Thông tin thú vị về EPS

Từ
ngày có cái thị trường chứng khoán, đọc báo chí, nghe tin tức thấy
người ta nói đến EPS nhiều quá nên cũng tò mò muốn biết nó là cái gì.
Tìm đến hỏi một số chuyên gia có thâm niên “đánh Đông dẹp Bắc” trên thị
trường chứng khoán thì được biết nó là viết tắt của Earnings Per Share,
dịch ra tiếng Việt là lợi nhuận trên một cổ phần.

Tò mò hỏi
tiếp thế vì sao mà EPS lại quan trọng thế? Lần này thì câu trả lời phức
tạp hơn, hóa ra xung quanh anh chàng EPS này cũng có khá nhiều điều lý
thú. Xin được chia sẻ cùng quý vị một số điều lý thú đó.

Vì sao EPS lại được ưa thích như vậy?

Những
ai từng một lần sử dụng báo cáo tài chính đều biết một báo cáo tài
chính thông thường cũng dài mấy chục trang, các công ty lớn thì hàng
trăm trang là chuyện bình thường. Trong một báo cáo tài chính có rất
nhiều thông tin, nhưng có một dòng nằm khiêm tốn tận cuối của Báo cáo
kết quả kinh doanh (Income Statement) lại luôn nhận được sự quan tâm
đặc biệt. Đó chính là dòng “Lợi nhuận trên một cổ phần” (tiếng Anh là
earnings per share – EPS). EPS xuất hiện trong hầu hết các phân tích
tài chính và quen thuộc đến nỗi từ cụ già tới em nhỏ, hễ cứ quan tâm
đến thị trường chứng khoán là biết EPS có nghĩa là gì, mặc dù chưa từng
một ngày học tiếng Anh. Nhưng vì sao giữa một rừng các con số trong báo
cáo tài chính, EPS lại được quan tâm đến vậy? Câu hỏi này được Graham,
Harvey, Rajgopal (2005)đặt ra cho các vị giám đốc tài chính (CFOs) của
401 công ty tại Mỹ, và đây là câu trả lời: Thứ nhất, các nhà đầu tư
hằng ngày nhận được rất nhiều thông tin (từ báo cáo tài chính cũng như
từ các nguồn khác) trong khi khả năng xử lý thì có hạn. Vì vậy, các nhà
đầu tư cần một chỉ tiêu tổng hợp phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh
của doanh nghiệp một cách đơn giản, dễ hiểu, và dễ so sánh. EPS được
coi là đáp ứng tốt các yêu cầu này. Lý do thứ hai rất đơn giản, EPS là
chỉ tiêu được sử dụng một cách phổ biến nhất và xuất hiện với tần suất
nhiều nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng, đến mức người ta
mặc nhiên coi nó là quan trọng mà chẳng cần hỏi lý do. Cuối cùng, giống
như các nhà đầu tư, các chuyên gia phân tích tài chính (financial
analysts) và các ngân hàng đầu tư (investment banks) cũng muốn có một
chỉ tiêu tổng hợp để thuận tiện cho việc phân tích, đánh giá, dự báo
tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, và họ cũng chọn EPS.

EPS và các giá trị tham chiếu (benchmarks)

Khi
đã có trong tay số liệu EPS, có lẽ việc đầu tiên mà các nhà phân tích
thường làm là so sánh với các giá trị tham chiếu (benchmarks). Ba điểm
tham chiếu thường nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà phân tích
là điểm 0 (tức là mức EPS bằng 0); EPS của năm trước (hoặc của cùng quý
năm trước); EPS theo dự báo của các chuyên gia phân tích tài chính
(analyst forecast) hoặc theo mức EPS kế hoạch của chính doanh nghiệp.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy thị trường phản ứng khá mạnh mẽ mỗi khi
mức EPS của doanh nghiệp cao hơn hay thấp hơn các điểm tham chiếu này.
Ví dụ, nghiên cứu của Bartov, Givoly, Hayn (2002 ) đối với các công ty
niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ giai đoạn 1983-1997 cho thấy
mức chênh lệch lợi tức cổ phiếu (return) bình quân quý giữa một công ty
có EPS bằng hoặc cao hơn dự báo của các chuyên gia phân tích (analyst
forecast) dù chỉ 1 cent và một công ty tương tự nhưng có EPS thấp hơn
analyst forecast chỉ 1 cent là 3.2% (đây là mức chênh lệch sau khi đã
loại trừ ảnh hưởng của các yếu tố khác có thể có ảnh hưởng tới lợi tức
cổ phiếu của các công ty như sai số dự báo, rủi ro).

Do việc EPS
cao hơn hay thấp hơn các giá trị tham chiếu có ảnh hưởng lớn tới giá cổ
phiếu nên môt điều dễ hiểu là các công ty thường cố gắng tránh rơi vào
tình trạng phải báo cáo EPS thấp hơn các điểm tham chiếu này. Vì vậy,
trong trường hợp EPS thực tế thấp hơn một chút xíu so với các giá trị
tham chiếu thì các công ty thường tìm cách “phù phép” báo cáo tài chính
để có được mức EPS cao hơn. Các kết quả nghiên cứu cho thấy hiện tượng
phù phép này khá phổ biến. Ví dụ, Degeorge, Patel, Zeckhauser (1999)
phân tích các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ giai đoạn
1974-1996 và phát hiện rằng có rất nhiều (đến mức “bất thường”) các
công ty báo cáo mức EPS cao hơn 0, hoặc cao hơn EPS năm trước, hoặc cao
hơn mức dự báo của chuyên gia phân tích tài chính một chút xíu (1-2
cent), trong khi đó có rất ít công ty báo cáo EPS thấp hơn các giá trị
tham chiếu này 1-2 cent.

