Đất “chạy” theo đường


Hàng loạt dự án bất động sản ở phía Tây Hà Nội chuẩn
bị được “xả hàng” kèm theo một số tuyến giao thông trọng điểm sắp hoàn
thành khiến thị trường bắt đầu biến động.


Cùng với việc hạ tầng giao thông được cải thiện rõ nét
cộng thêm tâm lý nôn nóng muốn quay trở lại thời kỳ vàng son của các
nhà đầu tư, một số nhà đầu cơ cỡ bự cũng tranh thủ “mượn nước đẩy
thuyền” khiến giá đất ở một vài khu vực ở phía Tây thành phố tăng chóng
mặt.


Đường sắp xong, đất rục rịch tăng


Cũng thật “oan” khi nói toàn bộ khu phía Tây “sốt” giá
bởi thông tin “nóng” chủ yếu tập trung vào vài khu đô thị, khu nhà ở
quanh quận Hà Đông hoặc bám dọc theo những trục đường đang triển khai
xây dựng như Lê Văn Lương kéo dài, Lê Trọng Tấn, quốc lộ 32... Thông
tin từ giới đầu cơ cho biết, so với cuối quý I - 2009, vào đầu tháng 6
- 2009, giá đất nền tại khu đô thị Văn Khê (Hà Đông) tăng 5 - 7 triệu
đồng/m2! Không chịu kém cạnh, liền sau đó, giá đất, nhà ở các khu đô
thị gần đó như Văn Quán, Xa La hay xa hơn một chút là Vân Canh cũng thi
nhau đội giá từ vài triệu tới cả chục triệu đồng/m2. “Ăn theo” đường Lê
Trọng Tấn, đường Lê Văn Lương kéo dài, đất nền ở khu đô thị mới Dương
Nội (Hà Đông) cũng được cho là tăng giá 20 - 30%.


Tương tự, nằm ngay mặt quốc lộ 32 (đoạn Nhổn - Sơn
Tây), giá đất của dự án Khu đô thị Tân Tây Đô cũng được “đồn” là đã
tăng gần gấp đôi để “chào đón” sự kiện con đường này vừa được thông
tuyến vào cuối tháng 6 - 2009. “Đầu năm 2009, một suất liền kề vị trí
đẹp tại khu đô thị Tân Tây Đô chỉ hơn 8 triệu đồng/m2. Đến nay, giá bán
đã lên khoảng 16 triệu đồng/m2. Giao dịch đối với dự án này hiện cũng
khá sôi động” - một nhà đầu tư bất động sản cho biết đã được rỉ tai như
vậy.


Tại khu vực các quận nội thành, giá đất nền chưa được
cho là tăng giá mạnh song một vài khu chung cư cao cấp cũng đã rục rịch
tăng giá bán. Một số tòa nhà ở Khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng,
Trung Hòa - Nhân Chính vài tháng trước được bán ra với giá 23 - 24
triệu đồng/m2 giá gốc, chênh lệch cao nhất cũng chỉ 150 triệu đồng/căn
thì nay tiền chênh vọt lên 300 - 400 triệu đồng/căn.


Tăng do tâm lý


Nhận định về dấu hiệu sôi động trở lại của thị trường
bất động tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, diễn biến này là tất yếu
sau một thời gian trầm lắng. “Thị trường bất động sản ấm lên do được hỗ
trở bởi nhiều yếu tố, ví dụ như tình hình kinh tế có dấu hiệu phục hồi
sau khi đi qua đáy. Nhưng cơ bản là vì nhu cầu của người dân về nhà ở
còn lớn; khoảng cách giữa cung và cầu còn lớn. Ở Việt Nam, bình quân
nhà ở mới đạt 12m2/người, như Hà Nội mới đạt 7 - 8m2/người, trong khi ở
các nước con số này là 30m2. Cho nên về lâu dài, thị trường bất động
sản Việt Nam còn phải phát triển” - đại diện Bộ Xây dựng cho biết.


