Những
ngày không lành trôi qua thật chậm chạp và kinh khủng. Em vẫn cao ngạo
và xa vời với cái gáy kiêu sa và trắng dưới làn tóc cuốn cao. Thời gian
trống trải của tôi nhiều hơn. Em ít ở trong phòng hơn. Tiếng kẹt cửa,
tiếng chuông binh boong ngoài thang máy cũng như trêu ngươi làm tôi
luôn giật mình. Nhịp ngày trôi lầm lũi và rỉ rả như viên đá trong tủ
lạnh dần tan chảy. Nó bào mòn ghê gớm những giác quan. Chưa lấy vợ
nhưng tôi đã lờ mờ hiểu thế nào là “chiến tranh lạnh”. Không nói được,
không chửi được, không đập phá được. Hoá ra ước muốn của con người
nhiều lúc giản dị biết bao. Giá em là vợ tôi nhỉ, dứt khoát tôi sẽ tát
cho em một cái. Đương nhiên tôi không hề có ý định đánh phụ nữ, nhất là
vợ của mình. Nhưng những ông chồng mà không bao giờ dám
xì-pác-tác-bôm-bốp cũng khó giữ được hạnh phúc gia đình. Phụ nữ nhiều
khi cần đến niềm đau. Họ hể hả khi được chồng giang tay nện vào má mình
hơn là có một ông chồng nhu nhược, hèn yếu.




Gái
cơ quan – mình có nên khổ sở vì điều đó không nhỉ? Ai cũng biết, bản
thân “gái” đã là một từ rất gợi cảm. Gái đi từ chân quê chất phác mà
ra, đường càng xa thì cái ngữ nghĩa tốt đẹp của nó càng xa thì phải.
Tôi đã đến nhà bạn tôi chơi và thấy cô bạn cấm người giúp việc gọi con
mình là “gái ơi ra ăn cơm”. Ra đến thành phố, gái không chỉ để xác định
giới tính nữa, nó tha hoá thành một danh từ chỉ nghề nghiệp. Đôi khi
đàn ông gọi gái bằng tên động vật như “bò lạc” hay “... móng đỏ”, còn
nhẹ nhàng hơn, những cô gái đó gọi lại bọn họ bằng tên loài bò sát
lưỡng cư: ếch. Vào cơ quan, gái trở thành đề tài đầy thèm muốn và không
biết từ bao giờ nó trở thành một phần của tân tục ngữ mang âm hưởng
thời đại. Gần đây, câu đấy còn phát triển thêm một đoạn nữa để thành:
con thầy, vợ bạn, gái cơ quan, bồ thủ trưởng.



quan đúng là mảnh đất màu mỡ với những quy tắc, luật lệ chung giúp cho
tình yêu nảy nở. Thử nghĩ xem, nếu ngoài đời, anh dễ gì tiếp cận được
một cô gái xinh đẹp. Ấy vậy mà vào cơ quan, dù anh có xấu đui thì vẫn
cứ ngày ngày ngồi cạnh hoa hậu đủ 8 tiếng, miễn cô ấy là người cùng cơ
quan với anh. Có đến 68% đồng nghiệp có tình cảm đặc biệt với nhau. Hai
phần ba trong số ấy muốn kết hôn với người giống như bạn cùng phòng với
mình. Đấy là những gì tôi đọc được trong một cuốn sách. Còn theo bản
Điều tra Tình yêu Công sở năm 2006 do công ty Vault thực hiện, 27.5% số
người điều tra thú nhận đã từng hẹn hò trong công sở, tăng 23% so với
năm ngoái. Cũng không khó hiểu khi với nhiều người, họ hãnh diện khoe
nơi làm việc của mình hơn là nhà mình. Ở đó, họ phát huy được lợi thế
(khi muốn che giấu thân phận) bằng tác phong làm việc hay những bộ
trang phục thường có ít sự lựa chọn.


