CPI tiếp tục giảm tốc trong 6 tháng cuối năm 2011?
(Vietstock) - Có thể thấy xu hướng lạm phát giảm tốc đã được thể hiện khá rõ. Đáng lưu ý là CPI trong những tháng vừa qua diễn biến gần giống với năm 2008. Câu hỏi đặt ra là xu hướng giảm tốc này sẽ tiếp tục trong 6 tháng cuối năm 2011 hay không?

CPI tháng 6: Hà Nội cao hơn TPHCM do nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống
Theo công bố của cơ quan thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tại Hà Nội tăng 1.21% và tại TPHCM tăng 0.69% so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng ở các tỉnh thành khác cũng có sự giảm tốc mạnh, khẳng định thêm xu hướng dịu lại của CPI cả nước trong những tháng cuối năm.
Sự khác biệt lớn ở chỉ số giá tiêu dùng của Hà Nội và TPHCM là do sự biến động khác nhau về giá cả ở nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Chỉ số giá của nhóm này tại TPHCM chỉ tăng 0.79%, còn tại Hà Nội tăng trên 2%.
Một điểm đáng chú ý nữa là giá cả của nhóm mặt hàng xăng dầu, điện, gas, lương thực… đã thiết lập mặt bằng tương đối ổn định trong cả nước.
Với mức tăng CPI thấp ở hầu hết các tỉnh thành thì CPI tháng 6 của cả nước có thể chỉ tăng không quá 1%, đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 9 tháng qua. Tuy vậy, dù chỉ với mức tăng 1% thì CPI tháng 6 cả nước cũng sẽ tăng 13.19% so với đầu năm và tăng đến 20.72% so với cùng kỳ năm trước.

Xu hướng giảm tốc tiếp tục trong 6 tháng cuối năm 2011?
Có thể thấy xu hướng lạm phát giảm tốc đã được thể hiện khá rõ. Đáng lưu ý là CPI trong những tháng vừa qua diễn biến gần giống với năm 2008. Câu hỏi đặt ra là xu hướng giảm tốc này sẽ tiếp tục trong 6 tháng cuối năm 2011 hay không?
Hiện tại tăng trưởng kinh tế thế giới đang có dấu hiệu chững lại. Trong các dự báo mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều hạ triển vọng tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới. Vì vậy, sức ép về nhu cầu hàng hóa cũng sẽ không lớn trong những tháng tới.
Giá dầu thô đã sụt giảm mạnh trong thời gian gần đây và hiện đang ở mức 92 USD/thùng. Xăng dầu là một trong những mặt hàng thiết yếu và là nguyên liệu cơ bản đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất. Vì vậy, sự sụt giảm này sẽ góp phần kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng những tháng cuối năm. Ngoài ra, một sự sụt giảm của giá dầu hay thậm chí chỉ cần ổn định, thì các chính sách đối phó với lạm phát của Việt Nam cũng sẽ trở nên “dễ thở” hơn.
Đối với kinh tế trong nước, với chủ trương thắt chặt chính sách tiền tệ, tính đến ngày 10/6, tăng trưởng tín dụng trong năm chỉ đạt 7.05% và tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 2.33%. Đây là mức khá thấp so với những năm trước đó và mục tiêu cả năm (tương ứng là 20% và 16%).
Tác động của cung tiền đối với lạm phát thường có độ trễ từ 4-6 tháng. Với việc tăng trưởng cung tiền đã chậm lại, chúng ta có thể kỳ vọng lạm phát trong những tháng sắp tới tiếp tục có chuyển biến tích cực.
Quan ngại lớn nhất hiện nay có lẽ nằm ở giá cả hàng hóa, vì giá lương thực thế giới vẫn có thể tăng cao do hiện tượng mất mùa đang khá trầm trọng. Trong nước, giá lương thực cũng gia tăng do bị khan hiếm mất mùa; và đặc biệt, hiện nay các loại nông, thủy sản của Việt Nam bị thương lái Trung Quốc gom hàng và đẩy giá lên rất cao.
Hiện nay vẫn còn rất nhiều con số lạm phát dự báo cho cả năm 2011. Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng lạm phát năm 2011 (YoY) của Việt Nam có thể đạt đỉnh vào cuối quý 2, sau đó giảm tốc và chạm mức 15% vào cuối năm. Tuy nhiên, yếu tố tiên quyết là Việt Nam phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và lấy lại được niềm tin của người dân. Chính phủ cũng đưa ra con số CPI mục tiêu cho năm 2011 là 15%.
Để lạm phát cả năm 2011 đạt được mục tiêu 15% thì 6 tháng còn lại CPI không tăng quá 2%. Có thể thấy đây là mục tiêu rất khó thành hiện thực. Hiện tại, dù lạm phát có xu hướng giảm nhưng quán tính vẫn còn rất lớn.
Theo ước tính của chúng tôi, CPI những tháng cuối năm sẽ tăng trong khoảng 0.4-0.7% mỗi tháng. Với những con số này thì lạm phát cả năm 2011 sẽ dao động quanh mức từ 16-18%.
Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu Vietstock



Xem bài viết: CPI tiếp tục giảm tốc trong 6 tháng cuối năm 2011?