Phòng
làm việc của tôi gồm nhiều căn phòng nhỏ, mỗi bộ phận một buồng. Tôi
ngồi chung với em. Em kém tôi 4 tuổi, tuổi Mùi, vóc dáng khá chuẩn. Căn
phòng hẹp nên rất khó kê bàn. Đầu tiên hai đứa kê đối diện nhau nhưng
thấy cũng bất tiện. Thỉnh thoảng em muốn soi gương kẻ lại màu môi lại
thấy tôi nhìn như mèo rình mỡ làm em bối rối. Thế rồi tôi kê lại nhìn
ra cửa chính, em nhìn vào khoảng không. Ngồi kiểu này em lợi thế hơn
tôi. Nếu có khách vào tôi phải dậy chào và mời nước. Những lúc rảnh tôi
muốn lướt mạng xem cái gì hay hay một tí cũng sợ em nhìn thấy. Tôi muốn
ngắm em phải quay hẳn người lại, thế thì lộ quá. Cuối cùng chúng tôi kê
lại, vẫn đối diện nhưng lệch nhau ra mỗi đứa một đầu phòng. Muốn ngó
nghiêng nhau chỉ cần liếc nhẹ.


Lúc
tôi về phòng thì chưa có ý định thích em. Tôi còn đang bận với tình yêu
thời Đại học của mình. Em tư vấn cho tôi nhiệt tình, chu đáo. Đến độ
mặc áo màu gì, mua quà tặng gì cũng do em bày vẽ cả. Nhiều khi cũng
không hợp ý tôi nhưng tôi kệ, thấy em vui tôi cũng vui lây. Được độ hai
năm thì chúng tôi chia tay nhau. Em cũng không cứu vãn gì được giúp tôi
cả. Người yêu tôi thích diễn viễn điện ảnh V.T, thích màu tím lưu ly
thảo. Tôi thì ghét tiệt cả mấy thứ ấy. Em bảo tôi chắc anh chị không
hợp nhau. Tôi nắn nót viết thư xin phép người yêu: Chúng mình chẳng hợp
nhau. Chia tay thôi em ạ. Hai đứa hai nơi mỗi người mỗi ngả. Tại những
gì chẳng vì đâu. Em thích hoàng hôn yêu màu tím lưu ly. Tôi chỉ thích
màu mắt em bừng sáng. Em mải mê tôn ai làm thần tượng. Tôi hơi ghen và
thoáng bực mình. Có những điều tôi thấy thật cỏn con. Nhưng với em biết
bao là ý nhị. Tôi không thích nhìn đời như thi sỹ. Đành vậy thôi mưa
ngược phía em về. Em bảo tôi anh tình tứ thế, giá mà em cũng có người
tặng thơ.


Ngồi
cùng nhau mấy năm chúng tôi thuộc hết cả tính nết của nhau. Thậm chí có
đồ gì mới người này chưa kịp khoe người kia đã biết. Em có bao nhiêu bộ
váy tôi nhắm mắt hình dung ra hết cả. Bộ nào lâu không mặc tôi còn nhắc
em. Em biết tôi thích mặc quần kaki hai túi sau có nắp, sơ mi màu gì.
Có hôm hứng chí gặp đồ lót nam của Hàn Quốc cửa hàng mới giới thiệu em
cũng mua về tặng tôi. Ngăn kéo bàn hai đứa có gì cũng công khai cả. Em
sang bên tôi lục đĩa nhạc thì tôi cũng mò ngăn bàn em kiếm đồ ăn. Em có
cái chóp mũi tròn và đẹp, gọi là mũi giọt mật. Hôm nào tôi cũng kiếm
cách xoa mũi em một cái, gọi là lấy may. Đồng nghiệp phòng tôi bảo hay
hai đứa lấy quách nhau đi. Lại cũng có người doạ: con thầy, vợ bạn,
gái cơ quan. Em chỉ cười.


