Liệu dòng ngân hàng có còn niềm tin để tăng khi NHNN không còn bảo kê. Vụ này thì phân tích kỹ thuật bó tay

Theo luật sư Trương Thanh Đức, việc xử lý VNCB là theo quy định của pháp luật. Nhưng dù xử lý theo bất kỳ quy định nào, thì đồng thời cũng phải xác định cụ thể con số lỗ là bao nhiêu, dự phòng ở mức nào.

Tóm tắt:

Theo luật sư Trương Thanh Đức:

- Chưa thấy cơ sở pháp lý nào khẳng định rằng, giá thị trường của cổ phần VNCB là bằng 0.

- Đã đến nước này rồi, thì chẳng còn lý do gì mà không công bố toàn bộ số liệu tài chính của Ngân hàng Xây dựng

- Xét theo khía cạnh khác, thì việc cổ đông bỗng chốc bị trắng tay là điều rất không thoả đáng

- Nếu có ngân hàng khác cũng trong tình trạng tương tự thì có tiếp tục bị xử lý như vậy hay không?

- Điều an ủi duy nhất đối với cổ đông có lẽ là công chúng gửi tiền không bị thiệt hại vì sự sụp đổ của ngân hàng mình

Sự kiện đáng chú ý nhất trong giới tài chính ngân hàng hiện nay có lẽ là việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của Ngân hàng Xây dựng (VNCB) với giá bằng 0 đồng/1 cổ phần. Sở dĩ sự kiện này thu hút sự quan tâm của nhiều người là do đây là trường hợp quốc hữu hóa ngân hàng đầu tiên của của Việt Nam.

Xoay quanh vấn đề này chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với luật sư Trương Thanh Đức – Người có nhiều năm kinh nghiệm theo dõi ngành ngân hàng.

Ông đánh giá như thế nào về trường hợp quốc hữu hóa ngân hàng đầu tiên này của Việt Nam?

Đúng là việc này hoàn toàn giống với việc việc quốc hữu hoá ngân hàng như quy định tại Điều 25 , Hiến pháp năm 1980 “Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, những cơ sở kinh tế của địa chủ phong kiến và tư sản mại bản đều bị quốc hữu hoá không bồi thường”. Tuy nhiên, về pháp lý, thì lại không thể gọi đây là việc quốc hữu hoá, vì Hiến pháp năm 1992 trước đây cũng như Điều 51 Hiến pháp năm 2013 đã quy định “Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.” Tức là chế độ ta đã từ bỏ hẳn hình thức quốc hữu hoá.

Việc này cũng không phải là hình thức trưng thu tài sản, vì việc trưng thu cũng chỉ có trong Hiến pháp năm 1980, mà không có trong 2 bản Hiến pháp gần đây. Theo quy định tại Điều 32 của Hiến pháp hiện hành, thì “Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường”. Trường hợp này, nếu gọi là trưng thu, thì phải mua theo giá thị trường. Chưa thấy cơ sở pháp lý nào khẳng định rằng, giá thị trưởng của cổ phần VNCB là bằng 0.

Điều 149 của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định: Ngân hàng Nhà nước có quyền “mua lại đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, nếu chủ sở hữu không có khả năng hoặc không thực hiện việc tăng vốn.” Tuy nhiên, chỉ có 2 cách mua lại . Nếu như mua lại toàn bộ tài sản của VNCB với giá 0 đồng, thì 551 cổ đông vẫn còn nguyên là cổ đông của ngân hàng. Còn nếu muốn loại bỏ 551 cổ đông, thì phải mua lại toàn bộ số cổ phần thuộc quyền sở hữu của tất cả cổ đông, chứ không thể mua từ ngân hàng.

Nhiều người đang muốn có câu trả lời rõ ràng về con số lỗ cụ thể của ngân hàng này là bao nhiêu để từ đó có lý giải thỏa đáng về việc quốc hữu hóa này, ông nghĩ sao về ý kiến này?

Rất cần phải xác định rõ rằng, việc xử lý VNCB là theo quy định nào của pháp luật. Và dù xử lý theo bất kỳ quy định nào, thì đồng thời cũng phải xác định cụ thể con số lỗ là bao nhiêu, trong đó do trích lập dự phòng ở mức nào. Đã đến nước này rồi, thì chẳng còn lý do gì mà không công bố.

Có ý kiến cho rằng, việc NHNN quốc hữu hóa VNCB đồng nghĩa các cổ đông "trắng tay", còn ý kiến của ông thế nào?

Việc này xét trên các khía cạnh khác nhau thì sẽ dẫn đến kết quả khác nhau. Nếu tính toán theo đúng quy định, do phải trích dự phòng quá nhiều, tức hạch toán vào chi phí quá cao so với thu nhập, thì kết quả sẽ lỗ và mất hết vốn, thậm chí là âm vốn. Như vậy thì đúng là giá trị vốn cổ phần của cổ đông là bằng không.

Tuy nhiên xét theo khía cạnh khác, thì việc cổ đông bỗng chốc không còn nghĩa vụ và quyền lợi gì là điều rất không thoả đáng. Trên thực tế trong nước cũng như thế giới, đã từng có rất nhiều doanh nghiệp và ngân hàng lỗ lớn quá mức vốn điều lệ, đứng trên bờ vực phá sản, nhưng sau đó vẫn phục hồi trở lại.

Đặc biệt, khi lỗ là do nguyên nhân phải trích lập dự phòng, thì không hoàn toàn giống như trường hợp lỗ do thu không đủ chi. Theo quy định, thì khả năng thu hồi nợ luôntỷ lệ nghịch với con số chi phí đã trích lập dự phòng, tức trích dự phòng càng cao, thì khả năng thu hồi nợ càng thấp.

