Đại hội cổ đông Investip:
Đại diện vốn nhà nước: Có như không
Thứ Tư, 30.3.2011 | 09:10 (GMT + 7)
Nhiều cổ đông nhỏ của CTCP Sở hữu công nghiệp Investip đã tỏ ra bức xúc trong phiên đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm 2011 của Cty diễn ra ngày 29.3.

Sự bức xúc này xuất phát từ các vấn đề: Minh bạch tài chính của Cty, quyền lợi cổ đông nhỏ, kiểm soát phần vốn nhà nước sau CPH.

“Giấu” thuyết minh tài chính

Ngay trước giờ đại hội, một cổ đông của Cty nắm giữ tới 15.000 trong tổng số 800.000 cổ phần của Cty (tương đương trên 18% VĐL) rất bức xúc khi trao đổi với PV Lao Động về thông tin “tù mù” về tình hình tài chính của ban lãnh đạo Cty. Trong báo cáo tài chính và kết quả kinh doanh năm 2010 của Cty (được kiểm toán bởi Cty Hợp danh kiểm toán Việt Nhất - chi nhánh Hà Nội) do GĐ Cty công bố trước đại hội không có phần thuyết minh báo cáo.

Chính vì vậy, khi tiếp nhận các con số: Doanh thu toàn Cty là 22,9 tỉ đồng, chi phí là 21,2 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1,2 tỉ đồng, các cổ đông không hiểu các con số trên được tính toán trên các cơ sở nào. Khi được hỏi, cả chủ tịch và phó chủ tịch HĐQT Cty đều nói rằng “đến Cty sẽ cho xem các con số đầy đủ”, còn trước đại hội (dù các cổ đông có quyền chính đáng được biết) cũng không công khai. Chính vì thế, đã có rất nhiều cổ đông không biểu quyết đồng tình với báo cáo này; bởi những năm trước CPH, lợi nhuận của Cty đều ở mức từ 10-15 tỉ đồng/doanh thu từ 25-35 tỉ đồng. Tỉ suất lợi nhuận/doanh thu của năm 2010 như thế là quá thấp, kiến nhiều người đặt câu hỏi về năng lực điều hành và quản lý của lãnh đạo.

Mang tiền nhà nước đầu tư CK?

Vấn đề được nhiều chất vấn nhất là khoản đầu tư tài chính của Cty lên tới hơn 12 tỉ đồng. Theo bảng cân đối kế toán (ngày 31.12.2010), Cty có tổng tài sản là 39,4 tỉ đồng, VĐL 8 tỉ đồng, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn số đầu năm là 12,65 tỉ đồng, số cuối năm là 12,92 tỉ đồng. Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty Nguyễn Tài Long tiết lộ, đây là khoản đầu tư CK của Cty gồm các CP đã niêm yết (trong đó có VCB, PVFC...). Khoản đầu tư này do ban lãnh đạo cũ của Cty để lại trước khi ông Long về tiếp quản (năm 2008) nên nằm ngoài khả năng giải quyết; nhưng các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn này không được trích lập dự phòng (đến ngày 29.3.2011, Cty mới xin ý kiến ĐHCĐ có nên trích lập 10% hay không).

Cổ đông cho rằng, với VĐL chỉ 8 tỉ đồng mà Cty đầu tư CK tới hơn 12 tỉ đồng thì lấy vốn này ở đâu? Ông Long chỉ trả lời chung chung, do Cty không vay NH, nên vốn là từ tài sản của Cty. Trước câu hỏi, liệu đây có phải là phần vốn phải chuyển về cho ngân sách nhà nước sau CPH, nhưng do chưa chuyển mà Cty mang đầu tư CK, trong trường hợp thất thoát, ai chịu trách nhiệm, ông Long cho rằng, HĐQT cũ hiện không còn ai đương nhiệm. Họ quyết định rồi họ từ nhiệm (và chính các cổ đông đã đồng ý cho họ từ nhiệm). Ông Long chỉ dám “hứa” sẽ cố gắng khắc phục hậu quả trên.

