Chìa khóa giải quyết lạm phát


Trước tình hình lạm phát vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, TBKTSG đã tổ chức một bàn tròn qua thư điện tử với một số nhà kinh tế trẻ (ở lứa tuổi 30, 40) về những giải pháp khả dĩ trong bối cảnh các công cụ kiềm chế lạm phát không còn nhiều dư địa để triển khai.

Ngắn hạn và dài hạn
Trước hết, một số ý kiến cho rằng các biện pháp hành chính tác động lên tỷ giá trong thời gian vừa qua chỉ có tính hiệu quả nhất thời.
TS Phạm Thế Anh (Đại học Kinh tế Quốc dân) nhận định: “Đơn giản nó là sự dịch chuyển dòng đầu cơ từ thị trường ngoại tệ và vàng sang thị trường tiền đồng do lãi suất tiền đồng đang hấp dẫn. Sự dịch chuyển này không chỉ diễn ra ở thị trường ngoại hối và vàng mà còn ở cả thị trường bất động sản”.
TS Anh dự báo: “Về lâu dài nếu các vấn đề căn bản của kinh tế Việt Nam không được giải quyết như: tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng ít phụ thuộc hơn vào nguyên vật liệu nhập khẩu, gia tăng giá trị hàng xuất khẩu, cắt giảm chi tiêu công và theo đó là mức tăng trưởng cung tiền... thì đến một lúc nào đó khi lãi suất tiền đồng hạ xuống, thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách tiếp tục ở mức cao thì dòng đầu cơ sẽ dịch chuyển theo hướng ngược lại”.
TS Lê Hồng Giang (Tactical Global Management, Úc) cũng cho rằng những biện pháp hành chính trong thời gian qua có tác động vào tâm lý và cán cân cung cầu ngoại hối trong ngắn hạn, do vậy có tác động [tích cực] vào mặt bằng tỷ giá. Nhưng các yếu tố cơ bản làm tiền đồng tiếp tục yếu đi vẫn còn: lạm phát cao, thâm hụt thương mại lớn, dòng vốn chảy vào chậm lại.
TS Giang ví von: “Bởi vậy nếu nói các chính sách can thiệp vừa rồi thành công là quá vội, con bệnh đã được giảm sốt nhưng chưa thể nói đã được chữa khỏi bệnh”.
Tuy nhiên, ở hướng ngược lại, TS Lê Anh Tuấn (Dragon Capital) muốn nhấn mạnh đến yếu tố ngắn hạn hơn là dài hạn, bởi theo anh, “thử hỏi nếu tỷ giá không được kiềm chế như vừa rồi thì lạm phát có lẽ không phải là 3,3% mà có lẽ đã là 4-5%”. Theo anh, lạm phát cao có lẽ là do Chính phủ đã quá mạnh tay trong xử lý các vấn đề dài hạn (tăng giá xăng, giá điện, giá than…) nên đã tạo ra cú sốc ngắn hạn.
TS Nguyễn Tú Anh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cũng đồng quan điểm này khi cho rằng các bước đi vừa qua của Chính phủ là hợp lý. Anh nhận định: “Những diễn biến trên thị trường ngoại hối vừa qua cho thấy phản ứng của thị trường là khá tích cực đối với chính sách của Chính phủ. Lạm phát vẫn còn cao là do thực hiện chính sách sốc giá một lần cho dứt khoát”. Vì thế anh suy luận, nếu tháng 5 tốc độ tăng giá giảm, đó sẽ là dấu hiệu tốt cho các chính sách hiện nay của Chính phủ. Nếu giá tiếp tục leo thang có nghĩa là các chính sách hiện nay đã không được thị trường đáp ứng như mong đợi.
Thế còn trung hạn thì sao?
