(ĐTCK) Để đón đầu nhu cầu vốn kinh doanh của doanh nghiệp và cá nhân trong mùa cao điểm cuối năm, các nhà băng liên tục đưa ra nhiều chương trình tín dụng ưu đãi. Tuy nhiên, vốn giá rẻ chỉ dành cho các khách hàng tốt, trong thời gian ngắn.
Mới đây, Ngân hàng Bản Việt cho biết sẽ dành 1.000 tỷ đồng vốn ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) dịp cuối năm, lãi suất ưu đãi chỉ từ 8,5%/năm.

Trong khi đó, từ nay đến hết năm 2018, Nam A Bank triển khai chương trình hỗ trợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn với lãi suất chỉ từ 9%/năm.

Bac A Bank có chính sách ưu đãi dành riêng cho khách hàng doanh nghiệp cần bổ sung vốn lưu động, lãi suất cho vay từ 8,3%/năm, không thu phí trả nợ trước hạn…

Tại SHB, Ngân hàng triển khai gói tín dụng 2.500 tỷ đồng, lãi suất từ 8,5%/năm, nếu vay tiêu dùng trên 1 tỷ đồng, lãi suất từ 10%/năm.

Theo lãnh đạo SHB, gói ưu đãi này nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng vào thời điểm trước và sau Tết, bởi đây là thời điểm người dân có nhu cầu cao về mua nhà, ô tô và các nhu cầu sắm sửa khác.

Không riêng SHB, VIB cũng tăng hạn mức vay mua xe, với lãi suất từ 7,99%/năm. Còn MB giải ngân gói 2.500 tỷ đồng từ nay đến hết năm 2018 dành cho vay mua bất động sản, chung cư, nhà đất; vay mua ôtô và vay phục vụ sản xuất kinh doanh với lãi suất từ 7%/năm. Nếu không ưu đãi lãi suất, các nhà băng lại lựa chọn nới lỏng các điều kiện cho vay.

Chẳng hạn, với vay mua nhà, thay vì thời hạn vay trả góp 10 - 20 năm như thông thường, Techcombank nâng lên 35 năm đối với một số dự án bất động sản, ân hạn thêm 24 tháng để trả gốc…

Có thể thấy, tiềm năng tăng trưởng tín dụng dịp cuối năm và áp lực đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh doanh khiến khối ngân hàng đang tung hàng loạt chương trình ưu đãi vay vốn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, thực tế, lãi suất cho vay khó có thể giảm mạnh. Các gói tín dụng ưu đãi lãi vay chỉ dành cho doanh nghiệp có sức khỏe tốt.

Trong khi với nhu cầu vốn tiêu dùng, vay mua sửa chữa nhà, lãi suất hiện đã và đang nhích dần. Cụ thể, so với đầu năm nay, lãi suất cho vay đối với các mục đích này đã tăng khoảng 1 - 2%/năm.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho rằng, mặt bằng lãi suất nhiều khả năng khó có biến động mạnh từ nay đến cuối năm.

Tuy nhiên, vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến hành nâng lãi suất thêm một lần nữa và nhu cầu vốn của doanh nghiệp gia tăng thì sẽ tạo sức ép lên lãi suất đầu vào, dẫn tới lãi suất đầu ra theo hướng nhích dần lên.

Thực tế, hiện tại, không chỉ các ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ, mà ngay cả 4 ngân hàng quốc doanh lớn đều điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Tại BIDV, một số kỳ hạn lãi suất huy động đã được điều chỉnh tăng khoảng 0,2%/năm.

Cụ thể, tiền gửi kỳ hạn 6 tháng trong tháng 9 được điều chỉnh tăng từ 5,1%/năm lên 5,3%/năm và hiện đạt 5,5%/năm.

Tại Agribank, với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động tăng từ 5,3%/năm lên 5,5%/năm và 12 tháng là 6,8%/năm. Trong khi đó, Vietcombank áp dụng lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng ở mức 4,4%/năm, tăng 0,1%/năm; kỳ hạn 3 tháng hiện ở mức 4,8%/năm và 6 tháng là 5,5%/năm.

Tiềm năng tăng trưởng tín dụng dịp cuối năm và áp lực đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh doanh khiến khối ngân hàng đang tung hàng loạt chương trình ưu đãi vay vốn. Tuy nhiên, thực tế, lãi suất cho vay khó có thể giảm mạnh. Các gói tín dụng ưu đãi lãi vay chỉ dành cho doanh nghiệp có sức khỏe tốt.

Trong một báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, diễn biến tăng trở lại của lãi suất liên ngân hàng đi kèm động thái bơm ròng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, thanh khoản toàn hệ thống đang ở trạng thái eo hẹp.

Tổng hợp hai kênh OMO và tín phiếu, NHNN đã bơm ròng 250 tỷ đồng vào thị trường. Lãi suất liên ngân hàng trung bình tuần qua có xu hướng tăng trở lại đối với các loại kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần. Cụ thể lãi suất trung bình các loại kỳ hạn kể trên tăng với biên độ 0,27% - 0,34%/năm.

Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, lãi suất huy động tiền đồng của các ngân hàng thương mại tăng tại một số thời điểm gần đây, nhất là ở kỳ hạn trung, dài hạn, với mức tăng trung bình khoảng 0,4%/năm. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cũng như kỳ hạn dưới 12 tháng biến động không nhiều.

Trong đó, một nguyên dân dẫn đến việc các nhà băng đua tăng lãi suất kỳ hạn dài chủ yếu là để cơ cấu lại nguồn vốn, đáp ứng quy định của Thông tư 19/2017/TT-NHNN về việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống 40% vào đầu năm tới.

Vì thế, theo đánh giá của một chuyên gia lĩnh vực ngân hàng, khó tránh lãi suất cho vay mua nhà tăng trong năm tới. Thực tế, một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất cho vay mua nhà lên 12 - 13%/năm so với mức 9 - 11%/năm đầu năm nay.