THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN - MỘT NĂM NHÌN TỪ NHIỀU PHÍA

Năm qua đã có biết bao sự kiện xảy ra và được đánh giá là một năm khá thành công của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam dưới nhiều góc độ khác nhau.

Năm của người đầu tư

Chỉ số VN-Index phiên cuối năm 2005 dừng lại ở mức 307,5 điểm, tăng 68,21 điểm (tương đương 28,5%) so với cuối năm 2004. Điều này có nghĩa là nhìn chung nhà đầu tư đã lãi 28,5% trong năm qua chưa kể tiền cổ tức được hưởng. Không chỉ thắng trên sàn chính thức, các cổ phiếu trên sàn OTC cũng đem lại bầu không khí đầu tư nóng bỏng, đặc biệt là vào những tháng cuối năm với một loạt các cuộc đấu giá bán cổ phần đã thu hút hàng trăm người tham gia mỗi phiên. Theo số liệu của TTGDCK TPHCM, năm qua đã tổ chức 35 phiên đấu giá cho 34 công ty với tổng giá trị cổ phần bán được lên đến 2.702 tỷ đồng.

Năm 2005 cũng ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ số lượng nhà đầu tư với gần 10.000 tài khoản giao dịch mới được mở, tăng 44,9% so với năm 2004 và gấp 10 lần so với cuối năm 2000 khi thị trường bắt đầu mở cửa. Song song với lượng tài khoản tăng thêm, số lượng lệnh đặt trong 1 phiên lên đến 1.016 lệnh, tăng 37,5% so với năm 2004. Đây là tín hiệu tốt lành không những cho các cơ quan quản lý thị trường mà cho cả cho người đầu tư.

Năm của tổ chức niêm yết

Năm 2005 tuy không phải là năm của tổ chức niêm yết mới như mong đợi nhưng lại là năm đáng ghi nhận đối với các “hàng cũ” trên sàn. Hàng loạt tên tuổi đã thành công rực rỡ trong các đợt phát hành thêm bán cho cả cổ đông cũ lẫn cổ đông chiến lược với tổng số tiền thu được lên đến 312,24 tỷ đồng, gấp 6 lần tổng số vốn huy động được trên sàn từ năm 2000 – 2004. Nếu tính thêm đợt phát hành 5,4 triệu cổ phiếu của Công ty Cáp và Vật liệu Viễn thông (Sacom) với mức giá bảo lãnh 45.000 đồng/cp hoàn tất vào những ngày cuối năm thì tổng vốn huy động qua thị trường chính thức trong năm qua lên đến trên 550 tỷ đồng, một lượng vốn khá lớn đối với các doanh nghiệp đang có kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Một sự kiện nữa được xem là “hiện tượng” của TTCK khi Công ty Kinh Đô công bố thâu tóm Tribeco – một công ty đang niêm yết trên sàn chính thức. Nếu như ở ngoài sàn, ngay cả “đại gia” Vinamilk cũng chỉ âm thầm thực hiện thâu tóm Sữa Bình Định thì việc một công ty niêm yết bị thâu tóm thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư. Xu thế hình thành các tập đoàn chuyên về một ngành nghề nào đó đang được định hình và ngày càng diễn tiến mạnh mẽ trong những năm tới.

Năm của công ty chứng khoán

Tổng giá trị giao dịch của thị trường trong năm qua là 26.878 tỷ đồng, giả sử phí giao dịch chỉ ở mức 0,1% thì tổng số phí thu được từ nghiệp vụ môi giới của toàn thị trường đã trên 50 tỷ đồng. Đó là chưa kể phí thu được từ hoạt động tư vấn phát hành và đấu giá bán cổ phần cho các doanh nghiệp, hoạt động tự doanh, bảo lãnh phát hành, mua bán chứng khoán có kỳ hạn (repo) … Theo ước tính của 10 công ty chứng khoán, tổng lợi nhuận trong năm đạt khoảng 137 tỷ đồng với tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ là 20,4%. Riêng 3 công ty chứng khoán hàng đầu gồm Sài Gòn, Bảo Việt và VCBS có tổng lợi nhuận vượt trên 77 tỷ đồng, đưa tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ lên đến trên 50%. Sau hơn 5 năm hoạt động, các công ty chứng khoán đã ngày càng ăn nên làm ra, khẳng định chỗ đứng và thương hiệu trên thị trường. Trong quá trình cạnh tranh mở rộng khách hàng, người đầu tư ngày càng được hưởng lợi với nhiều tiện ích và dịch vụ mới chất lượng hơn.

Năm của nhà đầu tư nước ngoài

Trước và sau ngày 29-9-2005, ngày Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 238/2005/QĐ-TTg cho phép nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) nắm giữ đến 49% cổ phần của một tổ chức niêm yết, TTCK sôi động hẳn lên với giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân phiên trong tháng 9 và 10-2005 lên đến 21,7 tỷ gấp hơn 2 lần so với giá trị giao dịch bình quân phiên của cả năm. Ở giao dịch thỏa thuận, NĐTNN chiếm 25,54% giá trị giao dịch cổ phiếu, 10,1% giá trị giao dịch trái phiếu và 17,13% giá trị giao dịch chứng chỉ quỹ. Đây là tỷ lệ tham gia cao nhất của NĐTNN kể từ khi mở cửa TTCK đến nay. Nếu so với tỷ trọng 1% NĐTNN trong cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường thì tỷ trọng tham gia cho thấy tiềm lực cũng như sự năng động tìm kiếm cơ hội đầu tư của thành phần này. Cùng với sự khởi sắc của TTCK trong năm 2005 và tiềm năng tham gia thị trường của các công ty cổ phần then chốt trong nền kinh tế trong năm 2006, giới chuyên môn dự đoán nguồn vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài sẽ tiếp tục chảy vào TTCK và sự trỗi dậy của NĐTNN trong năm 2005 không chỉ là hiệu ứng tức thời của chính sách thị trường và hội nhập thế giới của Chính phủ Việt Nam.

Năm của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán

Cuối cùng, năm 2005 cũng là năm của các TTGDCK. Vào tháng 3, TTGDCK Hà Nội chính thức khai trương và đi vào hoạt động sau 5 năm thai nghén, bước đầu hình thành cơ sở cho thị trường OTC sau này. Tháng 5, TTGDCK TPHCM chuyển sang một sàn giao dịch khang trang và hiện đại hơn, mở đầu giai đoạn mới cho quá trình phát triển TTCK. Hoạt động đấu giá khai trương từ tháng 2 đã “mở cửa” TTGDCK kéo người đầu tư vào “mục kích”. Càng về cuối năm, số lượng người đầu tư đổ về “phố Wall của Việt Nam” góc Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Công Trứ - Bến Chương Dương ngày càng nhiều, tạo nên không khí nhộn nhịp, bận rộn của một trung tâm tài chính của cả nước.

Năm 2006 là một năm bản lề đối với cả 2 TTGDCK TPHCM và Hà Nội. Riêng đối với TTGDCK TPHCM, đây là năm chuẩn bị cả về cơ sở vật chất, hàng hóa và nhân lực để chuyển hoạt động sang mô hình Sở Giao dịch Chứng khoán trong năm 2007. Kỳ vọng đặt ra cho năm Bính Tuất là TTCK chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và hội nhập vào thị trường tài chính khu vực theo chiến lược được Chính phủ phê duyệt.

---

Một vài nhận định nhỏ về TTCKVN năm qua đăng trên Báo SGGP để nhìn lại sự phát triển của TTCK và chờ đợi những biến đổi tốt đẹp hơn trong năm mới.