Lúa rớt giá vẫn không có người mua


Cập nhật ngày (30/07/2008)







Hiện
có khoảng 8 triệu tấn lúa thu hoạch vụ hè thu không tiêu thụ được. Điều
lo ngại là dù giá lúa giảm mạnh nhưng các doanh nghiệp vẫn không thu
mua vì sợ lỗ.




[table]






Lúa đã phơi khô chờ thương lái đến mua.


[/table]Theo
Hiệp hội Lương thực VN: Giá gạo thế giới trong tháng 7 đột ngột giảm
mạnh, chỉ còn từ 600 USD- 700 USD/tấn, giảm gần một nửa so với giá gạo
của tháng 4 và 5 là 1.100 USD - 1.200 USD/tấn.


Phơi đầy đồng, chất đầy bồ


Vụ lúa hè thu năm nay cơ bản đã hoàn tất giai đoạn
thu hoạch. Thế nhưng khác với năm trước, mùa thu hoạch đông và vui như
ngày hội, lúa thu hoạch đến đâu là được thu mua đến đó; còn hiện nay,
dù giá đã giảm mạnh nhưng các hộ nông dân đang phải đối mặt với tình
trạng lúa không tiêu thụ được. Thời điểm này, hình ảnh dễ thấy nhất tại
các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là lúa phơi đầy ở hai bên đồng, chưa
kể một lượng lớn lúa đã chuyển về nhà các hộ dân và được chất đầy bồ.
Ông Nguyễn Văn Thành (Vĩnh Thành, TP Cần Thơ) than thở: Gia đình của
ông còn “ôm” gần 50 tấn lúa nhưng gần nửa tháng nay vẫn không bán được.
Bà Bùi Thị Hạnh (Cái Bè, Tiền Giang) vừa thu hoạch xong 2 ha lúa song
đã kêu năm lần bảy lượt mà vẫn không thấy thương lái đến thu mua. “Chủ
các đại lý kinh doanh phân bón, thuốc trừ sâu kêu réo liên tục nên tôi
phải vay tiền lãi để trả nợ. Không bán được lúa thì tôi chẳng biết lấy
tiền ở đâu để trả lãi. Tương tự, các hộ nông dân ở An Giang, Kiên
Giang, Đồng Tháp... cũng đang mòn mỏi chờ thương lái đến thu mua lúa.


Hiện nay, giá lúa giảm từ 600 đồng – 1.000 đồng/kg.
Chẳng hạn, lúa hạt dài dao động từ 4.600 đồng - 4.700 đồng/kg, lúa loại
thường từ 4.200 đồng - 4.300 đồng/kg, lúa thơm từ 5.300 đồng - 5.800
đồng/kg. Theo dự báo của giới kinh doanh, giá lúa sẽ tiếp tục giảm do
thương lái lợi dụng cơ hội để ép giá thu mua. Mặt khác, lúa vụ 3 ở các
tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang chuẩn bị xuống giống nên chỉ 2 - 3
tháng tới lúa sẽ vàng đồng; nông dân phải tiếp tục “ôm” lúa.


DN không trữ hàng


Dù Chính phủ đã cho phép nối lại việc ký hợp đồng
xuất khẩu nhưng những diễn biến của giá gạo thế giới khiến việc thu mua
lúa trong nước bị ách tắc. Đầu tháng 7 giá gạo thế giới bất ngờ giảm
mạnh, loại gạo 5% tấm còn từ 650 USD - 670 USD/tấn (giảm trên 300
USD/tấn so với tháng 4, 5) và hiện chỉ còn từ 600 USD - 620 USD/tấn.
Trước tình hình này, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo không dám thu
mua lúa gạo vì lo ngại giá sẽ tiếp tục giảm thêm.


Ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty Mekong Cần Thơ, cho
rằng: Gần một tháng qua, công ty của ông cũng như nhiều công ty khác
không dám thu mua lúa gạo, chỉ có một số DN có sẵn hợp đồng xuất khẩu
thì mới tổ chức thu mua với số lượng giới hạn. Hiện các DN kinh doanh
gạo đang nghe ngóng tình hình, nếu giá gạo thế giới tăng trở lại thì
mới tìm kiếm hợp đồng xuất khẩu và tiến hành thu mua. Theo ông Phạm Văn
Bảy, Giám đốc Công ty XNK Nông sản Thực phẩm An Giang, đầu ra của nhiều
DN rất khó khăn vì các nước có nhu cầu tiêu thụ gạo với số lượng lớn đã
nhập đủ chỉ tiêu cách đây 2, 3 tháng - thời điểm mà VN hạn chế ký hợp
đồng mới. Hiện chỉ còn thị trường châu Phi là tiếp tục nhập khẩu gạo,
nhưng khu vực này không thể mua được giá cao nên các DN đều không mặn
mà. Một nguyên nhân khác khiến các DN phải cân nhắc thu mua lúa gạo
phục vụ xuất khẩu là vừa qua Chính phủ đã tính thuế xuất khẩu gạo 5%
tấm là 10%. Như vậy, với giá xuất khẩu từ 600 USD - 620 USD/tấn thì DN
phải chịu thuế là 30 USD/tấn. Đây là con số không nhỏ buộc họ phải tính
toán.


Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực VN, bà Nguyễn Thị
Nguyệt, cho biết: Một trong những nguyên nhân quan trọng làm các DN
xuất khẩu cân nhắc thu mua là chất lượng lúa hè thu thấp, độ ẩm cao nên
khó dự trữ lâu. Mặt khác, để đối phó với giá lương thực tăng cao trong
thời gian vừa qua, nhiều nước trên thế giới đã tăng diện tích trồng lúa
nên nguồn cung dồi dào hơn trước và giá lương thực toàn cầu đã giảm
xuống đáng kể.

(Theo NLĐ)