TS Lê Hồng Giang cho rằng đô la Mỹ trong thời gian vừa qua mất giá rất mạnh so với đa số các đồng tiền lớn khác - bởi vậy cũng có tác động đáng kể vào cung cầu và tỷ giá đô la Mỹ - tiền đồng - và dự báo: “Nếu đô la Mỹ quay đầu tăng giá sau khi quá trình nới lỏng tiền tệ của Mỹ chấm dứt vào tháng 6 như nhiều người dự báo, tiền đồng sẽ lại chịu sức ép mất giá”. Vì thế anh Giang cho rằng với người làm chính sách quan trọng là chú ý đến tỷ giá thực giữa tiền đồng và một rổ tiền tệ các nước mà Việt Nam có giao thương chứ không phải tỷ giá của tiền đồng với một ngoại tệ cụ thể.
Chia sẻ nỗi lo ngại này, TS Nguyễn Quốc Hùng (Viện các nền kinh tế đang phát triển, Nhật Bản) đặt câu hỏi lượng kiều hối (lên đến hơn 8 tỉ đô la Mỹ năm 2010) sẽ giảm như thế nào sau những biện pháp mang tính không khích lệ người dân nắm giữ đô la. Cũng có thể dòng tiền này sẽ hoán đổi qua tiền đồng để hưởng lãi suất cao trong một, hai quí nữa; nó cũng có thể chững lại để nghe ngóng động thái tỷ giá trong tương lai.
Anh Hùng nhận định, trong cuộc họp gần đây Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nâng kỳ vọng lạm phát của Mỹ và có thể chấm dứt chính sách lãi suất gần bằng không trong thời gian tới, cộng với việc kinh tế châu Âu và Nhật ấm trở lại thì chi phí sử dụng đồng vốn khắp thế giới cũng sẽ đắt thêm chứ không như bây giờ.
Với cái nhìn thực tế hơn, TS Lê Anh Tuấn thừa nhận mặc dù Chính phủ bắt buộc phải gửi tín hiệu liên tục ra thị trường là tiếp tục thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát, nhưng cũng nên điều hòa tính thanh khoản cho thị trường một cách linh hoạt hơn. “Nếu không, chính sách tiền tệ sẽ đi vào vùng “lợi bất cập hại” cho nền kinh tế”, anh nhận định và cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tung tiền đồng ra để mua ngoại tệ đưa vào dự trữ là bước đi cần thiết.
Vậy NHNN có thể làm được gì?
Trước lo ngại nếu NHNN mua đô la, bán tiền đồng ra để bình ổn tỷ giá sẽ gây áp lực lên lạm phát, TS Phạm Thế Anh cho rằng, NHNN có đầy đủ các công cụ để cải thiện dự trữ ngoại hối mà không sợ gây áp lực tăng cung tiền đồng và lạm phát.
“Vấn đề là ở chỗ họ có muốn sử dụng hay không mà thôi” TS Anh nhấn mạnh và đưa ví dụ: “Khi mua vào ngoại tệ, NHNN có thể thu hồi cung tiền đồng về thông qua cửa sổ tái cấp vốn/tái chiết khấu và hạn chế cung ứng thêm tiền ra qua các cửa sổ này. Ngoài ra, cung tiền đồng còn có thể được kiểm soát thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Đặc biệt, khi thanh khoản tiền đồng của các ngân hàng thương mại (NHTM) được cải thiện nhờ việc mua vào ngoại tệ và bán ra nội tệ từ NHNN, thì việc tăng dự trữ bắt buộc lúc đó sẽ rất hiệu quả trong việc hút cung tiền đồng về”.
Năm 2007, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài ồ ạt chảy vào, NHNN đã không sử dụng các công cụ để trung hòa lượng cung tiền đồng nên đã gây lạm phát đến 28% trong năm 2008.
TS Lê Hồng Giang gợi ý thêm những biện pháp trung hòa khác như NHNN phát hành trái phiếu của chính mình, hoặc buộc các NHTM phải mua như năm 2008 hoặc trả lãi suất đủ cạnh tranh để các NHTM chấp nhận giữ nó. TS Giang nhận định: “Gánh nặng lãi suất thực ra không quá lớn vì lạm phát của Việt Nam đang rất cao”. Anh cho rằng, tất nhiên NHNN còn có thể tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc để hút tiền đồng về mà không cần trả lãi suất. Hiển nhiên giới ngân hàng sẽ không thích chính sách này nên cho đến nay NHNN vẫn chưa áp dụng.
