Bài viết của anh Nguyễn Quốc Hùng, tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại đại học British Columbia, Canada. Anh Hùng đã từng làm việc tại Hong Kong Monetary Authority (ngân hàng trung ương HK) và hiện đang hiện đang là chuyên gia kinh tế tại Viện Kinh tế Các Nước Đang phát triển, Nhật bản. Lĩnh vực chuyên môn của anh Nguyễn Quốc Hùng là kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ. Anh đã có nhiều bài báo và nghiên cứu về chính sách tiền tệ của VN và là đồng tác giả Báo cáo Kinh tế Thường niên Việt nam năm 2011.

Tại sao Ngân hàng Nhà nước do dự mua Đô la Mỹ?

Ngân hàng Nhà nước lo ngại mua Đô la Mỹ sẽ làm tăng cung tiền đồng vì hiện đang thiếu các công cụ trung hòa thích hợp. Một giải pháp khả thi là NHNN có thể chủ động phát hành tín phiếu/trái phiếu của NHTW để trung hòa lượng tiền bơm ra như NHTW các nước Trung Quốc, Thái Lan, và Indonesia đang làm.

Sau các chính sách không khuyến khích người dân sở hữu Đô la Mỹ (USD) như trần lãi suất tiền gửi ở mức 3% (1% đối với các tổ chức) và hạn chế tính thanh khoản của USD trên thị trường tự do bằng các biện pháp hành chính, hiện nay cung USD đã tăng và tỷ giá USD/VND đã giảm từ mức gần 21,000 xuống quanh mức 20,500. Câu hỏi thị trường đặt ra là tại sao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa tích cực mua lại USD tăng khoản dự trữ ngoại hối hiện đang ở mức thấp (ước tính khoảng 13 tỷ USD)?
Lượng dự trữ khoảng 13 tỷ USD của Việt Nam hiện nay chỉ tương đương với khoảng 2 tháng nhập khẩu và là mức tương đối thấp ở khu vực. Đặc biệt trong tình hình kinh tế thế giới vẫn nhiều biến động và rủi ro như hiện nay, các nước phát triển đều tích cực tăng dự trữ ngoại hối để tự bảo vệ trước những cú sốc bất lường và thường có mức dự trữ tối thiểu tương đương với khoảng 6 tháng kim nghạch nhập khẩu hoặc 20% của tổng lượng cung tiền M2.

Ngoài ra để lượng USD dư thừa trong nền kinh tế (cả trong hệ thống ngân hàng và người dân) cộng với VNĐ lên giá tương đối và lạm phát cao sẽ có thể đẩy USD chảy ngược ra nước ngoài và khuyến khích nhập khẩu, đặc biệt là các loại mặt hàng hóa lâu bền (durables) và xa xỉ như ô tô. Đây là hành động đầu cơ hợp lí của doanh nghiệp trong bối cảnh VND lên giá tương đối nhưng lạm phát trong nước cao.


Hình 1. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam (tỷ USD), nguồn IMF


Tuy nhiên cũng có thể hiểu được mối lo ngại của NHNN khi do dự bơm VNĐ ra để mua lại USD nhằm cải thiện dự trữ ngoại hối. Bài học những năm 2006-07 khi dòng vốn ngoại (capital inflows) khoảng 16 tỷ USD (hơn 20% GDP) chảy vào Việt Nam, để giữ cho VND không lên giá giúp xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại, NHNN đã bơm tiền đồng ra mua lại lượng ngoại tệ này. Kết quả là tuy lượng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam tăng từ hơn 10 tỷ USD năm 2006 lên tới hơn khoảng 22 tỷ USD vào năm 2007 (Hình 1) nhưng cung tiền cũng tăng lên hơn 45%/năm, cung tín dụng tăng hơn 50%/năm, kéo theo lạm phát phi mã tới gần 25% vào đầu năm 2008 (ảnh hưởng của cung tiền tới lạm phát có độ trễ nhất định).

Nhiều ý kiến cho rằng NHNN đã không dùng nghiệp vụ trung hòa (sterilization) trong Chính sách Tiền tệ (CSTT) để hút lại lượng tiền đồng được bơm ra. Tuy nhiên, theo tác giả đây chính là mấu chốt của vấn đề và cũng là khó khăn của NHNN hiện nay.

Nghiệp vụ trung hòa được đề cập trong nhiều sách giáo khoa thường được viết cho các nước phát triển Âu, Mỹ, và Nhật, nơi thị trường tài chính đã phát triển lâu dài khiến các công cụ để thực thi CSTT nói chung và nghiệp vụ trung hòa đã khá hoàn chỉnh. Cụ thể hơn, lượng trái phiếu (thường là trái phiếu chính phủ, CPCP) dồi dào và phong phú về thể loại và kỳ hạn đủ đáp ứng các nghiệp vụ của CSTT. Do vậy CSTT trung hòa được thực thi khá dễ dàng, Ngân hàng Trung Ương (NHTW) có thể tung TPCP ra để thu lại lượng tiền tương ứng qua thị trường mở (OMO) và điều chỉnh nhịp nhàng được lãi suất và tổng cung tiền lưu thông trong nền kinh tế.

