Threaded View
-
17-06-2011 10:45 PM #1
Platinum Member- Ngày tham gia
- Jun 2011
- Bài viết
- 59,568
- Được cám ơn 1,465 lần trong 1,303 bài gởi
Ts. Võ Trí Thành: Chưa thể nới lỏng chính sách
Ts. Võ Trí Thành: Chưa thể nới lỏng chính sách
Đến nay, đã có thể thấy rõ một số kết quả ban đầu hết sức tích cực sau gần 4 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ. Tuy nhiên, nhìn trên tổng thể, những bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn lớn, đặc biệt là lạm phát tính theo năm vẫn chưa giảm và thị trường BĐS đứng trước rủi ro "bong bóng vỡ".
Tình hình này đòi hỏi các cơ quan hoạch định chính sách càng phải quyết tâm cao trong việc thực hiện các giải pháp đã nêu ra trong Nghị quyết 11; đồng thời thể hiện bản lĩnh vững vàng trước sức ép nới lỏng chính sách đến từ nhiều phía...
Rủi ro còn lớn
Thị trường vàng và ngoại tệ tương đối ổn định, không còn những cơn sốt nóng; áp lực ngoại hối giảm, biểu hiện ở độ chênh tỷ giá VND/USD giữa thị trường chợ đen và thị trường chính thức (các NHTM) gần như không còn khoảng cách. Đặc biệt, trong hơn 1 tháng qua, NHNN đã tăng được dự trữ ngoại hối thông qua việc mua vào hơn 1 tỷ USD. Đồng thời, thái độ ứng xử của người dân đối với VND từng bước được cải thiện thông qua xu hướng chuyển dịch việc nắm giữ USD sang VND biểu hiện ngày càng rõ nét... Đó là những kết quả hết sức tích cực sau gần 4 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Tuy nhiên, nhìn trên tổng thể, rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn lớn, thâm hụt ngân sách, nợ công, lạm phát vẫn cao và có thể còn tiếp tục gia tăng. Đặc biệt là tình trạng nhập siêu có khả năng trở nên xấu hơn và thị trường BĐS đứng trước rủi ro "bong bóng vỡ". Bối cảnh khó khăn đó tiếp tục đặt ra những khó khăn, cả cũ và mới, đối với doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng. Đó là rủi ro về thanh khoản, về nợ xấu. Và những khó khăn ấy có thể còn tiếp tục gia tăng trong một vài tháng tới trước khi dịu bớt. Tình hình này đòi hỏi các cơ quan hoạch định chính sách càng phải quyết tâm cao trong việc thực hiện các giải pháp đã nêu ra trong Nghị quyết 11; đồng thời thể hiện bản lĩnh vững vàng trước sức ép nới lỏng chính sách đến từ nhiều phía…
Một tín hiệu đáng mừng là gần đây NHNN tuyên bố sẽ không áp trần lãi suất cho vay. Đây là hành động phù hợp trong bối cảnh lạm phát (tính theo năm) vẫn tiếp tục tăng cao. Và hơn nữa, việc áp trần lãi suất cho vay còn khiến cho thị trường trở nên "méo mó hơn" trong việc phân bổ nguồn lực tài chính vốn đã hạn hẹp trong bối cảnh lạm phát. Tuy nhiên trần lãi suất huy động tiền gửi 14%/năm cũng nên điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thị trường. Bởi tình trạng nhiều NHTM "phá trần" lãi suất là một thực tế khá phổ biến. Có thể là chưa thích hợp để các NHTM tự quyết lãi suất trong điều kiện hiện nay. Nhưng vấn đề quan trọng là các hành động chính sách cần được tập trung vào kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20% và việc đảm bảo các tỷ lệ an toàn của các NHTM.
Trong khi có thể nhận thấy rất rõ những động thái mạnh mẽ và hiệu ứng tích cực của chính sách tiền tệ nhằm thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát thì việc phối hợp thực thi chính sách tài khóa và cắt giảm đầu tư công… thể hiện chưa mạnh như kỳ vọng và còn thiếu minh bạch. Thị trường trông đợi những con số cắt giảm cụ thể ở từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương được công bố một cách thường xuyên, định kỳ...
BĐS có thể "hạ cánh" an toàn
Một vấn đề mới khiến nhiều người quan ngại, đó là rủi ro đổ vỡ của thị trường BĐS. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, sự đổ vỡ của thị trường này, nếu xảy ra, sẽ dẫn tới nguy cơ đổ vỡ của cả hệ thống tài chính, tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực khởi phát từ Thái Lan vào năm 1997. Vậy thực chất của vấn đề ở đây là gì?
Có thể thấy, thị trường BĐS đứng trước rủi ro "bong bóng vỡ" hiện nay là có thực. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, tín dụng BĐS ở Việt Nam không lớn (chiếm tỷ trọng trên dưới 10% tổng tín dụng của hệ thống ngân hàng) và thị trường này có thể "hạ cánh an toàn" nếu như các biện pháp "giảm nhiệt" thị trường không "quá sốc". Nó phụ thuộc rất lớn vào 3 vấn đề: Thứ nhất, rà soát lại thông tin, đánh giá đúng thực trạng cho vay BĐS để nhận biết mức độ rủi ro có thể có của thị trường. Thứ hai, không cấm mà chỉ nên hạn chế cho vay BĐS. Ở đây có thể nói là NHNN đã định hướng đúng khi có lộ trình giảm dần tỷ lệ cho vay BĐS theo lộ trình phù hợp. Thứ ba, thị trường BĐS Việt Nam chủ yếu do một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn chi phối. Số lượng các doanh nghiệp này không nhiều và hoàn toàn có thể kiểm soát được. Chính vì vậy, có thể khẳng định, rủi ro "bong bóng" BĐS là có nhưng thị trường này có thể được "hạ nhiệt" một cách an toàn.