Người đại diện: Có như không?

Dù được CPH và bắt đầu được hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0103017984 do Sở KHĐT Hà Nội cấp ngày 15.6.2007 và đăng ký thay đổi lần 4 ngày 24.5.2010, nhưng tới nay các công việc hoàn trả lợi nhuận một số năm trước CPH cho nhà nước, chuyển vốn thuộc sở hữu nhà nước cho SCIC vẫn chưa được thực hiện.

CTCP Sở hữu công nghiệp Investip - tiền thân là Cty Sở hữu công nghiệp trực thuộc Bộ KHCN. Sau CPH, phần vốn nhà nước được xác định tại Cty là 2,8 tỉ đồng (chiếm 35% VĐL) không tính các khoản khác. Người đại diện phần vốn nhà nước là ông Nguyễn Ngọc Song - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ KHCN). Điều đáng nói là, ông Song cũng nằm trong ban CPH, nhưng lại khẳng định không hề hay biết cụ thể khoản đầu tư CK lên tới hơn 12 tỉ đồng. Trong các buổi họp ĐHCĐ các năm trước cũng như họp HĐQT, đại diện này nếu không có mặt thì vẫn được gửi báo cáo cuộc họp, nhưng ông Song khẳng định “không nghe rõ về con số cụ thể”. Khi được chất vấn về trách nhiệm của đại diện phần vốn nhà nước đối với hoạt động của Cty cũng như tiến độ chuyển giao vốn cho SCIC, ông Song cho biết: “Cá nhân tôi ý thức được được vai trò đại diện. Còn trách nhiệm tới đâu thì Quy chế người đại diện đã quy định rõ”.

Sắp tới, Quy chế người đại diện sửa đổi sẽ được ban hành theo hướng tăng quyền và trách nhiệm. Tuy nhiên, theo quy chế hiện nay, người đại diện phải có trình độ chuyên môn về kinh tế - tài chính hoặc lĩnh vực kinh doanh của DN có vốn đầu tư của TCty; có năng lực kinh doanh và tổ chức quản lý DN... Một số cổ đông cho rằng, việc đầu tư tài chính vượt cả VĐL mà không trích lập của Cty mà đại diện này không biết cụ thể thì phải xem lại. Investip sau CPH có bổ sung ngành nghề kinh doanh nhưng nền tảng vẫn là dịch vụ sở hữu trí tuệ, thực hiện các dự án không chỉ thuộc phạm vi Chương trình 68 (Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho DN) mà còn thực hiện các đề tài, dự án về KH&CN của các địa phương. Nhưng doanh thu 2010 phần lớn đến từ tài chính (1,6 tỉ đồng lợi nhuận 2010 thì có 1,4 tỉ đồng từ chênh lệch tỉ giá).

Vai trò người đại diện đóng góp cho sự phát triển của DN và việc quản lý vốn nhà nước hiện vẫn còn đang gây tranh cãi, không chỉ ở một DN có vốn siêu nhỏ Investip mà còn ở các DN có mức vốn lớn hơn rất nhiều lần. Nhưng ĐHCĐ CTCP Sở hữu công nghiệp Investip ngày 29.3 cũng nói lên nhiều vấn đề, không chỉ ở việc quản lý vốn nhà nước tại các Cty nhà nước sau CPH (hiện vẫn chưa rõ tiến độ chuyển giao tại CTCP Sở hữu công nghiệp Investip bởi theo GĐ Cty cần phải thuê đơn vị xác định lại giá trị tài sản Cty), mà còn vấn đề quyền lợi cổ đông nhỏ (khi hai cổ đông lớn đã chiếm trên 50% tại Investip), minh bạch thông tin khi chưa niêm yết PC (nhất là các CTCP có số cổ đông dưới 100)...

http://laodong.com.vn/Tin-Tuc/Dai-di...hu-khong/37917