Ghê
gớm hơn, trang web của Career Builder và MSN Advice đưa ra lời khuyên
về 10 điều khiến bạn dễ mất việc nhất và Điều thứ 6 chính là do Bắt đầu
một tình yêu công sở: Trừ khi hai người thuộc hai bộ phận không liên hệ
mật thiết với nhau trong một tổ chức, việc bắt đầu một tình yêu công sở
không được cho là ý tưởng hay. Nếu yêu cấp trên, tình yêu đó sẽ bị nghi
ngờ và mọi thăng tiến hay lương thưởng đều bị dèm pha cho dù thế nào đi
nữa. Nếu yêu cấp dưới, nguy cơ bị cáo buộc tội lạm dụng tình dục là rất
rõ ràng. Và cho dù yêu ai đi nữa, kết quả của tình yêu đó và những hành
vi kỳ lạ thường thấy trong tình yêu lãng mạn sẽ được đồng nghiệp nhớ
đến và suy diễn lâu dài. Cái này thì nghe chừng có lý, bài học nổi
tiếng từ cựu Tổng thống Mỹ B. Clinton với cô Monica L hay gần đây nhất
là Chủ tịch World Bank (nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ - Ông Paul
Wolfowitz) buộc phải từ chức vì nâng lương trái phép cho bạn gái rất có
thể làm bạn phải đắn đo.


Gạt
sang một bên những cuốn sách và bản điều tra, tôi vào các diễn đàn trực
tuyến tìm lời tư vấn. Nick quocthai ngay lập tức chia sẻ “Một số kinh
nghiệm đau thương khi yêu người cùng cơ quan: 1/ Không bao giờ biết
được tiền lương của mình nó tròn méo như thế nào. 2/ Không bao giờ có
được thời gian nhàn rỗi đi nhâm nhi với bạn bè ly bia sau giờ làm việc.
3/ Năng suất lao động của mình, của người đang yêu mình, và của những
người đang theo dõi bàn tán về mình... cực kỳ thấp. 4/ Sẽ có nhiều đối
thủ nặng ký tìm cách chơi khăm mình. 5/ Sẽ dễ dàng mất việc làm, nếu
một trong các đối thủ lại là xếp. 6/ Sau này lỡ một trong 2 lập gia
đình, thì mất luôn quan hệ đồng nghiệp. 7/ Còn nếu cả hai người đến
được với nhau sẽ có nguy cơ thành văn phòng gia đình trị…”. Bạn đọc có
thể tham khảo ở đường link sau:
(http://www.diendanvanhoathethao.net/...mp;postcount=6)”.


Tôi
chờn chợn nhưng thâm tâm lại thấy bùng lên cái cảm giác được thách
thức. Tình ái đâu phải là trò chơi mà toàn rủi không có may. Tôi quyết
định dấn thân một chuyến, biết đâu mọi thứ đều có vẻ chống lại tôi cả
chỉ trừ em.

Em chỉ làm lành hẳn với tôi khi hai đứa được cử đi công
tác ở một thành phố phía Nam. Tôi đã vài lần đi nhưng em thì lần đầu.
Em háo hức xếp đặt đồ đạc. Gọi điện cho bạn và hý hoáy ghi địa chỉ các
nơi mua sắm. Chúng tôi ở một khách sạn ngay mặt đường. Em ở tầng 2, tôi
ở tầng 3. Trước ngày bay ra, buổi tối bữa cơm kết thúc sớm. Chúng tôi
về khách sạn lúc 9 giờ tối. Khách sạn không xấu, ở khách sạn cũng không
có gì là xấu. Vậy mà khi hai đứa lấy chìa khoá, cậu lễ tân cứ cười tủm
tỉm. Buổi tối không có nhiều thời gian. Thời điểm cũng không quá muộn
nhưng cũng không quá sớm làm tôi khó lên giường ngủ ngay được. Gần như
bản năng, tôi nghĩ ngay đến em. Lại chọn cách nhắn tin qua điện thoại
vậy. Tôi gửi đi: *** som chan bo xu! Dễ đến mười phút sau mới có hồi
âm. Không biết em bận hay mạng điện thoại bận. Em hỏi lại: Khong ***
thi lam gi? Tôi mời: Uong ca phe di! Đi uống cà phê là một cái cớ phải
nói rất hay và khá công hiệu.