Những lo ngại về sự đổ vỡ của thị trường BĐS dẫn tới nguy cơ đổ vỡ của cả hệ thống tài chính Việt Nam là thiếu cơ sở. Bởi cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực xảy ra vào năm 1997 bắt nguồn từ Thái Lan xuất phát từ 3 nguyên nhân cơ bản sau: Chính sách tỷ giá cứng nhắc trong thời gian quá dài; giám sát thị trường tài chính yếu kém; các ngân hàng huy động vốn nước ngoài ngắn hạn nhưng lại sử dụng để cho vay dài hạn, nhất là cho vay BĐS trong khi thị trường này không tạo ra ngoại tệ, dẫn tới những sai lệch kép, về kỳ hạn và đồng tiền...
Nhìn lại tình hình Việt Nam, những nguyên nhân cơ bản kể trên là không có hoặc nếu có thì không lớn và Chính phủ đang tập trung kiểm soát chặt chẽ thị trường tài chính. Hơn nữa, Việt Nam gần như không có dòng "tiền nóng" của nước ngoài đầu tư vào BĐS... Như vậy, có thể khẳng định rằng, xác suất xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính là rất nhỏ cho dù nguy cơ đổ vỡ thị trường BĐS là có.
Và những quan ngại
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là củng cố niềm tin của thị trường vào những giải pháp điều hành đúng đắn của Chính phủ đã bắt đầu phát huy hiệu quả trên thực tế, đặc biệt là Nghị quyết 11 trên tinh thần nhất quán và kiên trì. Có thể dự báo rằng, tình hình kinh tế trong vài ba tháng tới sẽ rất khó khăn. Nhưng không thể vì thế mà sớm nới lỏng chính sách. Lạm phát tính theo năm có thể lên tới trên 20% trong một vài tháng tới trước khi giảm xuống; tăng trưởng GDP có thể chỉ ở mức 5,3-5,5%; một bộ phận doanh nghiệp có thể bị đình đốn và phá sản. Nhưng đó là cái giá phải trả cho "cuộc chiến" chống lạm phát mà chúng ta phải chấp nhận và có thể chấp nhận được. Tất nhiên, vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực nông nghiệp, nông thôn cần được quan tâm hơn nữa…
Có thể nhận thấy, cho đến nay, mặc dù việc triển khai thực hiện Nghị quyết 11 đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu nhưng thị trường và giới đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có những nghi ngại nhất định. Thứ nhất, đó là sự phối hợp thiếu chặt chẽ của các bộ, ngành trong việc thực hiện mục tiêu chung, đặc biệt là trong bối cảnh có thể diễn ra sự chuyển giao quyền lực thời gian tới. Thứ hai, việc thực hiện các cam kết chính sách thiếu triệt để như đã từng xảy ra, nhất là trong trường hợp tình hình kinh tế vĩ mô bắt đầu chuyển biến tích cực và áp lực "nới lỏng" chính sách từ các nhóm lợi ích tăng lên.
Một sự điều chỉnh chính sách theo hướng "nới lỏng" chỉ nên được xem xét tới khi kinh tế vĩ mô thể hiện rõ xu hướng bình ổn trở lại; ít nhất cũng phải mất thêm một quý nữa. Ổn định vĩ mô là vấn đề quan trọng nhất bây giờ và trong nhiều năm tới. Cái giá phải trả cho những bất ổn vĩ mô trong tương lai sẽ lớn hơn rất nhiều so với cái giá mà chúng ta đang phải trả hiện nay. Những thông điệp được đưa ra gần đây cho thấy, Chính phủ đã ý thức rất rõ điều này. Khoảng cách còn lại là từ nhận thức tới… điều hành thực tiễn.
Lạm phát tính theo năm có thể lên tới trên 20% trong một vài tháng tới trước khi giảm xuống; tăng trưởng GDP có thể chỉ ở mức 5,3 - 5,5%; một bộ phận doanh nghiệp có thể bị đình đốn và phá sản. Nhưng đó là cái giá phải trả cho "cuộc chiến" chống lạm phát mà chúng ta phải chấp nhận và có thể chấp nhận được. Tất nhiên, vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực nông nghiệp, nông thôn cần được quan tâm hơn nữa...
TS. Võ Trí Thành
sbv
Thông tin của chủ đề
Users Browsing this Thread
Có 1 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 1 khách vãng lai)
Similar Threads
-
NHNN sẽ tiếp tục hỗ trợ cho ngân hàng nhỏ trong quý 3
By tintucsukien in forum Thảo luận Tình hìnhTrả lời: 1Bài viết cuối: 17-06-2011, 07:34 PM -
Vasep lên tiếng vụ 2 sếp choảng nhau
By tintucsukien in forum Thảo luận Tình hìnhTrả lời: 1Bài viết cuối: 17-06-2011, 06:43 PM -
&&&..Khí hóa lỏng Miền Nam...Giá cực tốt..&&&
By xanh_vang_do73 in forum SÀN OTC CỔ PHIẾUTrả lời: 0Bài viết cuối: 28-05-2007, 03:09 PM
Bookmarks