Ngày càng nhiều doanh nghiệp chọn cách thức phát hành cổ phiếu để huy động vốn.

Tìm nguồn vốn rẻ trong thời buổi kinh tế tăng trưởng nhanh, nhu cầu vốn lớn là chuyện khó. Các doanh nghiệp khi vay vốn ngân hàng, hay một định chế tài chính nào đó, có lẽ không đặt mục tiêu vay tiền với lãi suất thấp lên đầu. Đối với họ quan trọng là tiền vay được giải ngân kịp thời, đủ số lượng kèm theo dịch vụ ngân hàng tốt.

Tuy nhiên, có những doanh nghiệp đã tìm ra phương thức tiếp cận với nguồn vốn rẻ, an toàn, được giới thiệu dưới đây. Chỉ có điều để tìm ra vốn rẻ, trước hết họ phải là những công ty kinh doanh rất hiệu quả.

Phát hành cổ phiếu lợi hơn vay ngân hàng

Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Cáp và Vật liệu viễn thông (Sacom) quyết định phát hành thêm 90 tỉ đồng cổ phiếu vào cuối năm nay, lấy tiền đầu tư cho hai dự án lớn.

Dự án thứ nhất là Công ty Cáp Sài Gòn chuyên sản xuất cáp hạ thế với tổng vốn đầu tư 140 tỉ đồng, trong đó Sacom góp 49%. Dự án thứ hai là một liên doanh sản xuất cáp trung, cao thế với vốn điều lệ 28 triệu đô la Mỹ giữa Sacom, Cadivi và một đối tác nước ngoài. Là đơn vị kinh doanh có lãi nhiều năm, Sacom được các ngân hàng chào mời vay vốn. Nhưng công ty không chọn vay ngân hàng.

“Chúng tôi sẽ phát hành 36 tỉ đồng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, 54 tỉ đồng cổ phiếu còn lại sẽ bán đấu giá qua thị trường chứng khoán. Phát hành cổ phiếu có lợi hơn vay ngân hàng”, ông Đỗ Văn Trắc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Sacom, nói.

Nhìn bề ngoài, việc Sacom trả cổ tức 16%/năm cho cổ phiếu mới phát hành tưởng cao hơn lãi suất vay ngân hàng, nhưng thực ra chỉ bằng một nửa lãi suất cho vay của nhà băng. Hiện tại giá cổ phiếu Sacom giao dịch trên sàn dao động trong khoảng 37.000-39.000 đồng/cổ phiếu tùy phiên.

Do đó khi đấu giá 54 tỉ đồng cổ phiếu, công ty sẽ thu về số tiền ít nhất là gấp 3-3,5 lần mệnh giá, thậm chí có thể gấp bốn lần mệnh giá nếu nhà đầu tư nào muốn mua áp đảo số lượng lớn để trở thành cổ đông tầm cỡ của công ty.

Số tiền chênh lệch đó, Sacom không phải trả cổ tức, hay nói cách khác là cổ tức bằng 0%. Như vậy Sacom vay của các nhà đầu tư 90 tỉ đồng với lãi suất 16%/năm (mỗi năm trả lãi 14,4 tỉ đồng), nhưng lại có trong tay chừng 210-220 tỉ đồng, tính ra lãi suất thực chỉ trên dưới 7%/năm. Quá hời!

Mặt khác, vốn huy động từ phát hành cổ phiếu là không kỳ hạn, Sacom tránh được sức ép trả ngân hàng cả vốn và lãi khi đáo hạn. Đó là chưa kể việc phát hành tạo thêm thanh khoản cho cổ phiếu, thu hút thêm nhà đầu tư. Ngoài ra trong trường hợp có dự án khả thi trong tương lai, Sacom lại có thể phát hành thêm cổ phiếu ngay do đã có kinh nghiệm từ đợt phát hành sắp tới.

Việc phát hành thêm cổ phiếu tuy vậy cũng tạo ra những áp lực mới cho bộ máy điều hành công ty. Nhưng với những doanh nghiệp đã công khai tài chính và có đội ngũ nhân lực tốt như Sacom, áp lực đó có thể giải quyết được. Sacom, như lời ông Trắc, chỉ còn lo sử dụng đồng tiền thu từ phát hành thêm cổ phiếu sao cho hiệu quả nhất.

Một nửa phát hành, một nửa đi vay

Mấy năm trước Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (Ree) xây tòa cao ốc văn phòng cho thuê E-town 1 với vốn đầu tư 210 tỉ đồng, trong đó tiền vay ngân hàng 100 tỉ đồng, lãi suất được điều chỉnh hàng năm, từ 8,6-9,6%/năm. Nay công ty chuẩn bị xây E-town 2 với vốn đầu tư 250 tỉ đồng.

Ngoài vốn tự có, Ree sẽ phát hành thêm cổ phiếu, tối đa bằng 30% cổ phiếu hiện hành (vốn điều lệ của Ree là 232 tỉ đồng, tức sẽ phát hành thêm khoảng 73 tỉ đồng cổ phiếu), và vay ngân hàng. Khác với phương thức phát hành của Sacom, toàn bộ cổ phiếu phát hành thêm Ree dành bán cho cổ đông cũ, nhưng với giá bao nhiêu thì chưa biết.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ree, nói rằng công ty chọn phương thức một nửa phát hành, một nửa vay ngân hàng để cân bằng rủi ro và áp lực cổ tức. Trên thực tế, với uy tín doanh nghiệp dẫn đầu ngành cơ điện lạnh, Ree không gặp bất cứ khó khăn nào khi vay tiền ngân hàng.

“Đã có một số ngân hàng chào mời cho vay, nhưng chúng tôi đang chọn ngân hàng có dịch vụ tốt và lãi suất cạnh tranh”, bà Thanh nhấn mạnh.

Ree hay Sacom không phải là những đơn vị duy nhất phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn. Những doanh nghiệp khác đã sử dụng phương thức này như Công ty cổ phần Giấy Hải Phòng (Hapaco), Công ty cổ phần Phương Nam (PNC), Công ty cổ phần Transimex…

Trong khi đó, một số công ty cổ phần hay niêm yết trên sàn lại vẫn “gắn bó” với hình thức vay vốn ngân hàng, hoặc gọi vốn các quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ phát triển, hoặc tìm nguồn tài trợ của nước ngoài. Quy luật bất thành văn là doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, tài chính minh bạch thì dễ tìm vốn và tìm được vốn rẻ và ngược lại.

Hiện nay có những công ty phải vay ngân hàng với lãi suất 15%/năm, nhưng có một số công ty vay được tiền nhà băng với lãi suất chỉ 0,7-0,8%/tháng. Các ngân hàng sẵn sàng cho doanh nghiệp loại A vay tiền lãi suất thấp không phải chỉ vì lợi nhuận, mà chủ yếu để giữ quan hệ khách hàng lâu dài.

Các quỹ đầu tư nước ngoài có mặt tại Việt Nam có thể cho doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả cao vay tiền dài hạn, 5-10 năm với lãi suất thấp. Cách thức cho vay của họ luôn kèm theo điều kiện: sau này số tiền vay được chuyển thành cổ phần một khi pháp luật Việt Nam cho phép.

:greedy: