Đứng trước tình hình bế tắc về nguồn vốn cho thị trường bất động sản, nhiều ý
kiến cho rằng những nỗ lực xoay xở của từng doanh nghiệp hiện nay chỉ nhằm vượt
khó ngắn hạn. Vì vậy, cần phải bàn thêm những giải pháp khơi thông nguồn vốn
trung và dài hạn cho thị trường này.


Tiếp cận vốn ngân hàng thế nào?


Các chuyên gia ước tính giá trị các khoản vay cho thị trường bất
động sản chiếm đến 70% giá thị trường của các tài sản đảm bảo. Việc giá bất động
sản đã giảm từ 20-50% so với đỉnh cao của năm ngoái đang làm cho mối quan hệ
giữa người đi vay và người cho vay được dự báo sẽ rất căng thẳng vào cuối năm
nay, nếu như giao dịch nhà đất vẫn ngừng trệ và giá bất động vẫn tiếp tục du y
trì ở mức thấp như hiện nay.


Theo ông Đặng Hoàng Vũ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại
Địa ốc Thanh Bình, ngân hàng nên cho vay trở lại, bắt đầu từ những dự án có tính
khả thi, đồng thời cho những cá nhân có năng lực trả nợ vay mua nhà trả chậm.
“Một khi có giao dịch, có thị trường thì câu chuyện quan hệ đôi bên sẽ được giải
quyết dễ dàng hơn”.


Mặc dù lãnh đạo nhiều ngân hàng vẫn khẳng định tiếp tục duy trì
cho vay bất động sản nhưng có vẻ như điều kiện vay quá khắt khe nên những người
đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn này không nhiều. Nếu dư nợ bất động sản của hệ
thống ngân hàng sáu tháng đầu năm ngoái ở mức 10-15% tổng dư nợ thì cùng kỳ năm
nay, tỷ lệ này ở các ngân hàng đều dưới 10%, một số ngân hàng chỉ ở mức 4%.


Chẳng hạn Ngân hàng Quân Đội, một trong những điều kiện để được
ngân hàng này cho vay là dự án phải sở hữu vị trí đẹp tại TP.HCM hay Hà Nội.


Trên một diễn đàn mới đây về tìm nguồn vốn cho thị trường bất
động sản, bà Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) từng
đưa ra ví dụ về một dự án cũng có vị trí đẹp ở TP.HCM để lưu ý là ngân hàng hiện
chỉ ưu đãi cho vay đối với những dự án có tiềm năng sinh lợi lớn.


Theo bà Loan, doanh nghiệp chủ dự án này đã tiếp cận được nguồn
vốn từ một quỹ đầu tư nước ngoài nhưng kèm theo điều kiện là phải được một ngân
hàng bảo lãnh. Tuy nhiên, do thiết kế dự án bị khống chế tầng cao, ngân hàng xét
thấy tỷ suất lợi nhuận của dự án có khả năng không được như mong muốn nên không
chịu bảo lãnh. Vì thế, quỹ nước ngoài cũng không dám cho vay!


Cũng tại diễn đàn nói trên, ông Huỳnh Minh, Phó tổng giám đốc
Công ty Chứng khoán Bản Việt, cũng cho rằng việc phát triển các nguồn vốn ngoài
ngân hàng là giải pháp lâu dài, còn trước mắt, các doanh nghiệp bất động sản vẫn
tiếp tục dựa vào ngân hàng là chính. Tuy nhiên, cùng với việc lãi suất cho vay
đứng ở mức cao, có vẻ như việc tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp bất động
sản vẫn còn xa vời.


Theo ông Đặng Hoàng Vũ, “trong bối cảnh tín dụng ngân hàng vẫn là
kênh cung cấp vốn chính, Ngân hàng Nhà nước cần chủ trương nâng tỉ lệ vốn vay
trung và dài hạn cho thị trường bất động sản. Vấn đề nợ xấu thuộc về trách nhiệm
thẩm định dự án cho vay của các ngân hàng”.



http://muabannhadat.com.vn - Địa chỉ BĐS lớn nhất Việt Nam