Một số ý kiến khác lại cho rằng, bất động sản nóng lên
bất thường có thể lặp lại những gì đã diễn ra hồi năm 2007. Cũng bắt
đầu từ việc thị trường chứng khoán nóng lên, sau đó lan dần sang thị
trường bất động sản do tâm lý của nhà đầu tư ngắn hạn muốn chuyển hướng
dòng vốn để tạo ra độ an toàn cao hơn. TS Trần Du Lịch, nguyên Viện
trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế TP.HCM
cho rằng, thị trường đóng băng sau một thời gian, rồi lại có dấu hiệu
ấm lại do tác động tâm lý của chính nhà đầu tư. “Nhìn chung, tốc độ xây
dựng của các dự án vẫn còn chậm, nên có thể nói giá đất tăng trong thời
điểm này có một phần từ yếu tố tâm lý chứ chưa hẳn đã do sức cầu tăng.
Do đó, nếu nói rằng thị trường bất động sản đã vào giai đoạn phục hồi
và bắt đầu nóng lên thực sự là vẫn còn sớm. Thế nên, tôi muốn cảnh báo
các nhà đầu tư hãy cẩn thận. Rất có thể thị trường bất động sản và cả
thị trường chứng khoán sẽ biến động dai dẳng theo hình răng cưa và
tương đối gấp, nên độ rủi ro sẽ cao"”- TS Trần Du Lịch phân tích.


“Thổi” giá?


Nghi ngờ giá bất động sản tăng quá nhanh trong thời
gian ngắn là do các nhà đầu cơ “thổi” giá, ông Nguyễn Việt Cường, một
nhà đầu tư ở Hà Nội nói: “Đường mới mở hoặc sắp hoàn thành đều tác động
mạnh tới giá đất, nhà nhưng chỉ trong vài tháng mà tăng tới hơn 2 lần
thì phải xem lại. Bây giờ chuyện mở đường đâu giống như ngày xưa là
“đùng một cái” mà quy hoạch đã treo biển từ vài năm trước, tiến độ xây
dựng thì báo đăng liên tục. Người qua lại mỗi ngày đều biết, đâu có ai
bất ngờ gì...”


Trong khi đó, phân tích tình trạng “đỏng đảnh”, hết
“đóng băng” lại “sốt" nóng của thị trường bất động sản, Thứ trưởng Bộ
Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, chỉ là vấn đề tâm lý, người Việt Nam
hay bị tác động bởi đồn thổi, chạy theo phong trào, ít phân tích (không
chỉ thị trường bất động sản). Thị trường bất động sản là thị trường có
lợi nhuận cao nhưng đồng thời cũng là thị trường mang tính rủi ro cao,
nếu vẫn đầu tư theo kiểu phong trào, nghe đồn thổi sẽ rất nguy hiểm.


Nhìn nhận thực tế “cứ nghe khu vực nào đang “sốt”, các
nhà đầu tư lại lao bổ vào khiến tình hình càng thêm trầm trọng. Ông Nam
cảnh báo: “Cơ quan quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm hoàn thiện
khung pháp lý, cung cấp đầy đủ thông tin để định hướng, dự báo, đưa ra
chỉ dẫn thị trường cho người đầu tư nhưng bản thân người tiêu dùng cũng
phải tự điều chỉnh hành vi của mình. Đầu tư cũng cần chuyên nghiệp,
không biết rõ thì phải tìm tư vấn có hiểu biết, không nên a dua, đầu tư
theo lời đồn thổi, sẽ rất nguy hiểm...”


Ông Trần Du Lịch cũng đồng quan điểm: “Bất động sản
xưa nay vẫn là kênh đầu tư có khả năng sinh lời cao và khá an toàn nên
rất nhiều nhà đầu tư vẫn muốn đổ tiền vào. Nhưng một khi nó được đầu tư
theo phong trào thì rủi ro vẫn luôn tiềm ẩn”. Thừa nhận giá cả biến
động mạnh có thể do cung ít, cầu lớn, nhưng Thứ trưởng Nam cho rằng,
vấn đề còn ở chỗ thị trường thiếu minh bạch khi các thông tin cơ bản
đều chưa được thể hiện một cách đầy đủ.


Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng đang thí điểm
xây dựng chỉ số thị trường bất động sản gồm các chỉ số về lượng giao
dịch, loại hàng hóa, giá cả... để đo “nhiệt độ” thị trường giúp người
dân và doanh nghiệp dựa vào đó để mua bán, quyết định đầu tư. Dù chỉ số
này “rất quan trọng, hữu ích” song việc xây dựng lại chậm tiến độ bởi
thời gian qua thị trường trầm lắng, biến động không nhiều khiến việc đo
dữ liệu khó khăn, chưa thể hoàn tất. Nay, thị trường đang ấm lên, Bộ
Xây dựng sẽ đẩy nhanh hơn để có thể sớm công bố.


An Trung


Diễn đàn doanh nghiệp