Một trong những khó khăn chính của NHNN hiện nay khi thực thi CSTT trung hòa là lượng CPCP tại Việt Nam hiện nay quá nhỏ và “vênh” về quy mô và thể loại so với quy mô của lượng tiền đồng. Theo số liệu của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tổng lượng CPCP của Việt Nam chỉ là khoảng 13.6% của GDP, gần thấp nhất ở Đông Á, nhưng lượng tiền đồng M2 lại vào mức cao nhất Đông Á là 130% của GDP. Như vậy, quy mô của TPCP chỉ bằng 1/10 của lượng cung tiền. Hơn nữa, trong thời gian vừa qua NHNN đã thực thi thắt chặt CSTT do vậy đã phải bán ra một phần lượng TPCP sở hữu cho các Ngân hàng thương mại (NHTM) khiến lượng TPCP hiện nay còn trong NHNN khá là hạn chế cho nghiệp vụ trung hòa.

Một số ý kiến khác cho rằng, NHNN có thể mua lại USD rồi dùng biện pháp nâng cao dự trữ bắt buộc để hút lại tiền. Tuy nhiên biện pháp này cũng có hạn chế là quy mô các NHTM tại Việt Nam khá khác nhau. Trong khi nhiều NHTM lớn khá rủng rỉnh về vốn và thanh khoản và sẽ là người có thể mua lại TPCP từ NHNN thì các NHTM nhỏ lại đang khá kẹt về thanh khoản. Khi nâng dự trữ bắt buộc, NHNN sẽ phải đánh đồng áp dụng cùng một tỷ lệ dự trữ cho các NHTM chứ khó có lí do áp dụng riêng biệt cho từng NHTM. Nếu với một tỷ lệ dự trữ bắt buộc đồng nhất, các NHTM nhỏ sẽ càng khó khăn hơn về thanh khoản nhưng các NHTM lớn thì vẫn dửng dưng. Khó khăn về thanh khoản ở các NHTM nhỏ sẽ kéo theo chạy đua lãi suất tiền gửi không cần thiết.

Do vậy, giải pháp mà NHNN có thể tiến hành trong điều kiện thị trường TPCP hiện nay là phát hành tín phiếu/trái phiếu của NHTW để trung hòa lại lượng tiền đồng phát sinh sau khi mua USD. Đây cũng là cách mà các nước xung quanh như Trung Quốc, Thái Lan, và Indonesia đã tích cực tiến hành khi thị trường TPCP của họ chưa hoàn thiện. Thí dụ như trái phiếu của NHTW Trung Quốc bằng ½ tổng TPCP tại Trung Quố, còn tại Thái Lan, tới hơn 90% trái phiếu là do NHTW Thái phát hành (Hình 2). Lí do loại trái phiếu của NHTW được phổ biến trong bối cảnh TPCP chưa phát triển là vì ở vị trí người cầm lái của thị trường tài chính và trực tiếp thực thi CSTT, NHTW sẽ có nhiều thông tin cập nhật hơn về nhu cầu cũng như diễn biến của thị trường tài chính, do vậy sẽ chủ động phát hành các loại tín phiếu/trái phiếu phù hợp hơn giúp CSTT thực thi hiệu quả hơn.

Điểm quan trọng khi thực thi nghiệp vụ trung hòa là chi phí của nó(sterilization costs). Nôm na, NHNN sẽ phải trả lãi suất cao hấp dẫn để các NHTM đồng ý nắm trái phiếu của NHTW [1] trong khi sở hữu USD có lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên, theo tác giả chi phí này cũng không đáng kể vì hiện nay do lạm phát cao, lãi suất thực (lãi suất danh nghĩa trừ đi lạm phát) mà NHNN phải trả cho các NHTM là không lớn. Hơn nữa, trong trung và trường kì, USD có xu hướng lên giá so với VND do vậy giá trị tài sản dưới USD của NHNN sẽ tăng giá trong bảng cân đối tài chính (Balance Sheet) của NHNN do vậy chi phí thực của NHNN, nơi có thể phát hành tiền đồng, là không đáng kể.

Tóm lại, NHNN nên tích cực chủ động tận dụng cơ hội hiện nay chủ động phát hành tín phiếu NHTW mua lại USD để tăng dự trữ ngoại hối. Việc này vừa giúp phần hạn chế nhập siêu vừa nâng cao khả năng chống chọi với các cú sốc kinh tế có thể xảy ra đối với một nền kinh tế nhỏ và hội nhập sâu với thế giới như Việt Nam. Hơn nữa, theo như nhiều dự đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể chấp dứt chính sách nới lỏng tiền tệ từ sau tháng 6 năm nay và USD có thể lên giá lại so với tất cả các ngoại tệ khác và lúc đó áp lực tỷ giá sẽ quay lại khiến việc tăng dự trữ phòng chống khủng hoảng và các cú sốc kinh tế sẽ trở lên khó khăn hơn.


Hình 2: Quy mô Trái phiếu của NHTW tại một số nước







Nguồn: Asia Bond Monitor, ADB, tháng 3, 2011.




[1] NHNN dùng biện pháp hành chính ép các NHTM lớn nắm trái phiếu THTW như đã từng làm.



Bài viết được trính từ blog của Tiến sỹ Lê Hồng Giang ngày 15/05/2011 (http://kinhtetaichinh.blogspot.com/)