Cách đây vài tháng tôi có thấy một số đề nghị phát triển thị trường forward ngoại tệ ở VN để giúp các doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Tuy nhiên đến giờ này tôi vẫn chưa thấy có động tĩnh gì từ phía NHNN lẫn các NHTM. Tôi đoán một trong những trở ngại chính là NHNN lo ngại không kiểm soát được thị trường này và nó sẽ bị lợi dụng để đầu cơ ngoại tệ, rất có thể sẽ gây thêm sức ép lên tỷ giá VND.


Tình cờ tôi đọc được một tài liệu về South African Rand (ZAR) và được biết trong giai đoạn 1971-1985 khi nước này chuyển đổi từ cơ chế tỷ giá cố định sang tỷ giá thả nổi, ngân hàng trung ương South Africa (RBSA) đã đưa ra một công cụ forward đặc biệt dành cho các doanh nghiệp có nhu cầu mua bán ngoại tệ trong tương lai. Vì thời điểm đó SA chưa có thị trường forward, RBSA đứng ra cung cấp forward cho các doanh nghiệp với một chi phí cố định, vừa để các doanh nghiệp làm quen với công cụ tài chính này vừa giúp các ngân hàng phát triển thị trường. RBSA chỉ cung cấp forward cho đồng USD, còn forward cho các đồng tiền khác thì các ngân hàng thương mại phát hành và định giá dựa vào forward USD của RBSA.

Thời gian đầu đối tượng được mua bán và thời hạn forward của RBSA rất hạn hẹp, nhưng khi thị trường dần dần phát triển thì RBSA nới dần các hạn chế. Từ năm 1985, sau khi các ngân hàng thương mại của SA đã đủ khả năng cung cấp dịch vụ forward cho các khách hàng thương mại, RBSA dần dần rút ra khỏi thị trường này và sau năm 1995 chỉ còn giao dịch forward với các FX dealer lớn.


Chắc chắn hoàn cảnh của SA thời đó khác rất nhiều so với VN hiện tại, tuy nhiên kinh nghiệp của RBSA có thể có ích cho NHNN nếu muốn phát triển thị trường FX forward ở VN. Chí ít nếu kết hợp giữa kết hối và forward thì các doanh nghiệp sẽ không bị thiệt nếu trong tương lai họ cần mua lại ngoại tệ cho nhu cầu kinh doanh chính đáng. Bản thân doanh nghiệp có ngoại tệ khi đã bảo hiểm được rủi ro tỷ giá cũng sẽ dễ chấp nhận bán ngoại tệ ra thay vì găm giữ. RBSA đã giải được bài toán con và quả trứng, liệu NHNN có làm được?

Theo blog của Tiến sỹ Lê Hồng Giang ngày 08/06/2011 (http://kinhtetaichinh.blogspot.com/)