Vì sao thị trường lại phản ứng mạnh mẽ với các giá trị tham chiếu?

Degeorge,
Patel, Zeckhauser (1999) đưa ra một giả thuyết dựa trên Prospect Theory
rằng con người nói 1182139.jpgchung có xu hướng đánh giá các kết quả
của một quá trình (outcomes) bằng cách so sánh với các điểm tham chiếu
(reference points). Khi một công ty công bố mức EPS cho năm hiện tại,
thông thường mức lợi nhuận năm trước và mức lợi nhuận theo dự báo của
các chuyên gia phân tích tài chính cũng được công bố kèm theo. Việc
thường xuyên xuất hiện đồng thời như vậy một cách tự nhiên khiến cho
hai chỉ tiêu EPS năm trước và EPS dự báo của các chuyên gia phân tích
tài chính trở thành các điểm tham chiếu quan trọng (benchmarks). Riêng
đối với điểm tham chiếu 0 thì đặc biệt hơn. Tâm lý sợ thua lỗ (loss
aversion) khiến cho các nhà đầu tư có xu hướng phản ứng mạnh mẽ hơn khi
EPS cao hơn hay thấp hơn điểm tham chiếu này. Cho dù mức chênh lệch chỉ
là 2 cents nhưng nghe từ “lãi” vẫn thấy thân thương hơn từ “lỗ”.

Nguyên
lý chung là như vậy, nhưng trên thực tế phản ứng của thị trường khi EPS
của doanh nghiệp cao hơn hay thấp hơn các mốc tham chiếu này còn mạnh
mẽ hơn do tác động của yếu tố tâm lý. Ví dụ, khi một công ty công bố
EPS cao hơn các mức tham chiếu, giá cổ phiếu của công ty đó thường tăng
mạnh do:

Thứ nhất, một số nhà quản lý quỹ (fund managers) có
thiên hướng ưa thích các công ty có lợi nhuận tăng trưởng. Các fund
managers này sẽ tăng cường mua cổ phiếu của các công ty có EPS cao hơn
so với năm trước hoặc so với dự báo của các chuyên gia phân tích tài
chính, và khi cầu đủ lớn thì giá tất sẽ tăng.

Thứ hai, các
chuyên viên phân tích và nhà đầu tư trẻ, thiếu kinh nghiệm thường có xu
hướng phản ứng thái quá (over-reaction) khi các công ty báo cáo mức EPS
cao tương đối so với các điểm tham chiếu.

Ngươc lại, khi một công ty công bố EPS thấp hơn các mức tham chiếu thì giá cổ phiếu của công ty đó thường giảm mạnh do:

Thứ
nhất, các nhà đầu tư có xu hướng mặc định rằng mọi công ty đều tìm cách
phù phép lợi nhuận để có EPS cao hơn các mốc tham chiếu. Vì vậy, khi
một công ty báo cáo EPS thấp hơn các mốc tham chiếu này thì đó là dấu
hiệu có điều gì đó bất ổn đối với công ty (đến mức không thể phù phép
cho EPS cao hơn). Kết quả là giá cổ phiếu của công ty đó nhiều khả năng
sẽ bị điều chỉnh giảm.

Thứ hai, các chuyên viên phân tích và nhà
đầu tư trẻ, thiếu kinh nghiệm thường có xu hướng phản ứng thái quá
(over-reaction) khi các công ty báo cáo mức EPS thấp hơn so với các
điểm tham chiếu.

Thứ ba, thù lao của các fund managers thường
được xác định trên cơ sở so sánh với kết quả hoạt động của các fund
managers khác trong cùng kỳ (relative performance evaluation). Vì vậy,
khi một fund manager phản ứng thái quá đối với EPS thấp hơn mốc tham
chiếu bằng cách bán ra sẽ kéo theo nhiều fund managers khác bán ra
theo, khiến cho giá cổ phiếu càng giảm. Thứ tư, một số hedge funds sử
dụng các chương trình bán ra tự động (automatic sell programs). Các
chương trình này có thể được thiết kế để tự động đặt lệnh bán khi EPS
thấp hơn một số điểm tham chiếu, tạo ra hiện tượng bán ồ ạt dẫn tới giá
cổ phiểu bị giảm (Xem Raigopal, Shivakumar, Simpson [2007] ).

Tóm
lại, dường như lý do quan trọng nhất khiến EPS được ưa thích là do tính
“dễ sử dụng” và “được thừa nhận rộng rãi” của chỉ tiêu này hơn là bản
chất kinh tế (economic fundamentals) của nó. Mặc dù các chuyên gia phân
tích tài chính luôn khẳng định rằng EPS là một chỉ tiêu tổng hợp phản
ánh kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng những băn
khoăn không phải là không có lý. Liệu một con số có thể tổng hợp được
tình hình hoạt động của cả một doanh nghiệp với muôn vàn các sự kiện
trong suốt một năm không? Câu trả lời chưa có, nhưng lâu nay cả thế
giới người ta dùng EPS mà có làm sao đâu nhỉ. Thôi thì lại theo phương
châm: cái gì tồn tại thì có lý.