Người
ta có thể mời nhau đi uống cà phê nhưng không nhất thiết phải uống đúng
cái thứ nước đen và đắng ấy. Quán cà phê cũng không nhất thiết chỉ ngồi
để uống cà phê. Thường thì quán có đủ không gian cho những nhu cầu khác
nhau phù hợp với các cung bậc tình cảm. Bạn có thể rủ bạn bè, gia đình
hay cả người yêu đến quán. Sẽ có chỗ ngồi đúng gu cho bạn. Người miền
Nam uống cà phê nhiều hơn người miền Bắc. Họ cũng sẵn lòng trả nhiều
tiền hơn cho thú vui này. Phải vì vậy mà quán cà phê trong phía Nam rất
nhiều và đa dạng. Em nhắn: Cho em mot lat. Đúng một lát tôi xuống gõ
cửa. Em đã thay một bộ đồ khác. Cái áo thun đen dài tay khá rộng cổ.
Quần short kẻ ca rô tối màu với chiếc thắt lưng da to bản.


Quán
có tên Thiên đàng. Thiên đàng nhưng rất nghèo nàn và tuềnh toàng. Ngồi
một lát thì hoá ra không phải. Người ta dùng toàn đồ tốt nhưng đã cố
tình phủ lên chúng những lớp sơn bong tróc, những màu thời gian cũ kỹ.
Kể ra tầm này mà lên Thiên đàng cũng hơi sớm nhưng tại cái quán này
tối, có vẻ vắng nữa. Em vuốt tay vào những nan gỗ bên vách quán mà nói
chuyện về ngôi nhà mơ ước. Nhà sẽ có sân, có vườn thật nhiều cây cảnh,
có những hàng rào gỗ, có cả *** Bec giê giữ nhà. Tôi bảo em nên sang
Châu Quỳ mà mua, bên ấy có *** nghiệp vụ của an ninh thải ra dùng trông
nhà rất tốt. Em bảo em thích học để tự lái xe ô tô. Tôi khuyên em nên
tìm đất xây nhà ở chỗ nào ít hồ ao. Em bảo em mạng Mộc nên thích những
gì có màu vàng trang điểm cho ngôi nhà. Tôi bảo thế thì em tìm cây cảnh
hơi khó vì rất ít cây có lá màu vàng. Em muốn nhà sẽ có hai chị giúp
việc. Một chị chuyên dọn nhà và một chị chuyên nuôi em bé.

Những
người yêu nhau ít khi nói chuyện dính dáng đến em bé. Nói chuyện đến em
bé tức là họ sắp lấy nhau mất rồi. Lấy nhau không có nghĩa là không yêu
nhau nhưng đã nói chuyện lấy ai đó thì dứt khoát phải tính toán. Mà đã
toan tính thì dễ bóp chết tình yêu lắm. Tôi và em chưa yêu nhau nên
cũng có thể nói chuyện về em bé được. Vì vậy tôi khuyên em đừng nên
chọn chị giúp việc đang phải nuôi em bé. Thế thì thành ra mình phải
trông người giúp việc à. Em nghiêm mặt giải thích cho tôi biết là chị
giúp việc sẽ trông em bé của em. Em nhắc lại là của em, vâng chính em,
chứ không phải em bé nhà chị giúp việc. Tôi thì vẫn nghĩ giá em tự
trông em bé của mình thì vẫn hay hơn là để chị giúp việc trông em bé
của em. Chị giúp việc dĩ nhiên là trông được em bé của em nhưng vẫn
không bằng em tự trông em bé của em hay chị giúp việc trông em bé của
chị giúp việc. Nghĩ thế thôi nhưng tôi không nói. Tôi chợt nhớ ra muốn
trông em bé thì mình phải làm ra em bé trước đã. Tôi liền rủ em về.


(còn nữa)