[h1]Hơn 700 đồng/USD là số tiền chênh lệch giữa tỷ giá niêm yết của các ngân hàng so với giá trên thị trường tự do.[/h1]

Dù Ngân hàng Nhà nước
(NHNN) luôn khẳng định không thiếu USD nhưng suốt ba
tháng nay, tình hình căng thẳng ngoại tệ không những
không giải quyết được mà còn trở nên khủng khiếp
hơn sau những động thái “siết chặt quản lý” .
Muốn mua USD phải im lặng...



“Sau khi Thống đốc NHNN ra văn
bản quản lý chặt chẽ thị trường ngoại hối và có
những giải pháp tích cực thì tình hình ngày càng….tồi
tệ hơn”.

Đó là phát biểu đầy “tâm
trạng” của Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp chuyên nhập
khẩu vật tư nông nghiệp về văn bản cấm ngân hàng
thương mại thu phụ phí bán USD và xử lý một cửa hàng
kinh doanh ngoại tệ tại phố Hà Trung thời gian qua của
NHNN.

Mạnh miệng vậy nhưng khác với
nhiều lần trước và khác với chính hình ảnh “không
ngại nói thẳng” vốn có trên nhiều diễn đàn, lần
trả lời này, vị doanh nhân trên nhất định “xin không
nêu tên”. Đó cũng là yêu cầu mà phóng viên Vietnamnet
nhận được khi phỏng vấn lãnh đạo nhiều doanh nghiệp
khác.

“Giờ chúng tôi rất cần mua
USD từ ngân hàng. Muốn mua được USD, doanh nghiệp nên im
lặng. Nói ra sợ không còn “cửa” nữa”, một giám
đốc đang muốn mua USD nhập khẩu nhựa giải thích.

Sự e dè này xuất phát từ câu
chuyện nhiều doanh nghiệp “tố” phải “chung chi” phụ
phí cho ngân hàng thương mại mới mua được USD khiến
NHNN vào cuộc.

Tuy nhiên, việc NHNN đưa ra nhiều
biện pháp “siết chặt quản lý” trong khi không cải
thiện được nguồn cung USD càng làm tăng áp lực thiếu
USD trên thị trường.

“NHNN siết chặt là đúng nhưng
chỉ siết ngọn mà không nhổ tận gốc chỉ làm các
doanh nghiệp nhập khẩu thêm khốn khó. Sau lệnh ngày 1/7,
nhiều ngân hàng thương mại án binh bất động, không
bán USD cho chúng tôi nữa”, kế toán trưởng một công
ty thép cho biết.

Ông Tô Dũng, Giám đốc Công ty
TNHH Xuân Cầu – doanh nghiệp kinh doanh xe máy Piagio nhập
khẩu - nhận xét:

“Các chính sách về tỷ giá NHNN đưa
ra không ăn nhập được với chuyển động thực tế của
thị trường nên việc bí ngoại tệ mãi không giải quyết
được. Trước, dù văn bản không cho phép nhưng vẫn tồn
tại công khai tỷ giá trong và ngoài, giờ “tuýt còi”
lại, doanh nghiệp không còn cửa nào để mua ngoại tệ
nữa”.

Hết cửa xoay ngoại tệ nhập
thép phế liệu về sản xuất, cực chẳng đã, Hiệp hội
Thép, rồi lần lượt 7 doanh nghiệp thép, kể cả Tổng
Công ty thép Việt Nam đã phải gửi công văn cầu cứu
Chính phủ tuần trước.

Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc
Trung tâm Nhập khẩu Vật tư và Thiết bị Hà Nội cũng
chia sẻ tình hình đã căng hơn từ đầu tháng 7 trở lại
đây.

Dĩ nhiên, doanh nghiệp có thể
cậy đến các “nhà băng” ở phố Hà Trung (Hà Nội),
nơi “USD rất sẵn, muốn mua bao nhiêu cũng có”. Tuy
nhiên, khoảng cách chênh lệch quá lớn, thường quanh
khoảng 700 đồng/USD đã khiến nhiều doanh nghiệp buộc
phải quay lại với ngân hàng, chấp nhận “chung chi”
thêm.

“Chợ đen” ngân hàng dù sao
vẫn đỡ hơn chợ đen ngoài thị trường, hơn nữa việc
hợp thức hóa giấy tờ khoản chênh lệch dôi ra cũng
thuận tiện hơn”, Trưởng phòng tài vụ của một doanh
nghiệp chuyên nhập thiết bị y tế kết luận.

Anh còn hài hước ví rằng nếu
muốn “săn” được USD, doanh nghiệp bây giờ cần phải
biết “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” và không nên
“than vãn trên báo chí”!. Doanh nghiệp, ngân hàng cùng “nói
dối”



Để “né” tình trạng căng
thẳng ngoại tệ, nhiều tháng nay, Xuân Cầu đã gần như
chuyển hẳn sang làm đại lý cho Piagio Việt Nam, nhất là
khi dòng xe này đã được lắp ráp nội địa.Nhưng rất
ít doanh nghiệp nhập khẩu có thể may mắn chuyển hướng
thuận lợi như thế.

Ông Nguyễn Trọng Hải, Giám đốc
Xí nghiệp Vật tư và vật tư hóa chất Công ty Vật Tư
và XNK hóa chất Hà Nội thẳng thắn cho rằng lệnh cấm
ngày 1/7 của NHNN rốt cục chỉ khiến doanh nghiệp mất
thêm thời gian, công sức tìm hiểu cách… thích nghi để
tiếp tục “cùng nói dối nhau” nhằm xoay sở cho ra
lượng USD cần thiết.

Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch
HĐQT Công ty Cổ phần Chăn nuôi Chế biến và xuất nhập
khẩu (Aprocimex) cũng tỏ ra bức xúc “Thống đốc NHNN cứ
cho rằng quản lý ngày càng chặt chẽ nhưng không thể
mua được USD với giá niêm yết. Chúng tôi cần 3 triệu
USD/tháng để nhập khẩu, riêng tiền chênh lệch đã mất
mấy trăm triệu đồng”.

“Không thêm cộng tiền vào tỷ
giá không thì không được việc, miễn sao cộng trừ xong
vẫn thương vụ vẫn “dương” là được”, ông Hải
kết luận.

Phương thức “thích nghi” thông
dụng là ngân hàng thương mại kết nối giữa doanh nghiệp
xuất khẩu có USD hoặc ngân hàng khác với doanh nghiệp
nhập khẩu cần mua. Hai bên tự thỏa thuận trên trần tỷ
giá niêm yết cộng thêm bao nhiêu tiền và thanh toán chênh
lệch với nhau.

Nhìn bề ngoài, ngân hàng không
vi phạm luật mà chỉ đứng giữa, làm hợp đồng mua bán
trong giá trần. Nhưng theo ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc
Trung tâm Nhập khẩu Vật tư và Thiết bị Hà Nội do ngân
hàng thu xếp hết.

“Chi phí đội lên rất nhiều
như hôm chúng tôi mua, tỷ giá là 17.806 VND/USD, cộng thêm
650 đồng/USD thành gần như giá chợ đen. Mỗi lần muốn
mở L/C cần từ vài chục nghìn đến vài triệu USD, chênh
hẳn một khoản lớn, tất cả lại dồn lên khách hàng
thôi”, ông Bình cho biết.

Hoặc doanh nghiệp và ngân hàng
mua bán USD với nhau thông qua một đồng tiền thứ
ba do NHNN không ấn định tỷ giá tiền đồng với
các ngoại tệ như đô la Úc, đô la Canada, euro, yên
Nhật…

Tuy nhiên, cách đang được nhiều
doanh nghiệp nhập khẩu chọn là liên kết thẳng với
doanh nghiệp xuất khẩu, giao dịch thẳng với nhau đỡ
được một khoản chênh lệch qua ngân hàng. Nhanh gọn hơn
nữa là tranh thủ ngay chức năng xuất nhập khẩu của DN
có nguồn thu USD để ủy thác nhập khẩu với chi phí
“mềm” hơn tự đi chạy chọt USD rồi mở L/C theo cách
thông thường.

Dù chọn cách nào, nhờ biết
cách “lách” cùng nhau, cuối cùng phần lớn các doanh
nghiệp vẫn có thể xoay xỏa qua cánh cửa hẹp. Bởi xét
cho cùng khi nguồn cung vẫn bị kìm hãm ở đâu đó, không
được giải tỏa, điều tiết bởi thị trường thì mọi
biện pháp hành chính cũng chỉ cho kết quả như bịt lỗ
thủng, bịt chỗ này, lại thủng chỗ khác. [table]


Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc
nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright:

NHHH luôn cho rằng không thiếu
ngoại tệ và duy trì chính sách tỷ giá linh hoạt nhưng
khi chênh lệch đến gần 1.000đồng/USD mà vẫn neo tỷ
giá thì tôi không hiểu thế nào là linh hoạt. Nguyên nhân
cơ bản của việc đóng băng là do chính sách tỷ giá
không thích hợp.

Thứ nhất, đang tồn tại một
khoảng cách tương đối lớn giữa thị trường chính
thức và bên ngoài, đủ để người ta có thể thu lợi.
Việc cộng thêm các khoản phụ phí là một cách đưa giá
chính thức về gần giá trị thực của thị trường. Cơ
chế này làm cho người ta phải nói dối.

Thứ hai, nhà nhập khẩu không
thể không có USD. Họ huy động trên thị trường chợ
đen hoặc vào ngân hàng mua với giá thỏa thuận có phụ
phí. Nay bị chặn cả hai đường, gây khó khăn và tăng
chi phí giao dịch nhưng thị trường sẽ tìm ra một ngách
khác để xoay ra USD.

Có điều, NHNN đã không tính đến
chi phí doanh nghiệp bỏ ra về thời gian và tiền bạc chỉ
để đi săn USD, chưa kể còn tạo cơ hội cho một số
người trục lợi, thể hiện cả bên ngoài và bên trong.

Cho nên tất cả các biện pháp
cấm đoán đó không phải là cách lâu dài. Cách lâu dài,
cơ bản là phải thu hẹp khoảng cách giữa tỷ giá chính
thức và tỷ giá tự do. NHNN cứ im lặng như hiện nay
không có động thái gì sẽ tạo ra độ bất định trên
thị trường, khiến người ta đoán già đoán non dẫn đến
hành xử không như mong muốn, tạo ra sự thiếu USD rất
giả tạo.
[/table] Theo Phan Hùng
Vietnamnet