Rồi
một hôm em đem cái câu “con thầy, vợ bạn, gái cơ quan” ra hỏi tôi. Em
không chịu đó là điều cấm kị. Tôi giải thích điều đó có gì thuộc về
phạm trù đạo đức. Thâm tâm chính tôi cũng nghĩ quan niệm này chưa hẳn
đã là đúng. Để hiểu đúng nghĩa của một từ thường người ta phải đặt nó
trong cả câu văn, ngữ cảnh. Để hiểu đúng một mối quan hệ cũng cần cố
định nó với một môi trường, hoàn cảnh cụ thể. Em và tôi cũng có tình,
nhưng là tình đồng nghiệp. Với cái quan hệ dư luận miệng kia, em chính
là “gái cơ quan”. Theo lẽ dèm pha thì tôi sẽ chẳng bao giờ yêu em cả.
Vì sao thì tôi không tự cắt nghĩa cho mình được. Hỏi em thì thật khó.
Từ đó, tôi thường nhìn trộm em.


Lúc
bình thường, tôi xoa mũi, xoa đầu em cứ như không. Cầm tay, thậm chí bá
vai cũng thấy tự nhiên và thật nhẹ nhàng. Thế mà sau hôm tôi vẩn vơ vơ
vẩn thì tự nhiên mỗi khi nhìn em tôi lại thấy mình cứ ngượng ngập thế
nào. Bắt gặp mắt tôi nhìn sang, em cười toe. Có khi còn gật gật đầu như
đang nghe nhạc. Tôi chỉ nhìn được nửa người em, phần còn lại bên dưới
bị cái bàn che kín. Thảng hoặc mới thấy được mấy ngón chân em ngọ nguậy
trên nền gạch. Trong phòng, em hay bỏ dép đi chân trần. Sự tĩnh lặng
đôi khi làm người ta nghẹt thở, đến nuốt nước bọt cũng khó khăn.



Tủ đựng tài liệu chạy gần hết tường quanh phòng. Nhiều hôm em tìm hoặc
cất tài liệu. Em không về chỗ mà cứ đứng hoặc ngồi ngay trước bàn tôi
xem hoặc sắp xếp giấy tờ. Ánh mắt tôi nửa găm vào màn hình máy vi tính
nửa lại hắt sang em. Bờ vai em tròn lượn xuống lưng. Cái dây áo nịt
ngực lúc thì nằm dọc lúc thì nằm ngang chạy hằn dưới làn áo. Lúc em
quay người lại, dưới một vài sợi tóc và làn da trắng nơi cổ áo là một
khe suối chạy hun hút giữa hai bờ ngực. Hai đường bao cong tạo thành
một cái lõi quả táo mà ai đã ăn hết xung quanh. Nó tròn trịa, cân đối,
trắng hồng và nuốt chửng mọi ánh mắt vô tình hay hữu ý lọt vào.



lần tôi và em cũng cãi nhau. Chuyện chẳng liên quan gì đến công việc
cả. Buổi trưa, thỉnh thoảng các chị lớn tuổi cùng tầng lại nhân lúc
chồng vắng nhà rủ nhau cải thiện. Vì phòng tôi ở góc, lại thêm tôi chắc
dễ bảo nên toàn bị bắt di tản trong trật tự. Nhiều buổi chiều quay lại
thấy bàn ghế ngổn ngang, giấy báo bừa bãi, bát đũa lổng chổng. Bực
nhưng thấy em cứ hơn hớn kể chuyện chị nọ anh kia nên tôi không dám càu
nhàu. Hôm ấy thì thật quá đáng. Khung cảnh đã không có gì tốt đẹp hơn
thì chớ lại còn mùi mắm tôm nồng nặc. Tôi xem bàn mình thì thấy tài
liệu, bàn phím, cả cái quyển đựng name card cũng sặc mùi mắm tôm. Lau
rửa hàng tiếng không bớt mùi. Vừa mới há mồm góp ý liền bị em phê là
không biết thông cảm với chị ý xa chồng. Chồng chị ý vào miền Nam biệt
phái mấy năm nên hôm nay chị ý mới khao lòng lợn mắm tôm để hy vọng
chồng sẽ hiểu tấm lòng mình. Mặc kệ chồng chị ý, tôi gắt lên và ném
quyển sổ bộp một phát xuống nền nhà. Em im bặt, mồm há hốc.


