Thứ Tư, 15/06/2011 00:17
“Ôm” tiền cổ đông chơi chứng khoán?
Vốn điều lệ chỉ hơn 8 tỉ đồng (35% vốn Nhà nước) nhưng lãnh đạo Công ty Cổ phần Sở hữu Công nghiệp Investip đầu tư chứng khoán hơn 12 tỉ đồng
Công ty Cổ phần Sở hữu Công nghiệp Investip (Công ty Investip) tiền thân là Công ty Sở hữu Công nghiệp thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ; trong đó, vốn Nhà nước do ông Nguyễn Ngọc Song, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Khoa học - Công nghệ), đại diện sở hữu là 35%, còn lại 65% số vốn cổ phần do các cá nhân sở hữu.
Từ một đơn vị hoạt động xuất sắc, sau cổ phần hóa, hoạt động của Công ty Investip liên tục đi xuống và có nhiều dấu hiệu thiếu minh bạch dẫn tới khiếu kiện kéo dài.
Ém nhẹm thông tin
Đơn phản ánh của các cổ đông Công ty Investip gửi tới Báo Người Lao Động cho rằng sau khi cổ phần hóa, lợi nhuận hằng năm của công ty thấp một cách bất thường. Trong 3 năm liền (2008-2010), mỗi năm, ban lãnh đạo công ty chỉ công bố lợi nhuận sau thuế từ 1,2 -1,5 tỉ đồng (bằng một phần nhỏ trước khi cổ phần hóa).
Ngoài ra, lãnh đạo công ty cũng không cung cấp cho cổ đông các thông tin cần thiết về tình hình tài chính và kết quả kinh doanh. Trong các buổi họp, hội đồng cổ đông chất vấn nhưng lãnh đạo công ty không trả lời thỏa đáng. “Nhiều lần tôi đã phản đối báo cáo tài chính của công ty và chất vấn tại hội đồng cổ đông nhưng không được HĐQT trả lời thấu đáo” - ông Phí Long, thành viên Ban Kiểm soát Công ty Investip, cho biết.
Gần nhất, cuối tháng 3-2011, bản báo cáo tài chính và kết quả kinh doanh năm 2010 do ông Nguyễn Tài Long, Giám đốc Công ty Investip, công bố cũng không có phần thuyết minh.
Chính vì thế, khi tiếp nhận những thông tin doanh thu toàn công ty là 22,9 tỉ đồng, chi phí là 21,2 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế là 1,2 tỉ đồng thì cổ đông không hiểu nổi các con số này được dựa trên cơ sở nào. Nhiều cổ đông đã không đồng ý với báo cáo này vì cho rằng trước khi cổ phần hóa, lợi nhuận của công ty đều ở mức 10-15 tỉ đồng/doanh thu từ 25-35 tỉ đồng.
Đầu tư vượt vốn điều lệ
Theo phản ánh của các cổ đông, đến hết ngày 31-12-2005, số dư vốn Nhà nước tại Công ty Investip là khoảng trên 7,7 tỉ đồng. Qua năm tài chính 2006 và nửa đầu của năm 2007, số dư này tăng lên tới hơn 14 tỉ đồng. Theo quy định, số tiền này phải hoàn trả về ngân sách Nhà nước nhưng đến nay, vẫn đang nằm trong tài khoản của công ty.
Theo bảng cân đối kế toán ngày 31-12-2010, công ty có tổng tài sản là 39,4 tỉ đồng; vốn điều lệ 8 tỉ đồng; khoản đầu tư tài chính ngắn hạn số đầu năm là 12,6 tỉ đồng, số cuối năm là trên 12,9 tỉ đồng.
Tại buổi họp hội đồng cổ đông vào tháng 3 vừa qua, ông Nguyễn Tài Long cho biết đây là khoản đầu tư chứng khoán do ban lãnh đạo cũ của công ty để lại trước khi ông về tiếp quản.
Điều đáng nói là tới thời điểm 29-3, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn này vẫn không được trích lập dự phòng. “Chúng tôi đã chất vấn với số vốn điều lệ chỉ hơn 8 tỉ đồng mà lại đầu tư vào chứng khoán hơn 12 tỉ đồng thì có phải công ty đã sử dụng cả số tiền chưa chuyển về ngân sách Nhà nước trước thời điểm cổ phần hóa hay không? Ông Tài Long cũng chỉ cho biết vốn là từ tài sản của công ty và không giải thích gì thêm” - ông Mai Đức Long, một cổ đông của Công ty Investip, nói.
Ban lãnh đạo phải chịu trách nhiệm
Lý giải về việc tại sao đến thời điểm này vẫn chưa kiểm toán xong số tiền phải chuyển về ngân sách Nhà nước, ông Nguyễn Ngọc Song, người đại diện vốn Nhà nước tại Công ty Investip, cho biết do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. “Công ty cũ trước khi cổ phần hóa phải làm báo cáo quyết toán tài chính, sau đó chuyển cho cục thuế thì cục thuế mới vào làm việc và xác định số tiền nộp thuế như thế nào, rồi mới có thể kiểm toán” - ông Song nói. Theo ông Song, báo cáo quyết toán tài chính phải do lãnh đạo công ty cũ ký duyệt nhưng bản thân ông giám đốc cũ (ông Lê Tư - PV) đã nghỉ hưu và ốm đau suốt (?!).
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phi Long cho rằng việc đầu tư chứng khoán là quyết định riêng của một số cá nhân trong HĐQT Công ty Investip và không có sự đồng ý của đại hội cổ đông. “Nếu xảy ra thua lỗ, thất thoát vốn Nhà nước thì ban lãnh đạo phải chịu trách nhiệm” - ông Phi Long nói.