Tuy nhiên, điều này có thể lại khác với thực tế. Ví dụ có khoản nợ đã trích lập dự phòng 50%, tức là coi như khả năng mất vốn là 50%. Nhưng sau đó có thể mất toàn bộ vốn, không thu hồi được đồng nào. Ngược lại, có khoản nợ đã trích lập dự phòng 100%, tức là coi như khả năng mất vốn là 100%. Tuy nhiên, sau đó vẫn có thể thu hồi được toàn bộ số vốn, thậm chí cả tiền lãi.

Ông có nghĩ rằng việc NHNN mua lại toàn bộ cổ phần của VNCB lần này với giá 0 đồng sẽ tạo tiền lệ nào đó trên thị trường hay không?

Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật Doanh nghiệp năm 2005, thì một ngân hàng chỉ có thể bị phá sản, giải thể hay bị hợp nhất, sáp nhập, nếu không còn đủ điều kiện để tồn tại và hoạt động. Nhưng trường hợp này, thì VNCB vẫn tiếp tục tồn tại là một pháp nhân độc lập, chỉ thay đổi chủ sở hữu từ 551 cổ đông thành một chủ sở hữu là Ngân hàng Nhà nước.

Trong khi đó, không có quy định nào của pháp luật cho phép chuyển đổi một công ty cổ phần thành công ty TNHH 1 thành viên. Cũng không thể giải thích được rằng, tại sao một ngân hàng thương mại lại có thể chuyển đổi sang một hình thức khác để tiếp tục duy trì hoạt động với số vốn điều lệ bằng 0 hoặc là âm trong khi vốn thực có tối thiếu phải là 3.000 tỷ đồng?

Và vấn đề nữa phải đặt ra là còn một số ngân hàng khác cũng trong tình trạng âm vốn tương tự thì có tiếp tục bị xử lý như vậy hay không.

Qua sự việc lần này, ông có lưu ý gì với các nhà đầu tư nhất là những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu ngân hàng?

Cổ đông VNCB nói riêng, nhà đầu tư nói chung bị sốc nặng trước tình huống này. Công ty thua lỗ, thì vốn cổ phần của cổ đông đương nhiên là bị suy giảm giá trị, thậm chí là mất trắng (nhưng không bao giờ mất quá số vốn cổ phần đã góp). Đó là điều tất yếu đối với các công ty hoạt động trong nền kinh tế thị trườngmà xưa nay đã xảy ra không ít.

Tuy nhiên, cổ đông ngân hàng tự dưng mất trắng chỉ trong nháy mắt thì là điều chưa từng có và không bao giờ có thể nghĩ đến. Đối với họ, thì điều này còn kinh khủng hơn nhiều so với việc ngân hàng bị phá sản . Vì dù ngân hàng có bị phá sản, thì cũng phải giải quyết qua nhiều năm tháng và người ta vẫn có quyền hy vọng vớt vát được một phần vốn thông qua việc thu hồi các khoản tiền từ tín dụng, đầu tư, nợ nần khác và xử lý tài sản của ngân hàng.

Điều an ủi duy nhất đối với cổ đông có lẽ là công chúng gửi tiền không bị thiệt hại vì sự sụp đổ của ngân hàng mình.

Xin cảm ơn ông!

NHNN trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của VNCB, còn các cổ đông hiện hữu của ngân hàng bị chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông.


Ngân hàng Nhà nước vừa có thông báo cho biết, tại Đại hội cổ đông bất thường năm 2015 lần thứ 3 diễn ra ngày 31/1/2015 đã quyết định không thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ để đảm bảo giá trị thực vốn điều lệ tối thiểu của ngân hàng bằng mức vốn pháp định (3.000 tỷ đồng).

Căn cứ Luật Các TCTD, Quyết định số 48/2013/QĐ-NHNN ngày 01/8/2013 về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông VNCB, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tuyên bố quyết định sẽ mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của VNCB với giá bằng 0 đồng/1 cổ phần.

Quyết định này đồng nghĩa với việc NHNN trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của VNCB, và các cổ đông hiện hữu của ngân hàng bị chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông.

Theo số liệu do VNCB công bố, kể từ ngày 31/5/2013, khi TrustBank đổi tên thành VNCB, ngân hàng có tổng cộng 551 cổ đông, trong đó 6 cổ đông pháp nhân và 545 cổ đông thể nhân. Các cổ đông pháp nhân gồm 3 cổ đông thuộc Khối văn phòng Nhà nước; 1 cổ đông là TCTD đó là Ngân hàng Agribank và 1 cổ đông là doanh nghiệp nhà nước là Công ty lương thực Long An.

Về vốn điều lệ, theo thông báo của ngân hàng, từ tháng 6/2011 VNCB có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng và từ 26/12/2013 được tăng vốn điều lệ lên 7.500 tỷ đồng.

Trên thị trường từng có thông tin rằng VNCB đã bị âm vốn chủ sở hữu nên ngân hàng phải tổ chức ĐHCĐ bất thường lần này để bổ sung vốn. Nếu đó là thông tin chính xác thì việc NHNN mua lại cổ phần của VNCB với giá 0 đồng/cổ phần cũng không ảnh hưởng gì tới các cổ đông, vì thực tế các cổ đông này đã chẳng còn gì để mất.

Và việc NHNN sở hữu 100% VNCB, thực hiện các quyền và nghĩa vụ có liên quan đến VNCB chỉ có lợi cho khách hàng của VNCB và hệ thống mà thôi.