[table] Tài trợ bản tin |







|



|



|



[/table]





getTimeString('2008/05/21 19:15:01');Thứ Tư, 21/05/2008,19:15
Giải pháp cấp bách để "cứu" chứng khoán


Trước tình hình thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam
giảm mạnh trong thời gian dài, và ngày 21/5 thị trường đóng cửa ở mức
441,75 điểm, giảm 7,49 điểm (-1,67%), rất nhiều nhà đầu tư đã lộ rõ sự
bất ổn đối với TTCK cho dù vẫn đang cố gắng nghe ngóng các giải pháp
quản lý từ phía Nhà nước.


Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với bà Vũ Thị Kim
Liên - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xung quanh vấn
đề này.


PV: Thưa bà, trước đây, UBCKNN từng có thông tin rằng nếu Vn -Index xuống dưới 500 điểm, UBCK sẽ có kiến nghị nhằm “cứu” TTCK?


- Bà Vũ Thị Kim Liên: Trước những diễn biến của TTCK,
Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng và Thường trực Chính phủ, phối hợp
với các Bộ, ngành liên quan để triển khai các giải pháp bình ổn và phát
triển thị trường, trong đó có việc giãn đấu giá và tăng vốn của các
doanh nghiệp, Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mua vào chứng
khoán khi giá chứng khoán xuống mạnh và thắt chặt biên độ giao dịch để
ổn định tâm lý nhà đầu tư.


Tuy nhiên, trước những diễn biến bất lợi của nền kinh
tế vĩ mô có tác động tới TTCK như tăng: lãi suất huy động vốn, áp lực
bán chứng khoán cầm cố, repo đến hạn, giá dầu liên tục tăng cao, lạm
phát tăng... nên TTCK liên tục suy giảm. UBCKNN đang tiếp tục đề xuất
lên Bộ Tài chính và Chính phủ những giải pháp cấp bách để ổn định thị
trường như: giãn bớt việc thắt chặt tín dụng với TTCK và bất động sản,
hạn chế việc giải chấp chứng khoán, trình Quốc hội lùi thời gian áp
dụng thuế thu nhập từ đầu tư chứng khoán, cho phép các ngân hàng nước
ngoài được mua cổ phiếu của các ngân hàng niêm yết lên đến 5% nhưng
không phải xét chấp thuận của NHNN...


Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang trình Thủ tướng Chính
phủ ban hành văn bản sửa Quyết định 238/QĐ-TTg và Quyết định 36/QĐ-TTg
về sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo hướng làm rõ khái niệm về NĐT
nước ngoài và phân loại tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài tại từng loại
hình doanh nghiệp, cụ thể là: đối với công ty niêm yết: tối đa 49%; đối
với công ty đại chúng chưa niêm yết áp dụng theo danh mục ngành nghề
được quy định, trước mắt áp dụng tỷ lệ 40% theo ý kiến chỉ đạo của Thủ
tướng Chính phủ; đối với doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá áp dụng theo
tỷ lệ quy định trong quyết định phê duyệt cổ phần hóa...Tuy nhiên nhưng
biện pháp này cũng cần có độ trễ nhất định.


PV: Nhiều nhà đầu tư cho rằng: TTCK đang mất dần
tính thanh khoản và rất có khả năng sẽ có đóng băng giao dịch, bà nhận
xét gì về vấn đề này?


- Bà Vũ Thị Kim Liên: Mỗi giải pháp đưa ra đều có
những tác động tích cực và tiêu cực đối với thị trường. Thực tế cho
thấy, biện pháp thắt chặt biên độ dao động giá đã có tác động tích cực
trong việc hạn chế đà giảm điểm của chứng khoán song cũng làm cho tính
thanh khoản của thị trường suy giảm. Tuy nhiên, khả năng đóng băng giao
dịch là rất thấp. Diễn biến giao dịch thị trường vừa qua cho thấy nhà
đầu tư nước ngoài (NĐT) vẫn duy trì lượng mua vào nhiều hơn bán ra, giá
trị giao dịch của NĐT nước ngoài chiếm đến 40% giá trị giao dịch toàn
thị trường. Giá trị giao dịch khớp lệnh của cổ phiếu giảm nhưng giá trị
giao dịch trái phiếu và quy mô đặt lệnh của NĐT vẫn không giảm. Về dài
hạn, TTCK vẫn là một kênh đầu tư tiềm năng theo đánh giá của các định
chế tài chính đầu tư chuyên nghiệp.


PV: Để ngăn chặn thị trường tiếp tục giảm sâu, có
ý kiến cho rằng cơ quan quản lý nhà nước nên sớm “mở room” đối với NĐT
nước ngoài? Bà có bình luận như thế nào?


-Bà Vũ Thị Kim Liên: Để thực hiện các cam kết gia nhập
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các cam kết quốc tế khác, Việt Nam
chắc chắn sẽ phải tiến hành mở cửa TTCK cho NĐT nước ngoài ở mức độ cao
hơn. Tuy nhiên, việc nới rộng tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài vào
TTCK cần được cân nhắc kỹ với lộ trình thích hợp để đảm bảo yếu tố ổn
định kinh tế và an ninh quốc gia. Hiện nay, Bộ Tài chính đang trình thủ
tướng Chính phủ ban hành văn bản sửa QĐ238 và QĐ 36 với nội dung đã
được đề cập trên đây.


PV: UBCK, Bộ Tài chính trả lời thế nào trước băn
khoăn của nhà đầu tư về việc có hay chưa đánh thuế đối với nhà đầu tư
chứng khoán?


-Bà Vũ Thị Kim Liên: UBCKNN đã có tờ trình Bộ Tài
chính và có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung danh mục kinh
doanh chứng khoán vào đối tượng ưu đãi; cho phép các công ty chứng
khoán thành lập trong năm 2006 ( trước ngày Luật chứng khoán có hiệu
lực là ngày 1/1/2007) được tiếp tục hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh
nghiệp. Đồng thời, UBCKNN cũng đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ báo
cáo Quốc hội xem xét kéo dài thời gian ưu đãi thuế đối với đầu tư, kinh
doanh chứng khoán sau năm 2009.


PV: Cảm ơn bà.