Tái hiện nỗi lo lạm phát


Mặc dù kinh tế 6 tháng đầu năm đã có những dấu hiệu
đáng mừng nhưng nhiều chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, cần thận trọng
khi đánh giá để tránh chủ quan, nhất là khi lạm phát đang có dấu hiệu
xuất hiện trở lại.


Le lói tia sáng sản xuất công nghiệp


Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan - khi nhận
định về khó khăn của kinh tế 6 tháng qua và triển vọng tới cuối năm -
đã cho rằng, cần chú ý tới hai lĩnh vực xuất khẩu và công nghiệp.


Theo số liệu công bố của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, kim
ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm khoảng 29,7 tỉ USD (riêng tháng 6
khoảng 5,9 tỉ USD, tăng 4,1% so với tháng 5). Trong khi đó, kim ngạch
xuất khẩu 6 tháng chỉ khoảng 27,6 tỉ USD. Như vậy, tháng 6 là tháng thứ
ba liên tiếp VN nhập siêu với tỉ lệ ngày càng tăng. Tính chung 6 tháng
đầu năm nay, mức nhập siêu đạt con số 2,1 tỉ USD (tháng 6 là gần 1 tỉ
USD), chiếm 7,6% kim ngạch xuất khẩu.


Đối với sản xuất công nghiệp, chuyên gia Fiachra Mac Cana - CTCK HSC,
có mức dự báo tương đối lạc quan khi cho rằng, tới cuối năm, giá trị
sản xuất công nghiệp có thể đạt mức tăng trưởng 10% (trong khi dự báo
của Tổng cục Thống kê là 6,5%). Ông cho rằng, sản xuất công nghiệp
tháng 6 tiếp tục "phục hồi thận trọng".


Thống kê của ông Mac Cana cho thấy, giá trị sản xuất
công nghiệp mặc dù "âm" trong quý I nhưng đã có sự phục hồi trong quý
II với tốc độ tăng trưởng là 11,2%.


"Một tín hiệu rõ ràng cho thấy thời kỳ xấu nhất đã qua
đi", ông Mac Cana nhận định. Tính chung 6 tháng đầu năm, giá trị sản
xuất công nghiệp đạt 324,2 tỉ đồng, tăng 2,8%. Trong đó, tháng 6 đạt
58,3 tỉ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước. Nếu xét theo khu vực, giá
trị sản xuất của khu vực kinh tế nhà nước đạt 14,7 tỉ đồng trong tháng
6. Tuy nhiên, con số này tại khu vực kinh tế tư nhân lại có biểu hiện
yếu đi khi suy giảm tới 2,5% (đạt 20 tỉ đồng).


6 tháng cuối năm: Khó dự đoán


Mặc dù đã có những con số cụ thể cho thấy có những
diễn biến của kinh tế theo chiều hướng tích cực, nhưng ông Võ Trí Thành
- Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong một hội
thảo tại VCCI về triển vọng kinh tế 6 tháng cuối năm và 2010 vẫn cho
rằng, kinh tế những tháng cuối năm rất khó dự báo.


TS Thành cho hay, ngay cả báo cáo của hai định chế tài
chính lớn là Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và NH Thế giới (WB) cũng đưa ra
những dự báo không thống nhất về sự phục hồi của nền kinh tế.


Bên cạnh đó, nguy cơ tái lạm phát, sự lành mạnh của hệ
thống tài chính NH, áp lực trên thị trường ngoại hối... vẫn còn khá cao
trong khi VN lại phải đảm bảo sản xuất kinh doanh và duy trì mục tiêu
tăng trưởng.


"Nếu thực hiện gói kích cầu quá mạnh, nới lỏng quá mức
thì lạm phát sẽ quay trở lại, nợ xấu NH và áp lực tỉ giá sẽ rất lớn,
song nếu chúng ta thắt chặt vội vàng, kinh tế chưa kịp đi lên lại rơi
sâu hơn vào khó khăn" - TS Võ Trí Thành nói.


Theo TS Nguyễn Đại Lai (NHNN), mặc dù "thời kỳ lạnh
lẽo" đã qua đi, nhưng các hiệu ứng lan tỏa cả tích cực và tiêu cực cơ
bản vẫn còn nguyên phía trước, vì hiệu quả đích thực của các gói giải
cứu kinh tế chưa tới "mùa thu hoạch".


Theo TS Lai, đến trung tuần tháng 6, lãi suất huy động
VND một số NHTM CP đã gần như đồng loạt điều chỉnh tăng dần đều đối với
các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên với các mức tăng từ 0,2-0,7%/năm. Điều
này cho thấy, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đã bắt đầu xuất hiện. Tuy
nhiên, vì sao vốn trung và dài hạn lại thiếu?


Ông Lai cho rằng, điều này là do cầu về nguồn vốn
trung, dài hạn lớn hơn cung do nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi một cách dài
hạn không nhiều vì nguồn tiền đang tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn.
Ngoài ra, sức ép về lãi suất đang là kỳ vọng của các tổ chức tín dụng
do các dấu hiệu của lạm phát đã và đang xuất hiện.


Theo dự báo của TS Lai, mức tăng trưởng cả năm 2009
nếu duy trì ở mức không thể vượt quá, và/hoặc không thể thấp quá so
với mức 5,5% thì mới kìm được lạm phát, đồng thời mới có thể giữ được
tỉ giá và lãi suất ở mức chủ động kiểm soát và mang tính ổn định.


"Bốn chỉ số: Lãi suất, cung tiền, tỉ giá và lạm phát
phải được thường xuyên kiểm soát tốt thì các DN mới có môi trường tốt
để phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả" - TS Lai khẳng định.


Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch -
Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp
nước ngoài đã giải ngân được 4 tỉ USD (bằng 81,6% so với cùng kỳ 2008
và bằng 50% mục tiêu giải ngân 8 tỉ USD trong năm 2009). Trong đó, vốn
từ nước ngoài dự kiến 3,3 tỉ USD. Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước
ngoài 6 tháng dự kiến đạt 13,6 tỉ USD (3,3 tỉ USD là từ dầu thô). Nhập
khẩu của khu vực này dự kiến đạt 10,5 tỉ USD, chiếm 35% tổng nhập khẩu
cả nước.


Lưu Thủy


Lao động