Như vậy vấn đề hiện nay là chính sách phải nhắm cả yếu tố ngắn hạn và yếu tố dài hạn. TS Lê Anh Tuấn nhận xét các giải pháp chiến thuật trên thị trường ngoại hối, thị trường vàng đã có kết quả thì nay cần chú ý đến các vấn đề dài hạn khi chính sách tiền tệ đã không còn dư địa để giải quyết chuyện lạm phát. “Chìa khóa của giải pháp dài hạn là tính hiệu quả của đầu tư và chính sách tài khóa phải nhắm đến yếu tố này. Đó là vấn đề mô hình kinh tế và định hướng kinh tế mà Nhà nước đang theo đuổi”, anh kết luận.

Nỗi lo trái phiếu
Cái tôi lo ngại hơn là đầu tư từ nguồn trái phiếu chính phủ (TPCP). Theo thông tin từ Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBA) thì tổng lượng TPCP phát hành theo kế hoạch trong năm 2011 là 95.000 tỉ đồng. Cho tới nay Kho bạc Nhà nước đã phát hành thành công khoảng hơn 14.000 tỉ. Ngoài ra, lượng TPCP bảo lãnh (của Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng Chính sách Xã hội) được phát hành ra cũng rất lớn. Từ đầu năm đến nay lượng TPCP bảo lãnh đã phát hành được khoảng hơn 43.000 tỉ đồng. Nếu chi tiêu công không được cắt giảm quyết liệt, thâm hụt ngân sách vẫn diễn ra, thì sức ép đối với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để lượng TPCP theo kế hoạch phát hành thành công là rất lớn.
Muốn phát hành thành công TPCP, một là Kho bạc Nhà nước phải nâng lãi suất trần TPCP ngang ngửa với lãi suất trên thị trường hoặc NHNN phải chấp nhận repo lại lượng trái phiếu này qua nghiệp vụ thị trường mở hoặc qua cửa sổ tái chiết khấu với lãi suất thấp. Đây là những biện pháp sẽ làm căng thẳng thêm thâm hụt ngân sách và tăng trưởng cung tiền. Do vậy, việc chống lạm phát không thể chỉ ở NHNN và còn đòi hỏi ở cả chính sách tài khóa. Gốc rễ của vấn đề vẫn phải là cắt giảm chi tiêu công quyết liệt.
TS Phạm Thế Anh
Tỷ giá và nhập siêu
Tỷ giá đi xuống, có cơ hội làm chi phí nhập khẩu giảm và do đó có thể làm giảm sức ép lạm phát. Đồng thời khi người dân đổi đô la sang tiền đồng để hưởng lãi suất cao hơn sẽ làm tăng thanh khoản cho các ngân hàng. Lãi suất có cơ hội giảm. Lãi suất và tỷ giá giảm sẽ giảm được chi phí sản xuất, do đó sẽ giảm được áp lực lạm phát. Tỷ giá sẽ giảm trước như chúng ta đã thấy, tiếp theo lãi suất sẽ giảm và cuối cùng lạm phát sẽ giảm. Khi xu hướng này bắt đầu được nhận diện thì Ngân hàng Nhà nước cần phải theo dõi sát xu hướng này để điều tiết lượng cung tiền một cách phù hợp với mục tiêu cao nhất là kiềm chế lạm phát.
Nhiều người lo ngại tỷ giá thấp sẽ làm tăng nhập siêu. Điều này có thể đúng trong ngắn hạn nhưng cũng chưa chắc chắn vì xuất nhập khẩu ở Việt Nam vừa qua cho thấy hoàn toàn không nhạy cảm với tỷ giá. Trong trung hạn, lãi suất giảm cùng với lạm phát giảm thì đầu tư và hoạt động sản xuất ở khu vực thực sẽ gia tăng mạnh trở lại, khi đó sức cạnh tranh của hàng trong nước sẽ được cải thiện, có khả năng loại bỏ được hiệu ứng tăng nhập siêu của việc tiền đồng lên giá.
TS Nguyễn Tú Anh
Nguyễn Vạn Phú
TBKTSG