[h1]Sử dụng biểu đồ để dự báo giá cổ phiếu[/h1]

Các nhà kinh tế đã từng bác bỏ việc sử dụng các
mô hình phân tích những dữ liệu trong quá khứ để dự đoán giá cổ phiếu trong
tương lai. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, các biểu đồ giá cổ phiếu mà các
nhà phân tích kỹ thuật thường áp dụng để dự đoán giá cổ phiếu có thể mang lại
nhiều thông tin giá trị.




Nhà phân tích kỹ thuật trên thị trường chứng khoán là những
người có thể dự đoán giá cổ phiếu trong tương lai bằng việc phát hiện ra xu
hướng giá trong quá khứ. Biểu đồ thị trường của họ biểu diễn các mô hình có tên
gọi rất sống động, như mô hình đỉnh đầu vai với một đỉnh lớn cùng hai đỉnh nhỏ
thấp hơn ở hai bên, hay mô hình đáy lớn với một loạt các đáy, mỗi đáy sau lại
thấp hơn đáy liền trước... Những thông tin giao dịch tuy rất đơn giản từ các
biểu đồ này nhưng lại là lộc trời cho đối với những người biết đọc nó.



Từ một thế kỷ trước đây, Charles Dow - nhà sáng lập ra chỉ
số Dow Jones hiện nay đã phát minh ra lý thuyết Dow để dự đoán xu hướng giá cổ
phiếu. Các biểu đồ được một số nhà đầu tư nổi tiếng thế giới sử dụng như
Stanley Druckenmiller - người đang quản lý Quỹ phòng ngừa rủi ro Quantum của
George Soros và Jeffrey Vinik - người đã từng quản lý Quỹ tương hỗ Magellan.
Các nhà kinh tế nghiên cứu thị trường tài chính vẫn xem phân tích kỹ thuật như
một phép thần chú và có nhiều mối quan hệ đối với phân tích cơ bản mang tính
kinh tế chính xác như chiêm tinh với thiên văn học.



Những nhà kinh tế phản bác phân tích kỹ thuật cho rằng,
trong một thị trường hiệu quả, giá cả phản ánh tất cả các thông tin hiện tại và
việc nghiên cứu các mô hình giá trong quá khứ sẽ không mang lại một thông tin
bổ ích nào như liệu giá cổ phiếu trong tương lai sẽ tăng hay giảm. Cụ thể, giá
cả sẽ chuyển động mà không thể dự đoán được hay thay đổi một cách ngẫu nhiên.
Trong thập kỷ vừa qua, một số nhà kinh tế đã kiểm nghiệm lý thuyết thị trường
hiệu quả bằng cách tìm ra một số các ví dụ minh họa những chuyển động trong giá
cổ phiếu có thể dự đoán được dễ dàng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi về
việc liệu những chuyển động này có đủ khả năng dự đoán cho các nhà đầu tư thu
lợi trên cơ sở những thay đổi giá mong đợi? Câu hỏi này được đề cập một cách
chi hết trong cuốn "Thị trường chứng khoán không chuyển động một cách ngẫu
nhiên" (nhà xuất bản đại học Princeton, 1999) của Craig MacKinlay thuộc Trường Wharton
School và Andrew Lo thuộc Học viện công
nghệ Massachusetts.




Ông Andrew Lo và hai đồng tác giả đã đưa ra những luận chứng
bảo vệ mô hình phân tích kỹ thuật. Bằng việc sử dụng giá cổ phiếu của Mỹ trong
các năm từ 1962 đến 1996, họ kiểm tra khả năng dự báo của 5 cặp mô hình phân
tích kỹ thuật đang được sử dụng rộng rãi: đỉnh đầu và vai, đỉnh đầu và vai lộn
ngược, đỉnh và đáy rộng, ba đỉnh và đáy, hai đỉnh và đáy. Kết quả cho thấy, các
mô hình phân tích kỹ thuật hầu như xảy ra thường xuyên hơn nếu chúng thực sự là
các sự kiện ngẫu nhiên.



Nhìn chung, các biểu đồ chứa đựng các thông tin bổ ích về
giá cổ phiếu trong tương lai. Tuy nhiên, có một sự khác nhau rất lớn giữa các
kết quả tại các thị trường khác nhau. Với những cổ phiếu niêm yết trên Sở giao
dịch chứng khoán New York (NYSE) và Sở giao dịch chứng khoán Mỹ (AMEX), chỉ có
7 trong số 10 mô hình phân tích kỹ thuật có đủ khả năng dự báo để thống kê. Đối
với cổ phiếu trên thị trường Nasdaq thì cả 10 mô hình đều có ý nghĩa quan trọng
về mặt thống kê.



Nghiên cứu không đi sâu vào tìm hiểu điều gì tạo ra các mô
hình nhưng có một khả năng là các mô hình phản ánh những thay đổi trong tâm lý
nhà đầu tư. Sự ham thích rủi ro của nhà đầu tư có thể thay đổi theo cách có thể
dự báo tương ứng với những thay đổi cụ thể trong mức giá. Nhưng hiện vẫn chưa
rõ ràng, liệu khả năng dự đoán của các mô hình phân tích kỹ thuật sẽ bị mất đi
hay không nếu các nhà đầu tư quá tận dụng chúng để thực hiện giao dịch.



Do các nhà đầu tư đã sử dụng biểu đồ trong dự đoán giá cổ
phiếu khoảng 100 năm nay và chúng vẫn chứng tỏ được tính hữu dụng của mình, nên
khả năng dự đoán của các mô hình sẽ vẫn còn mãi. Các mô hình truyền thống được
sử dụng trong phân tích kỹ thuật vẫn còn khá sơ sài và được xác định bởi những
cái có thể nhìn thấy. Vì thế, phân tích kỹ thuật vẫn thường được coi là một
nghệ thuật hơn là một môn khoa học.