Thứ Bảy, 22/11/2008,06:52

Trữ hàng để giữ giá mùa tết


Có chín doanh nghiệp(DN) TP.HCM đã được “mượn” 409 tỉ đồng từ
ngân sách để trữ hàng hóa, đổi lại các DN này phải chuẩn bị nguồn hàng và bán
thấp hơn giá thị trường 5-10%, đặc biệt là trong những ngày cao điểm tết.


Năm nay, việc trữ hàng khá thuận lợi, hàng hóa dồi dào, giá lại
có xu hướng giảm. Ngoài trữ hàng, các DN cũng mở rộng thêm mạng lưới bán lẻ để
đảm bảo cung ứng hàng giá hợp lý đến tận tay người tiêu dùng.


Bán thấp hơn giá thị trường 5-10%


Dù sức mua đang ở mức thấp nhưng ông Trương Trung Việt, phó giám
đốc Sở Công thương TP.HCM, cho rằng thời điểm tết nhu cầu ước sẽ tăng 30% so với
bình thường.


UBND TP đã chốt lại danh sách chín DN được UBND TP cho vay 409 tỉ
đồng với lãi suất 0% từ vốn ngân sách nhằm bình ổn thị trường tết. Sở Công
thương đã làm việc với từng DN để đưa ra mức đánh giá cung cầu hàng hóa, thực
phẩm thiết yếu phục vụ người dân TP trước và sau tết.


Theo chương trình này, từ trước Tết Nguyên đán một tháng, hằng
tháng TP quyết định trữ 12.000 tấn gạo, 8.000 tấn đường RE, 2.000 tấn dầu ăn,
7.800 tấn thịt gia súc, 2.000 tấn thịt gia cầm, 1.800 tấn thực phẩm chế biến và
15 triệu quả trứng. Tham gia chương trình này, các DN cam kết sẽ bán giá thấp
hơn thị trường từ 5-10%.


Theo bà Bùi Hạnh Thu - phó tổng giám đốc phụ trách khối mua
Saigon Co.op, dự báo sức mua tại các siêu thị tăng khoảng 40-50% so với năm
trước. Vì vậy, Saigon Co.op đã làm việc với các nhà cung cấp từ rất sớm và có kế
hoạch dự trữ hoặc chốt lượng đặt hàng để đảm bảo nguồn hàng phong phú, ổn định
và giá cả cạnh tranh.


Hàng hóa dồi dào


Bà Ba Huân - giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, chuyên kinh doanh
trứng - cho biết đã ký hợp đồng với công ty thức ăn chăn nuôi và các trang trại
để tạo nguồn cung. Ngành trứng là ngành tươi sống, sản phẩm chỉ bảo quản trong
vòng một tuần nên việc ký được hợp đồng cố định với trại chăn nuôi chính là điều
kiện thuận lợi để giá trứng không có đột biến vào cao điểm.


Tuy nhiên, theo bà Huân, giá trứng vịt có thể nhích nhẹ 5% trong
khi trứng gà vẫn ổn định do đặc thù nuôi vịt đồng. Mức giá này vẫn sẽ đảm bảo
thấp hơn thị trường 5-10%. Riêng từ 20 tháng chạp trở đi sức tiêu thụ mặt hàng
của người dân TP.HCM dự kiến có thể lên đến 2,5-3 triệu trứng/ngày, tăng gấp đôi
so với ngày thường.


Trong khi đó, ông Phạm Văn Minh - giám đốc Công ty Phú An Sinh -
cho biết đến thời điểm này đơn vị chuẩn bị được 80% lượng hàng dự trữ để bán
tết, tương đương 250.000 con gà. Hiện đơn vị tập trung trữ chủ yếu loại gà màu
(gà thả vườn và gà ta). “Điều thuận lợi là hiện nay DN không lo áp lực giá vì gà
trắng và gà nhập khẩu đang rẻ. Xu hướng cuối năm giá không có biến động, bằng
hoặc thấp hơn so với năm ngoái do giá đầu vào như thức ăn chăn nuôi sụt giảm
nhiều” - ông Minh nói.


