Ngay trong ngày làm việc đầu tiên (23/4) của Hội nghị doanh nghiệp châu Á tại TPHCM, các diễn giả VN và quốc tế đều nhận định bên cạnh những tác động của khủng hoảng kinh tế đến châu Á, đây còn là dịp để VN và nhiều nước châu Á làm mới mình…


Ngày làm việc đầu tiên cuar Hội nghị doanh nghiệp châu Á tại TPHCM diễn ra với chủ đề "Nhận dạng thách thức châu Á và vai trò của Việt Nam".


Từ lạc quan


Ông John Bussey, Trưởng văn phòng Washington của tờ Wall Street Journal đánh giá nền kinh tế châu Á đang có những dấu hiệu lạc quan hơn so với Mỹ. Nhiều ý kiến tại Hội nghị cũng đồng quan điểm kinh tế châu Á chống chọi với khủng hoảng tốt và nhanh hồi phục hơn sau khủng hoảng so với Mỹ và EU, Nhật...


TS S. Jonathan Pincus, Giám đốc Đào tạo Chương trình Việt Nam (Trường Quản lý Kennedy, Đại học Harvard) lý giải rằng các ngân hàng châu Á ít bị ảnh hưởng từ các loại chứng khoán cầm cố và sản phẩm phái sinh – vốn đã làm sụp đổ nhiều tổ chức tài chính lớn ở Mỹ và châu Âu. Tác động lan đến châu Á là tác động gián tiếp, chủ yếu làm hàng xuất khẩu châu Á bị giảm sút, đầu tư thấp hơn và giá trị tài sản vốn bị sụt giảm.


Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam Cao Viết Sinh đưa ra dẫn chứng không có NH nào của VN bị sáp nhập, thua lỗ nặng hay phá sản trong thời kỳ khó khăn nhất vừa qua mà nhiều NH còn lãi khá lớn để cho thấy tài chính VN không bị tác động quá nặng như lo ngại.


Ông Stuart Dean, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Việt Nam (Ủy ban Doanh nghiệp Mỹ - ASEAN) còn nhận định tình hình châu Á nói chung và VN nói riêng vẫn tốt hơn so với thời điểm cuộc khủng hoảng 1997 - 1999.


Trao đổi với Tiền Phong bên lề hội nghị, nhiều đại biểu khẳng định sự sụp đổ của hàng loạt NH, tổ chức tài chính hùng mạnh từ Mỹ, EU là bài học tốt cho VN cũng như một số nước châu Á.


Đến cảnh báo


Tuy cái nhìn lạc quan về tương lai của VN và các nước Á châu đang thắng thế nhưng khá nhiều khuyến cáo phải chú trọng chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, cải tiến phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản lý, đầu tư mạnh cho giáo dục và công nghệ…


Ông Stuart Dean chỉ ra nhược điểm lớn nhất của nhiều nền kinh tế châu Á, trong đó có VN là dựa quá nhiều vào xuất khẩu. Thời gian qua, nhu cầu nhập khẩu từ châu Á của Mỹ, EU, Nhật… sụt giảm nghiêm trọng đã khiến nhiều nhà máy tại châu Á đóng cửa, công nhân mất việc kéo theo hàng loạt các vấn đề xã hội.


Bên cạnh đó, bà Charlene Barshefsky, cựu Đại diện Thương mại Mỹ lo ngại việc ngày càng nhiều quốc gia áp dụng những biện pháp bảo hộ mậu dịch đối với thị trường nội địa.


Trước mắt biện pháp này sẽ hạn chế bớt suy thoái kinh tế trong nước nhưng về lâu dài sẽ bất lợi cho quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển của kinh tế toàn cầu.


Còn chuyên gia kinh tế của VN, bà Phạm Chi Lan lại e ngại khủng hoảng kinh tế sẽ làm chậm lại quá trình giảm nghèo của các quốc gia ASEAN, gây khó khăn trong việc đảm bảo an sinh xã hội .