Đêm
về, tôi định bụng xin lỗi em nhưng không biết phải làm thế nào. Gọi
điện thoại không dám, vào mạng để gửi e-mail, chat hay nhắn tin cũng
ngại. Tôi cứ loay hoay suy suy nghĩ nghĩ hết gần cả đêm. Hôm sau đến
cái biết ngay. Mặt lạnh như bom nhé. Quần bò cứng đơ, áo gài cao cổ.
Chiến thuật phòng thủ thấy rõ. Tôi tặc lưỡi, thôi thì phó mặc cho trời.
Không gian im ắng đến nửa ngày. Tiếng lá ngoài sân rụng cũng nghe thấy
rõ. Lại hôm sau nữa, em đẩy một vật ra phía đầu bàn gần tôi. Nhìn kỹ
thì ra cái máy tính của tôi. Chắc là ý định giả đây mà. Tôi cũng mở
ngăn kéo cầm chiếc USB của em cũng đẩy ra góc bàn sát em. Một lát sau
bên kia xuất hiện cuốn Tạp chí Đẹp. Trong số này có bài của tôi viết
nhân một chuyến du lịch, em đã nói tôi tặng em vì em rất thích. Bàn bên
tôi lập tức đáp trả bằng đĩa nhạc M.L (không phải Mỹ Linh). Chữ ký đầy
bướng bỉnh của em vẫn còn lấp lánh ngoài bìa đĩa.


Đến
chiều thì đống đồ hai đầu bàn đã khá nhiều và vẫn giữ được thế cân
bằng. Bên em có thêm tập truyện ngắn Nga chọn lọc, đôi dây buộc tóc
hình chiếc giầy, cái cây ngoáy tai bằng đồng, cái cốc sứ uống nước đã
bị mất nắp. Tôi cũng lôi ra được chiếc cà vạt lụa Tô Châu em mua hồi đi
Trung Quốc, tuýp thuốc mỡ Acyclovir bôi lở miệng, cái lược nhựa đã gãy
2 răng. Em móc trong túi ra cái đeo chìa khoá thả đánh cộc trên mặt
bàn. Tôi tháo đôi tất đang đi ở chân tung lên. Em ngó quanh một lát rồi
bặm môi gõ lộc cộc lên bàn phím. Một lát sau cái thanh Yahoo!Messenger
trên màn hình của tôi sáng rực màu cam. Tôi click. Ô cửa sổ hiện dòng
chữ: -Do^` -da`n o^ng kho^ng cao thu*o*.ng!!!!!!!!


Chết
tôi! Tôi sững người một lát và chợt thấy mình thật trẻ con. Tôi có thể
mở điện thoại di động và xoá tên em. Cũng có thể xoá nick của em khỏi
danh sách bạn trên Y!M. Cũng có thể về nhà tìm xem còn thứ gì của em,
cả đồ lót Narsis mà em đã tặng nữa, để đem trả. Nhưng tôi có gột rửa
được em ra khỏi đầu không. Có thể không đối mặt với em không. Tôi rùng
mình khi nghĩ đến viễn cảnh em xin chuyển sang ngồi chỗ khác. Tôi quen
cái cảm giác có em cười đón tôi mỗi sáng. Biết tôi chưa kịp ăn là thể
nào cũng có gói xôi lạc nóng hổi hay cặp bánh dầy giò thơm phức đặt kín
đáo trên bàn. Mỗi cuốn sách tôi mua, mỗi bài thơ tôi viết đều tưởng
tượng đến nét mặt dịu dàng của em khi đón nhận. Không còn những điều
ấy, cuộc sống có còn ý nghĩa nữa không. Tôi lặng lẽ xếp các đồ vật vào
chỗ cũ. Sang bàn em, ngần ngừ rồi tôi viết: Anh xin lỗi! Lật cuốn tập
truyện ngắn Nga ra tôi gắn mảnh giấy lên đó. Hình như, đúng phải trang
có truyện “Nói hay là im lặng” của A.P. Tchekhov