thể thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5.2011 đã chững lại, dư nợ tín dụng vẫn được kiểm soát chặt theo Chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, lãi suất ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu giảm, lạm phát được dự báo có thể đạt đỉnh 20% vào giữa quý III.
Để có được cái nhìn thấu đáo hơn về cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán vào quý III/2011, NCĐT đã trao đổi với ông Phan Dũng Khánh, Trưởng Phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Kim Eng Việt Nam (KEVS).

Thị trường vừa có những phiên đột biến về khối lượng và giá trị giao dịch. Ông đánh giá thế nào về diễn biến này?
Khối lượng đột biến trong khoảng 2 tuần đầu tháng 6.2011 tập trung chủ yếu vào nhóm cổ phiếu đang được giao dịch dưới mệnh giá. Kết thúc tháng 5, lượng cổ phiếu dưới mệnh giá chiếm 35% sàn HoSE và gần 50% sàn HNX. Trong đợt tăng vừa rồi, nhóm này có đến 70% tăng giá mạnh hơn chỉ số VN-Index (tại HoSE) và gần 55% tăng mạnh hơn HNX-Index (tại HNX). Điều này cho thấy dòng tiền đổ vào nhóm cổ phiếu này rất mạnh.
Nguyên nhân làm cho lực cầu bất ngờ xuất hiện mạnh ở nhóm cổ phiếu “rẻ hơn rau” này chính là sự kỳ vọng về lợi nhuận lớn của các nhà đầu tư. Muốn giá vàng (đang dao động dưới mức 38 triệu đồng/lượng) hoặc cổ phiếu VIC của Công ty Vincom (có giá hơn 100.000 đồng/cổ phiếu) tăng gấp đôi là không dễ dàng. Do giá vàng có thể nói là đã đạt đỉnh trong khi VIC thì đã tăng giá quá cao, nên cơ hội tăng giá mạnh rất khó xảy ra. Trong khi đó, cơ hội để một cổ phiếu có giá từ 5.000 đồng tăng lên 10.000 đồng dễ dàng hơn rất nhiều. Điều này kích thích lòng tham của một bộ phận nhà đầu tư, khiến họ mạnh dạn bắt đáy thị trường.
Tuy nhiên, tôi lưu ý các mã chứng khoán trên đã trải qua một giai đoạn giảm giá dài hạn để có được mức giá bằng một que kem lúc này. Điều này có nghĩa là còn rất nhiều nhà đầu tư khác đang bị thua lỗ rất nặng ở những vùng giá cao và lượng hàng này luôn sẵn sàng đổ vào thị trường. Bằng chứng là những mã chứng khoán này càng lên cao thì khối lượng giao dịch càng tăng vọt.
Có phải thị trường đang trong xu hướng tăng?
Đây là xu hướng tăng ngắn hạn. Bởi vì dòng tiền vào thị trường giai đoạn này tuy mạnh nhưng theo quan sát của tôi, đó chủ yếu là dòng tiền “du kích” đánh nhanh rút gọn. Để xu thế này tăng một cách ổn định, cần có sự hỗ trợ của các yếu tố kinh tế vĩ mô. Nghĩa là các yếu tố vĩ mô được cải thiện, các chính sách phát huy hiệu quả thì khi đó sẽ có thêm các dòng tiền mới xuất hiện. Nhà đầu tư cũng chưa nên dùng đòn bẩy tài chính lúc này, vì xu hướng tăng chưa bền vững.
Vậy nhà đầu tư có quyền hy vọng vào mức lợi nhuận khả quan hơn trong quý III này?
Kỳ vọng lớn nhất của tôi là lạm phát, lãi suất sẽ tạo đỉnh trong quý III và các cơ quan quản lý sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ thị trường chứng khoán như Thông tư 74 vừa qua. Đây là các yếu tố giúp dòng tiền quay trở lại, đồng thời gia tăng mức độ tham gia thị trường của các dòng tiền mới.
Theo tôi, trong những lúc thị trường xấu nhất vẫn có thể kiếm được lợi nhuận vì thị trường luôn có sóng chứ không đứng yên. Nhà đầu tư chỉ không thể có lợi nhuận khi thị trường hầu như không biến động. Tuy nhiên, yếu tố quyết định thành công nằm ở cách thức lựa chọn cổ phiếu đầu tư và quản lý tiền hợp lý.
Tôi không quan tâm quá nhiều đến nhóm ngành xếp theo tiêu chí sản xuất mà chọn nhóm ngành theo mức vốn hóa và giá trên thị trường. Theo tôi, dòng tiền trong quý III tới vẫn sẽ đổ vào nhóm cổ phiếu nhỏ và nhóm có thị giá thấp nhưng có thông tin cơ bản tốt. Bên cạnh đó, xu hướng dòng tiền dài hạn sẽ chuyển hướng dần qua nhóm cổ phiếu blue-chip chưa tăng mạnh (nghĩa là loại trừ những mã blue-chip đã tăng quá mạnh trong thời gian qua như VIC, VPL, VNM, MSN, BVH).
Theo ông, VN-Index đến cuối quý III và cuối năm 2011 sẽ vào khoảng bao nhiêu?
Đây là một câu hỏi khó vì thị trường luôn biến động. Từng có một chuyên gia nói rằng dự báo VN-Index giống như đánh bài và người dự báo sẽ trở thành thầy bói lúc nào không biết. Thị trường vốn vận động linh hoạt, cơ chế của nó như là nước nên người dự báo cũng phải linh hoạt theo nó chứ không thể áp đặt nước bằng cách cho vào tủ lạnh làm đông đá được. Theo phương pháp này, từ quý III, nhiều khả năng thị trường sẽ tạo đáy và đi lên chậm nhưng bền vững hơn. Và sẽ không có những đợt trồi sụt mạnh như vừa qua.
Ngọc Dương
nhịp cầu đầu tư



Xem bài viết: Cơ hội nào ở quý III?