Dự báo khả năng giá gà thả vườn đến tay người tiêu dùng khoảng
48.000 đồng/kg, gà ta chừng 90.000 đồng/kg. Tổng kế hoạch dự trữ là 100.000 con
gà màu và 150.000 gà thả vườn. Cũng theo ông Minh, vào mười ngày cao điểm trước
và sau tết, lượng gà tiêu thụ khoảng 30-40 tấn/ngày. Điều đặc biệt năm nay thị
trường sẽ không còn gà cấp đông mà chỉ có gà tươi sống.


Siết chặt kiểm tra giá bán


Theo ông Trương Trung Việt, ngay trong tuần sau, tổ công tác được
phân công theo dõi tiến độ dự trữ hàng tết tại DN bắt đầu kiểm tra thực tế nơi
sản xuất, các kho dự trữ hàng cũng như trại chăn nuôi của các DN cung ứng thịt
gia súc, gia cầm và trứng các loại.


Ông Việt cũng cho biết tổ giám sát giá bán của các DN sẽ so sánh
đối chiếu giá bán của DN công bố với giá bán ngoài thị trường vào thời điểm
trước, trong và sau tết tại 450 điểm bán lẻ mà DN đã đăng ký với Sở Công thương.



Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng khẳng định: “Nếu phát
hiện DN không thực hiện đúng việc giữ giá bán như đã cam kết với UBND TP, chúng
tôi sẽ yêu cầu DN phải điều chỉnh giá bán tại thời điểm đó và sẽ loại DN đó ra
khỏi chương trình trong năm sau”. Với những DN không thực hiện đúng tiến độ trữ
hàng, bà Hồng cho biết sẽ thu hồi vốn đã cho vay và thay bằng DN khác.


Thêm điểm bán hàng


Các DN cũng chủ động mở thêm hệ thống đại lý, cửa hàng và
khuyến khích những điểm bán hàng “thời vụ”. Ngoài 20 chi nhánh chính thức và
trong siêu thị, Phú An Sinh mở thêm 2.000 điểm bán rải khắp các khu vực đông dân
cư. Dự kiến lượng hàng vận chuyển trong mùa cao điểm tăng gấp sáu lần so với
ngày thường nên xe hàng cần hoạt động trong giờ cao điểm. Ông Minh kiến nghị các
cơ quan chức năng phối hợp để giúp vận chuyển hàng hóa được thông suốt.


Sẽ công bố danh sách điểm bán đúng giá


“Chúng tôi sẽ thông báo rộng rãi các điểm cam kết bán đúng giá
của các DN tham gia bình ổn thị trường trên các phương tiện truyền thông. Nếu
người dân phát hiện nơi nào bán giá cao hơn giá thị trường có thể phản ảnh đến
UBND các quận, huyện” - ông Trương Trung Việt cho biết.


Danh sách chín DN tham gia chương trình bình ổn giá gồm: Tổng
công ty Thương mại Sài Gòn (190 tỉ đồng), Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (66
tỉ đồng), Liên hiệp Hợp tác thương mại TP.HCM - Saigon Co.op (53 tỉ đồng), Công
ty cổ phần Thực phẩm công nghệ Sài Gòn (34 tỉ đồng), Công ty Lương thực TP (7,6
tỉ đồng), bốn DN ngoài quốc doanh gồm: Công ty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ 19 tỉ
đồng để trữ thịt gia cầm, Công ty cổ phần đầu tư Vinh Phát và Công ty TNHH Ba
Huân vay trên 11 tỉ đồng để dự trữ trứng, Công ty TNHH Phú An Sinh với khoảng 13
tỉ đồng để dự trữ thịt gia súc, gia cầm.



(Trần Vũ Nghi - Như Bình,Tuổi trẻ )